Đầu năm 2018, cả nước rộ lên phong trào ký tên kêu gọi Nhật Bản xét xử sớm vụ án bé Linh. Báo chí dành không ít giấy mực để viết, dư luận dành không ít bình luận cũng như hành động về vụ việc, nhưng thực sự mọi chuyện vẫn là dấu chấm hỏi. Người trong cuộc chưa thể hiện hết nội dung, người ngoài cuộc thì chạy theo phong trào. Ai đúng, ai sai, tội ác có phải cứ “rành rành” như mọi người vẫn nghĩ, chỉ có thời gian mới trả lời hết được.
Cùng thời điểm, Nhã Nam ra mắt cuốn Thú tội của Minato Kanae, cuốn sách được rất nhiều đọc giả quan tâm và đón chờ, vì cách đó khoảng 13 năm, Thú tội được chuyển thể thành phim và gây nhiều tiếng vang.
Phải khẳng định một điều là: Có những cuốn sách không phải là self-help nhưng lại thay đổi con người ta đến lạ. Tác giả như dẫn người đọc đi trên một con đường có nhiều lối rẽ, cuốn hút từ chi tiết này đến chi tiết khác, có những cảm giác muốn xé tâm gan ra thành nhiều mảnh. Ban đầu, tôi cứ nghĩ: người này có tội, người kia vô tội, người nọ vô tình, người kia có mục đích cho hành động của họ. Nhưng không, trong mỗi con người luôn luôn là những góc tối mà bạn không thể khẳng định bạn hiểu hết được. Có những điều bạn nghĩ đúng nhưng chưa chắc người khác cũng nghĩ nó đúng. Tận cùng của mọi nỗi đau luôn luôn có một nguyên nhân nào đó, có những lý do đọc đến làm con người ta đau lòng đến vậy.
Sách được chia làm 6 chương: kẻ giảng đạo, kẻ tuẫn đạo, kẻ nhân từ, kẻ cầu đạo, kẻ sùng đạo và kẻ truyền đạo. Dịch giả tinh tế dùng chữ “kẻ” chứ không phải chữ “người”, bởi mỗi chương là một lời thú tội của một nhân vật. Đọc giả bị cuốn vào câu chuyện, từng chương như lời mở, trả lời câu hỏi “kẻ” đó là ai, làm con người ta phải nghẹn ngào.
Cuốn sách bao hàm nhiều ý nghĩ, nội dung, không chỉ “vạch trần” một đất nước Nhật Bản hiện đại nhưng hà khắc và thiếu tình yêu thương mà đâu đó hình ảnh Việt Nam hiện ra. Đó là một xã hội mà cha mẹ kỳ vọng quá nhiều vào con cái, nơi người lớn vô tình làm tổn thương những ước mơ non dại của con trẻ, nơi những đứa trẻ bị lối suy nghĩ và giáo dục của người lớn làm lệch lạc, nghĩ mình là thiên tài, là vượt trội, tách biệt với mọi người, nơi mà mọi tội lỗi phải bị trả giá, tình thương và sự cảm thông dường như có tồn tại, nhưng không thể lấp đầy “hố đen” trong mỗi con người, nơi người ta không đủ bản lĩnh để nhận trách nhiệm cho hành động của mình…
Cuốn sách cuốn đọc giả vào “ vòng luẩn quẩn”, ở đó nhân vật nào cũng có cái lý của họ. Để rồi đến cuối cùng, ta phải thốt lên “ Nếu như … thì mọi chuyện có khác không?”.
“hà khắc” nhé 😉
Mình vẫn mong có thể đọc được một bài viết dài hơn một chút, chi tiết hơn một chút về quyển này, nếu được thì tốt quá 🙂
Cám ơn bạn nha. Mình sửa rồi 🙂