Con Sẻ Vàng (Donna Tartt) – Cuộc Phiêu Lưu Của Một Bức Danh Họa

Có một sự thật mà chúng ta cần phải thẳng thắn thừa nhận: rằng tôi và bạn đều sợ những cuốn sách quá dài. Đặc biệt là trong cái bối cảnh xuất bản như Việt Nam, sách dài thường được in khổ lớn, chi chít chữ, hoặc bìa cứng, giấy nặng và nghĩ tới việc mang những cuốn sách dày ấy theo đến trường học, chỗ làm để đọc trong giờ nghỉ trưa quả thật gây nản chí, đó là chưa kể nếu sơ ý có thể làm ta bị thương khi rơi sách vào mặt (nếu nằm đọc) hoặc xuống chân (nếu ngồi đọc). Thế nhưng tôi vẫn luôn cho rằng, không có những cuốn sách quá dài, mà chỉ có những cuốn sách quá dở mà thôi. Vì vậy, đừng vội bỏ qua khi nhìn thấy “Con Sẻ Vàng” ở các hiệu sách, bởi vì cuốn sách hơn chín trăm trang này chứa đựng không chỉ một chuyến phiêu lưu đầy kịch tính của bức danh họa nổi tiếng của Carel Fabritius mà còn là bản tuyên ngôn về nghệ thuật, cái đẹp và tình yêu của Donna Tartt – được viết bằng giọng văn giàu cảm xúc và tinh tế.

Câu chuyện của cậu bé 13 tuổi Theodore Decker ắt hẳn sẽ làm ta nhớ đến những cuốn sách của Charles Dickens, một cậu bé mồ côi mẹ không nơi nương tựa mà khi mở đầu cuốn sách – chàng trai Theodore Decker 26 tuổi đã tâm sự rằng: “Mọi chuyện hẳn đã tốt đẹp hơn nếu mẹ còn sống… khi mất mẹ, tôi đã mất đi tấm biển chỉ đường dẫn tới nơi chốn hạnh phúc, tới một cuộc đời đông đủ hay đầm ấm hơn.” Và rồi Theo bắt đầu kể lại thảm kịch ngày hôm ấy, ngày đã khiến cuộc đời cậu thay đổi mãi mãi, ngày mà cậu cùng mẹ đến Bảo Tàng Nghệ Thuật thành phố New York để cùng ngắm những bức tranh được triễn lãm nơi đây, mà mẹ cậu đã dừng chân thật lâu trước bức “Con Sẻ Vàng” để tụng ca vẻ đẹp của nó, và một cuộc nổ bom đã diễn ra, cậu – may mắn sống sót còn mẹ cậu không được may mắn như vậy. Trong lúc hỗn loạn, một người đàn ông hấp hối đã bảo cậu cầm lấy bức “Con Sẻ Vàng” mang đi, bảo vệ và giữ gìn nó để rồi câu chuyện của Theo mới thật sự bắt đầu.

Mượn bức tranh nổi tiếng để dẫn dắt câu chuyện, cuốn sách thực chất là cuộc phiêu lưu của Theodore từ New York đến Las Vegas, quay lại New York rồi lại đến tận Amsterdam, và những cuộc phiêu lưu ấy của cậu, đều liên quan đến bức danh họa nổi tiếng kia. Mà bức tranh đã thật sự là một nỗi ám ảnh trong cuộc đời của cậu: “Bởi, nếu các bí mật mới làm nên chúng ta, chứ không phải bộ mặt chúng ta phô ra cho thế giới: thì bức tranh chính là điều bí mật đã nâng tôi lên trên bề mặt cuộc đời, cho phép tôi biết mình là ai.” Qua câu chuyện về sự trưởng thành của Theo, ta sẽ bắt gặp những sự bối rối, nỗi bất an, sự hoài nghi của một cậu bé chơi vơi giữa thế giới mà không có bất kỳ ai dẫn dắt, những gì cậu làm hoàn toàn là dựa vào bản năng mách bảo, để rồi, dĩ nhiên, cậu phải trả giá cho những quyết định sai lầm. Bị dằn vặt giữa tội lỗi khi sỡ hữu một tác phẩm nghệ thuật mà không biết làm thế nào với nó và cái cảm giác mê đắm khi nhìn ngắm bức họa dưới ánh nắng mặt trời, Theo giấu kín bí mật của mình mà không biết thổ lộ cùng ai. Tới lúc này, Donna Tartt thể hiện mình là một bậc thầy trong nghệ thuật kể chuyện, khi dẫn dắt người đọc qua muôn vàn những cảm xúc cùng với chuyến đi tìm kiếm bức tranh, đồng thời cũng là tìm lại chính mình của Theo. Với “Con Sẻ Vàng”, ta không chỉ có những giây phút kịch tính bất ngờ và những đoạn hành động đậm chất phim ảnh mà còn có những khoảng lặng khiến ta ngơ ngẩn và buồn bã như cái cách Theo bước đi giữa cái thành phố rộng lớn và u ám mà không biết đâu thật sự là nhà của mình.

“Cái đẹp nằm ở đâu? Trong những vật to lớn mà rốt cuộc cũng phải chết như những thứ khác, hay trong những thứ rất nhỏ vốn không có tham vọng gì, nhưng lại biết khảm vào khoảnh khoắc một viên ngọc của vô tận.” “Con Sẻ Vàng” khiến tôi nhớ lại những dòng này trong cuốn tiểu thuyết “Nhím thanh lịch” của nữ nhà văn Muriel Barbery, không hẹn mà gặp, hai nữ nhà văn – một Pháp một Mỹ – đều có những luận điểm tương đồng về cái đẹp và ý nghĩa của nghệ thuật trong đời sống chúng ta. Và cả Donna hay Muriel đều không giấu diếm tình yêu vô biên của mình dành cho cái đẹp và những tác phẩm nghệ thuật, khi dàn trải khắp “Con Sẻ Vàng” các nhân vật luôn trích dẫn những dòng thơ, câu viết của các tác phẩm nổi tiếng hay cái cách những bức danh họa nổi tiếng làm say đắm cả những tên tội phạm tưởng chừng chỉ xem chúng như những món hàng để mua bán mà không thể động lòng trước cái đẹp. Và đến chương cuối cùng, có lẽ đó là lúc Donna Tartt đưa những điều mình muốn đề cập về cuộc đời và cái đẹp ra ánh sáng, và dường như tất cả những điều bà viết, tất cả những gì nhân vật bà đã trải qua, thực chất cũng chỉ như một cái chớp mắt nếu so với cái thời gian vô tận của vũ trụ, chỉ có cái đẹp là tồn tại mãi (bà ắt hẳn hy vọng cuốn sách của mình cũng vậy), có lẽ thông qua cuốn sách bà muốn trò chuyện với người đọc như Theo đã nhận thấy: “bức tranh đã dạy tôi thêm rằng ta có thể nói chuyện với nhau xuyên qua thời gian.”, mà bức tranh ấy, cùng với cuốn sách của bà, chia sẻ với nhau một cái tên: “Con Sẻ Vàng”.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.