Ghi Chép Dưới Hầm (Fyodor Dostoevsky) – Bên Trong Một Con Người

Khi đọc tựa đề của sách, tôi mường tượng ra cảnh một người ở dưới hầm và ghi chép lại cuộc sống cực khổ nơi đây, nhưng mọi dự đoán đều sai. Ghi chép dưới hầm của Fyodor Dostoesky kể chuyện đời thực tế từng chi tiết, để lại dư âm sâu sắc trong tôi sau nhiều ngày đã đặt cuốn sách xuống.

Đọc giả cần lưu ý ngay từ khi bắt đầu đọc tác phẩm là những con người, xã hội mà sách mô tả chỉ là tưởng tượng, mình chắc chắn rằng có nhiều bạn sẽ nghĩ rằng đây là “ghi chép” của người thật, việc thật, một xã hội hiện hình nào đó ở Nga bởi xét từ nhiều góc độ: thái độ, cử chỉ, cảm xúc, hoàn cảnh…, thì những nhân vật trong ghi chép của tác giả “chẳng những có thể, mà nhất định còn phải hiện diện trong xã hội chúng ta.” “ Đó là một trong số những đại diện của thế hệ còn sống đến bây giờ”.

Sách được chia làm hai phần rõ rệt, phần đầu có nhan đề “Dưới hầm”, nhân vật tự giới thiệu về bản thân, về quan điểm của hắn và nguyên do hắn sinh ra trong xã hội này. Mở đầu nhân vật giải thích tại sao hắn lại là con người như vậy, phần “con” mà hắn không muốn lại nổi trội trong nhân cách “những việc mà có lẽ ai cũng làm, nhưng lại cố tình đến với tôi đúng lúc tôi ý thức rõ ràng là đáng lí ra không nên làm mới phải? Càng ý thức bao nhiêu về cái thiện và cái gọi là “đẹp và cao thượng”, tôi càng lún sâu vào đống bùn nhơ và càng cảm thấy hoàn toàn thích nghi trong việc sa lầy vào đó”. Con người hắn như bị dằn xé mãnh liệt giữa thiện và ác. Hắn minh chứng rõ ràng về một con người luôn có lòng căm thù bên trong. “Người lấy báo trả báo như những con chuột vậy, họ tự nghĩ vậy chứ không ai nghĩ vậy”. Để rồi họ bị bao vây bởi sự hoài nghi, sự nhèm pha của người đời, họ huyễn hoạt thêm vài chuyện hoang đường nữa, và càng căm thù hơn kẻ kia. Khi mọi chuyện như đã là “định mệnh”, con người ấy bắt đầu ăn năn về những điều đã diễn ra, càng tức tối hơn khi sự trả thù được xem là kinh khủng ấy lại không ảnh hưởng gì đến đối phương, mà giờ họ lại đang bị chắn bởi bức tường này, “chung quy quý vị vẫn đau khổ, và càng không rõ bao nhiêu thì lại càng đau khổ bấy nhiêu”. Không chỉ than trách cho bản thân, hắn còn đánh mạnh vào tâm lý xã hội luôn “rên rỉ”. Con người rên la, nguyền rủa cho những gì xảy đến với mình, dù sự oán trách đó chẳng giúp ích hay làm thay đổi gì cho cuộc sống hiện tại“chỉ có con người mới quyền rủa, đây là đặc quyền của hắn”. Bên cạnh sự “kinh tởm” con người mà ghi chép mô tả, hắn còn mô tả thêm phần con “hám danh” mà người nào cũng có, chỉ là ít hay nhiều, “con người làm những điều đê tiện chỉ vì hắn không biết đến những quyền lợi thực thụ của mình”, ”bởi ai cũng biết là không người nào có thể cố tình hành động đi ngược lại với lợi ích của chính họ”.

Phần kế tiếp chính là những “ghi chép” của nhân vật, nhưng cũng không phải ở dưới hầm, mà nhân vật kể về những biến cố cuộc đời hắn. Ở tuổi 24, cuộc sống của bạn như thế nào? Khi “chong chênh” trong quá nhiều mối quan hệ, không khẳng định đây là giai đoạn quan trọng nhất của cuộc đời của mỗi người, nhưng nhân vật đã mô tả quá trình chuyển biến của một con người thực thụ, cách “đối đãi” với các mối quan hệ nhiều lúc làm hắn phải khóc, phải cười, đôi lúc cũng không biết là nên khóc hay cười nữa. Tuổi 24 khi bước vào đời, bên cạnh gia đình, quan hệ với đồng nghiệp, với sếp chiếm hơn 70% cuộc sống, con người ấy đã thích ứng ra sao? Hắn có bất cần như cách hắn đang kể với đọc giả hay hắn cũng chỉ là “con tốt đen” trên bàn cờ cuộc sống. Bên cạnh quãng thời gian ám ảnh đó, bị lún sâu trong những mối quan hệ không rõ hồi kết cũng là điều làm nhân vật “day dứt” đến cuối chuyện. Hắn giúp đỡ một cô gái, chia sẻ với cô ấy thật nhiều về cách sống, sống sao để không uổng phí những tháng ngày tươi đẹp, hắn còn “lồng” một vài đạo lý sống trong đó, những điều hắn nói đã giúp ích cho một cô gái, nhưng cũng thật “nực cười” bởi chính bản thân hắn còn không rõ hắn phải sống sao trong cái xã hội này. Để rồi đến cuối, mối nhân duyên của hắn và cô gái cũng kết thúc, bởi hắn nghĩ hắn không xứng đáng, hắn đâu có “minh tường” như những gì đã nói, số phận của hắn cũng “dập dềnh, trôi nổi” như bao người, hắn từ chối tình cảm cô gái dành cho mình, sự nuối tiếc được thể hiện rõ khi hắn chạy theo nàng, nhưng nàng đã đi thật xa rồi.

Hắn trong câu chuyện xưng hô với đọc giả là “tôi”“quý vị”. Hắn như đang đứng giữa một quan tòa, tự giới thiệu về mình, giải thích tại sao hắn được sinh ra, tại sao lại trong xã hội này, tại sao hắn phải hành động như vậy. Đôi lúc, đó là những lời biện minh, nhưng đôi lúc lại là lời bộc bạch của một người trong cuộc, hắn thể hiện phần “con” và phần “người” của chính mình, và những điều nhân vật mô tả lại là những góc khuất trong mỗi người chúng ta, ta thấy mình trong đó, với những giận hờn, căm phẫn, với những oán trách, và cả những sự chiều lòng. Thật không ngoa khi có người đã khẳng định rằng: “Ghi chép dưới hầm của Dostoevsky xứng đáng là một tác phẩm về chủ nghĩa hiện sinh tuyệt vời nhất từng được viết.”

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.