Tay sát thủ mù – Chuyện kể của “Người đàn bà thép” dịu dàng

Tay sát thủ mù” — cuốn sách được xuất bản tại Việt Nam của nữ văn sĩ người Canada Margaret Atwood không chỉ kể một câu chuyện mà là bốn câu chuyện lồng ghép vào nhau.

Trong cuốn sách, Atwood thể hiện bà là bậc thầy trong việc tạo ra những cuốn tiểu thuyết phức tạp với các tình tiết dày đặc, đan xen nhau bằng những người dẫn chuyện tỉ mỉ và những dòng thời gian nhảy cóc, Atwood khiến người đọc dính chặt vào những câu chuyện của bà, bị bà dẫn dắt qua từng câu chữ với cốt truyện xoay chuyển bất ngờ, và từ từ mở từng lớp một để đi đến sự thật. Thế nhưng, “Tay sát thủ mù” không phải là một cuốn sách mà ta có thể đọc một lèo, hoặc bỏ qua một bên sau khi đọc xong, đây là cuốn tiểu thuyết thử thách sự kiên nhẫn của người đọc và xứng đáng được đọc đi đọc lại nhiều lần.

Bìa sách của Nhã Nam

Mở đầu câu chuyện, cùng Iris Chase Griffen, người đọc xuôi theo dòng hồi tưởng của nhân vật chính trở về quá khứ từ chỗ ở quạnh hiu nơi hiện tại của bà. Với chuyến đi này, bà không kể chuyện đơn thuần, mà ghi lại những sự kiện của cuộc đời một cách tỉ mỉ với hy vọng dùng những câu chữ ấy làm cầu nối dẫn bà hội ngộ với Sabrina — người cháu gái từ lâu đã ghẻ lạnh của bà. Chuyến hành trình thử nghiệm, đầy ngập ngừng ấy chứa đầy những hành lang tăm tối và được xen giữa bởi những chương từ cuốn sách của Laura — người em gái đã mất của Iris — được xuất bản vào những năm 40 sau khi Laura lao xe xuống cầu tự vẫn. Cuốn sách của Laura, cũng như cuốn sách bạn đọc đang cầm trên tay, mang tên: “Tay sát thủ mù”, kể về câu chuyện của một đôi tình nhân luôn gặp mặt nhau một cách lén lút, và mỗi khi gặp nhau, chàng trai thường kể cho cô gái câu chuyện về một hành tinh kỳ lạ, nơi những đứa bé phải dệt thảm cho đến khi mất thị lực, để rồi trở thành những tay sát thủ câm lặng.

Bạn đọc phải thật sự tỉnh táo để tìm được lối đi qua những lớp đan xen truyện-trong-truyện-trong-truyện của Atwood dù bà đã đặt bản chỉ dẫn ở khắp mọi nơi, phải sáng suốt nhận định đâu là sự thật trong lời kể của Iris, đâu là câu chuyện về những tay sát thủ mù ở hành tinh Zycron, đâu là lời tâm sự của đôi tình nhân vụng trộm. Chuyến xe cùng với Iris (hay là với Margaret Atwood? ) qua những ký ức, qua bao thế hệ, qua các hành tinh không phải là một chuyến đi dễ chiu, nếu bạn không bám chắc vào câu chuyện, ắt hẳn bạn sẽ bị văng khỏi chiếc xe khi băng qua những ổ gà, sẽ mỏi nhừ người khi đi qua những đoạn gập gềnh, và sẽ choáng váng khi chiếc xe ấy lao vào cái hố thăm thẳm ở đoạn kết như cái cách Laura lao xe xuống cầu trong cảnh mở đầu cuốn sách.

Điều làm cho “Tay sát thủ mù” trở thành một cuốn sách hấp dẫn, không chỉ ở nghệ thuật kể chuyện mà còn ở giọng văn của Atwood, cũng có nhiều tầng như cách bà kể chuyện, giọng văn của Atwoood tưởng chừng sắc sảo, lạnh lùng, thậm chí có phần cay độc nhưng lại ẩn chứa sự dịu dàng, nữ tính và thấm đẫm yêu thương. Bà có cách miêu tả những âm thanh, màu sắc, mùi vị hết sức sống động và độc đáo với sự tỉ mỉ, chi tiết nhưng không hề vụn vặt, chính điều ấy đã tạo chiều sâu cho câu chuyện và cảm xúc của các nhân vật cũng như khiến người đọc say sưa với tác phẩm của bà.

Một điều nữa người ta luôn chờ đợi trong mọi cuốn tiểu thuyết của Margaret Atwood, đó là vấn đề nữ quyền. “Tay sát thủ mù” không nói về nữ quyền một cách trực diện, mạnh mẽ như cuốn sách nổi tiếng nhất của bà: “Chuyện người tùy nữ”, mà đề cập đầy ẩn ý, nhẹ nhàng. Trong bối cảnh những ngày ngay sau khi chiến tranh thế giới thứ hai trải dài đến những năm đầu thế kỷ hai mươi, bà đặt ra vai trò của nữ giới trong xã hội cũng như trong gia đình khi họ vẫn âm thầm, dai dẳng đấu tranh để khẳng định vị trí của mình . Bà đặc biệt thấu hiểu phái nữ, những mơ ước, mộng tưởng, thất vọng, đơn côi, nỗi buồn, niềm vui, bà hiểu những giọt nước mắt, những nụ cười, những đêm dài không ngủ, nhưng trên hết, bà thấu hiểu nỗi khao khát được yêu thương và khiến người đọc cũng thấu hiểu điều đó. Và sự thấu hiểu ấy chính là khởi nguồn của tình yêu, hay ngược lại, chính tình yêu mới là điều dẫn tới sự thấu hiểu?

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.