Giấc mơ Mỹ (Huyền Chíp) — Đường đến trưởng thành

Là một người theo chủ nghĩa anh hùng truyền thống luôn luôn ngưỡng mộ những người dám nghĩ dám làm vì một lý tưởng gì đó, tôi rất nể phục Huyền Chíp. Nhắc đến cái tên này chắc đa số bạn trẻ Việt Nam đều biết. Đó là một cô gái ở tuổi đôi mươi đã một mình đi khắp nơi trên thế giới, xuất bản hai cuốn sách ăn khách, đã phạm sai lầm, và cũng đã dám đứng dậy để thay đổi bản thân.

Trước khi đọc được cuốn “Giấc mơ Mỹ – Đường đến Stanford” tôi cũng đã nghe loáng thoáng trên các trang tin tức là cô gái hoang dã Chíp đã được nhận vào học ở trường Đại Học Stanford bênMỹ, ngôi trường mà tôi hằng mơ ước. Và rồi những tưởng sách lại là một cuốn cẩm nang hướng dẫn làm sao để được nhận vào học, làm thế nào để xin được học bổng nọ kia. Nhưng ngờ đâu “Giấc mơ Mỹ” lại là một “cuốn phim” ngắn về cuộc đời.

Tôi gọi đây là một “cuốn phim” vì khi tôi đọc từng dòng chữ, từng dòng hội thoại trong đó, trước mắt tôi hiện ra toàn bộ khung cảnh Stanford giống như tôi là một sinh viên của trường vậy. Nó sống động đến không ngờ, thật đến không ngời dù cho chỉ có vỏn vẹn chưa tới 200 trang. Tôi được bước đi cùng Huyền tới các giảng đường Stanford, được học cùng những người nổi tiếng, được tắm mình trong cái không khí học thuật bậc nhất thế giới. Tôi nghĩ phải chăng chính “thất bại” lần trước của mình cùng với môi trường học tập ngon lành bên trời Tây đã nhào nặn ra một Chíp hoàn toàn mới, Chíp 2.0, hay có lẽ là 3.0? Điều đó tôi không biết được, và cũng không thể phán xét gì được trong khi tôi chỉ là một đọc giả từ xa, chưa một lần tiếp xúc với em, chưa một lần nghe em kể chuyện. Nhưng có một điều tôi chắc chắn đó là em đã trưởng thành. Không còn những chất ngang tàng, ngây thơ đến hoang tưởng như xưa trong “Xách ba lô lên và đi” nữa. Chất chứa trong toàn bộ câu chuyện Stanford là một bản tình ca nồng nàn pha lẫn phiêu lưu của một thanh niên muốn thay đổi thế giới. Vâng, tôi đã thấy trong đó một khát khao cháy bỏng làm được điều gì đó cho xã hội chứ không còn là một cô bé nhỏ nhắn chỉ muốn đi khắp thế giới khám phá những điều vui thú cho bản thân. Và Stanford đã tiếp thêm ước muốn đó của em bằng cách trang bị xung quanh em ngoài kiến thức còn có những người bạn xuất chúng. Đúng như người ta hay nói nếu muốn giỏi thì hãy vây quanh mình những người giỏi. Chíp đã vây quanh mình những “đồng chí” tinh anh nhất. Những con người đó có những hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau, mỗi người đều xuất sắc trong những lĩnh vực khác nhau nhưng tất cả đều có chung một điểm đó là họ đến đây để thay đổi cuộc đời của chính họ, và của xã hội. Em đã học được một điều quý giá mà bấy lâu, qua những chặng đường phiêu lưu của mình, em không hề nhận ra:

“Con người sinh ra là để cống hiến, không phải để cảm nhận. Những người tìm kiếm hạnh phúc cá nhân là những kẻ ích kỷ.”

Vâng, trước đây em chỉ là một con bé “ích kỷ” chỉ lo cho sự nhàm chán của bản thân khi phải dừng chân tại một đất nước nào đó quá lâu. Muốn là xách ba lô lên và đi. “Cống hiến” có lẽ hồi đó còn là thứ gì đó chưa có trong từ điển của Chíp. Nhưng ngay tại thời điểm viết cuốn sách này, tôi nghĩ có lẽ em đã tìm ra cho mình một đích đến giá trị hơn, ý nghĩa hơn cho đời mình hơn là những cơn mê hoang dại nơi núi rừng Châu Phi xa xôi. Câu chuyện không có kết thúc vì nó không cần có kết thúc. Nó chỉ đơn giản là một bản tuyên ngôn trưởng thành của một con người giác ngộ mà thôi.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.