Mơ Lam Kinh (Đinh Phương) – Sương Mù Che Phủ Những Kiếp Người

Thật có chút gì đó không công bằng khi dán nhãn 13 truyện trong tập truyện ngắn “Mơ Lam Kinh” của Đinh Phương là những truyện viết về lịch sử vì khi đọc cuốn sách, tôi chỉ thấy những nhân vật lịch sử hiện lên loáng thoáng và bị nhấn chìm dưới lớp sương mù dày đặc mà Đinh Phương tạo ra cho các câu chuyện của mình, cũng như những cuốn sách trước đây của anh, những nhân vật trong “Mơ Lam Kinh” vẫn luôn đấu tranh để thoát khỏi sự chìm khuất của thời gian, bị ám ảnh bởi sự tồn tại và đôi lúc, dường như, đang sống giữa lằn ranh của hai thế giới.

Như nhân vật trung tâm trong hai truyện ngắn “Chú Chều”“Thần Rớt ở phố Long Tiên”, ta cảm giác được sự khát khao của họ để khẳng định bản thân, để được như những “người bình thường” nhưng số phận kéo tuột họ vào trong một thế giới khác, mà đôi lúc, họ buông xuôi và chấp nhận không thuộc về thế giới nơi họ đang tồn tại, họ lạc lối giữa những ngổn ngang và bối rối không biết nơi mình thật sự thuộc về.

Một điều nữa ta thấy dường như luôn là nỗi băn khoăn của Đinh Phương đó chính là sự vụt thoát khỏi nỗi chán chường của cuộc sống hàng ngày, các nhân vật của anh dù ở hiện tại hay quá khứ, họ đều muốn có những biến cố để làm trật nhịp cái cuộc sống vốn đỗi đơn điệu họ đang có như cậu con trai trong “Tự hóa”, muốn nối lại tình cảm với người bố ruột ở quê (và với cả mảnh đất nơi cậu sinh ra) nhưng bị cuốn theo những lo lắng hàng ngày của cuộc sống gia đình mà không biết cách để làm khác đi được, hay cặp tình nhân trong “Giấc mơ trên tầng áp mái”, những điều hứa hẹn của họ mãi mãi chỉ là hứa hẹn và tầng áp mái dường như là nơi để họ trú ẩn đồng thơi trốn tránh hiện tại: “và chúng mình cứ thế lơ lửng bay”, hay nhân vật chính trong “Mê Cung” bị quá khứ khóa chặt, quẩn quanh trong ký ức mà giờ đây đã trở thành nhà tù trong tâm trí và đang chật vật tìm đường thoát khỏi nó.

Lịch sử chỉ là trang viết ghi lại những sự kiện, đôi lúc nó như là những dòng chữ vô hồn, mà những nhân vật được nhắc tới như bị đóng đinh vào một hình ảnh có chút gì đó thiếu “tính người”, ta quên đi họ cũng là những người có cảm xúc, biết đau khổ và cả yêu đương: “Từng người từng người một trôi qua cửa địa ngục để đi mãi vào cõi bất tử của dân tộc Việt”. Những nhân vật lịch sử quen thuộc như Lý Chiêu Hoàng, Nguyễn Thái Học… hiện lên đầy hư ảo dường như chỉ là một nhân vật khách mời, lịch sử dường như chỉ là một cái cớ để Đinh Phương đi sâu vào mổ xẻ sự chênh vênh của phận người, khi mà giữa sự giao thoa của các thời đại, bao cái tên vô danh đã bị chìm khuất sau những trang sử, và Đinh Phương dường như muốn mang lại ánh sáng cho họ, một lần được trở thành nhân vật chính trong trang sử của chính mình, để rồi lại tan biến vào thinh không. Và họ cùng với câu chuyện của mình được Đinh Phương tái hiện lại những niềm vui, nỗi buồn và đặc biệt là sự bất an, giằn xé, họ như lạc lối giữa những trang viết, giữa những binh đao loạn lạc và cả trong tâm trí của chính họ: “Chỉ có hai nhân vật trong câu thơ, và hắn giờ là người đóng vai phản diện. Hắn ngắm vào chính cái hy vọng của tuổi trẻ mình rồi bóp còi phá nát. Sự biệt ly nào buồn bã hơn sự biệt ly khi con người ta mất hết hy vọng vào những điều đã tin.”

Vẫn tạo ấn tượng với lối viết mơ màng giữa mơ và thực, những câu văn của Đinh Phương đậm chất thơ mà đầy mơ màng, như có một lớp sương mù che phủ lên câu chuyện của anh, và cả những nhân vật của anh cũng bị một làn khói mỏng manh che phủ khiến họ lạc lối, lối viết này cũng đã tạo nên sự độc đáo của riêng Đinh Phương mà nhiều người gọi là “lối viết sương mù”. Với “Mơ Lam Kinh” tôi không còn liên tưởng đến sự ảnh hưởng của Haruki Murakami như “Nhụy khúc” hay “Chuyến tàu nhật thực” bởi vì Đinh Phương đã lựa chọn những chất liệu thuần Việt hơn nhưng cũng vì vậy mà tôi có cảm giác anh bị hạn chế trong việc phát triển câu chuyện theo lối bay bổng, ma mị, siêu thực hơn mà với tôi anh đã rất thành công trong hai tiểu thuyết trước đây của mình. Đọc “Mơ Lam Kinh”, một lần nữa Đinh Phương khẳng định anh là một tác giả đáng để chúng ta theo dõi và ít nhiều đã tạo được dấu ấn và tiếng nói riêng với những trang viết của mình.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.