Lời nguyện cầu từ Chernobyl (Svetlana Alexievich)

Ngày 26 tháng 4 năm 1986, nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Pripyat, Ukraina (khi ấy còn là một phần của Liên bang Xô viết) bị nổ. Đây được coi là vụ tai nạn hạt nhân trầm trọng nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân. Mười năm sau đó, suốt ba năm ròng rã, Svetlana Alexievich đã đi khắp Chernobyl, phỏng vấn mọi người: những công nhân làm việc ở nhà máy điện, các nhà khoa học, các quan chức của Đảng cũ, các bác sĩ, những người lính, các phi công lái trực thăng, thợ mỏ, những người tị nạn, những người tái định cư… để cho ra đời Lời nguyện cầu từ Chernobyl, cuốn sách hoàn toàn không phải là bản cáo trạng, mà chỉ là một tập ghi chép cảm xúc, như chính lời bà thừa nhận ở cuối cuốn sách.

Điều ngạc nhiên về thảm họa, đó là cách chính quyền Xô — Viết che đậy thông tin một cách hoàn hảo, ru ngủ người dân trong một cảnh yên bình chết chóc, “Đài phát thanh không nói gì, báo chí cũng không đưa tin, nhưng những con ong biết…. Suốt hai ngày không một con nào ra khỏi tổ.” Xuyên suốt cuốn sách, những lời tâm sự cứ lặp đi lặp lại rằng chính phủ liên tục bảo người dân mọi thứ vẫn “an toàn”, “trong tầm kiểm soát” và “sẽ sớm ổn định”, không một người dân nào được cảnh báo về tác hại của chất phóng xạ, như một người tâm sự: “tôi ước gì tôi hiểu được mối hiểm nguy lúc đó, và đọc tất cả các sách về hạt nhân có thể”, đến tận những người lính, những người thanh lý viên… trực tiếp thu dọn thảm họa cũng không hề biết được điều gì đang chờ đợi mình, họ lên đường theo tinh thần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” để có thể trở thành anh hùng mà không cần biết rằng chất phóng xạ có thể ảnh hưởng đến nhiều đời sau nữa, bởi vì đâu ai nói cho họ biết, họ tin lời chính phủ một các tuyệt đối, mà sao không tin cho được, với những lời dụ dỗ về công danh, tiền bạc, huân chương…, cả những máy đo phóng xạ dỏm được cài vào để họ tin rằng độ phóng xạ vẫn ở mức an toàn (nhưng đối với họ 100 becquerel hay 1000 becquerel cũng chẳng có ý nghĩa khác nhau là mấy mà đến mãi sau này họ mới hiểu ý nghĩa những con số chết người ấy.)

“Đây không phải là thủ đoạn hay một sự dối trá nữa, mà là một cuộc chiến tranh nhằm vào sự ngây thơ.”

— Một nhà vật lý đã thốt lên khi ông kể chuyện về những nỗ lực của ông để cảnh báo người dân về mức độ nguy hiểm của thảm họa, nhưng đáp lại ông là sự thờ ơ của người dân: “phóng xạ là gì nhỉ? Nó là cái gì? Chúng tôi chẳng nhận được chỉ thị nào hết.”, và ông vẫn kiên trì đến từng nơi nghiên cứu, đo mức độ phóng xạ để có một bản báo cáo cảnh báo gửi về cơ quan có thẩm quyền và nhận được là những lời đe dọa, rằng ông đang làm dân chúng hoang mang, họ có thể tống ông vào trại tâm thần hay khiến xe ô tô của ông bị đâm trên đường. Đến tận những năm sau này, khi tác hại của thảm họa đã được thể hiện một các rõ ràng, những thương binh từ Chernobyl cũng bị chính quyền từ chối thừa nhận những căn bệnh, di chứng họ mang theo là do ảnh hưởng phóng xạ, vì như ngay từ những ngày đầu tiên xây dựng nhà máy hạt nhân, chính quyền đã đảm bảo chúng rất an toàn.

A child’s gas mask and a shoe at a kindergarten in the abandoned city of Pripyat. Image: REUTERS/Gleb Garanich.

Cuốn sách tràn ngập những câu chuyện đau lòng với lời độc thoại của những người vợ mất chồng, những người mẹ sinh ra những đứa con dị tật, những người già mất quê hương, những con người mất ý thức, những đứa trẻ không có tương lai. Vụ nổ ấy, theo những người trong cuộc, đã tạo ra một giống người mới: giống người Chernobyl, một giống người không quê hương, xứ sở và không có tương lai. Mở đầu và kết thức cuốn sách là câu chuyện về hai người góa phụ có chồng là thanh lý viên làm việc dọn dẹp thảm họa, những lời kể đau đớn, thương tâm nhưng dường như Svetlana Alexievich muốn bao bọc cuốn sách mình bởi tình yêu:

“Tôi thường nói “Em yêu anh”. Nhưng khi đó tôi không biết tôi yêu anh nhiều đến mức nào. Tôi không biết…”

Svetlana Alexievich đã viết một cuốn sách kỳ lạ, chắc chắn không giống bất cứ cuốn sách nào tôi đã từng đọc, bà quả thật biết nắm bắt được những câu chuyện có thật một cách tài tình. Và những ghi chép ấy thật sự đã mở cho tôi một thế giới mới như những lời bà nhắn nhủ: “Những con người này đã chứng kiến những gì mà đối với người khác vẫn là điều chưa biết. Tôi cảm thấy như thể mình đang ghi chép tương lai.”

Nhím


Lời nguyện cầu từ Chernobyl was originally published in Đọc Sách on Medium, where people are continuing the conversation by highlighting and responding to this story.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.