Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không (Paul Kalanithi)

“Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không” là cuốn tự chuyện của Paul Kalanithi (tiến sĩ chuyên ngành phẫu thuật thần kinh học) viết trong giai đoạn cuối của cuộc đời khi biết mình bị bệnh ung thư.

Sau mười năm khổ luyện miệt mài, sắp kết thúc chương trình nội trú để vươn tới vị trí giáo sư về phẫu thuật thần kinh, là lúc mà ông đã lên đỉnh cao của sự nghiệp, thì cũng chính là lúc đến hồi kết thúc khi biết mình trong giai đoạn cuối của bệnh ung thư phổi. Là một bác sĩ nên Paul vốn rất uy quyền trong bộ y phục phòng mổ nhưng lại rụt rè sợ hãi trong bộ đồ bệnh nhân. Ban đầu Paul cũng không chấp nhận về sự thật của chính bản thân mình nhưng sau đó ông đã bắt đầu nhìn thế giới qua hai lăng kính; nhìn cái chết trong cả vai trò bác sĩ và bệnh nhân. Dù là bác sĩ giỏi và đã cứu được rất nhiều bệnh nhân nhưng trong lúc bệnh này đây ông cũng không thể cứu được chính ông -con người dù là ai thì cũng không tránh được số phận với tử thần.

Cuốn sách được chia làm hai phần. Phần một Paul viết về những gì trước khi biết mình bị bệnh. Paul được sống và lớn lên trong tình yêu thương , trong sự luôn mong cho con mình được giáo dục tử tế, sự quyết tâm không để cho con mình thiếu sách của người mẹ. Chính đó là nền tảng khiến Paul say sưa với văn học Anh rồi thì bị cuốn hút bởi bộ não, là trung tâm điều khiển cả con người và Paul luôn tìm kiếm tri thức để thoả mãn trí tò mò của mình. Tiếp theo những trang sau Paul viết về những năm tháng ông học y với những thách thức, khó khăn, căng thẳng và mệt nhọc. Nhưng trên cả niềm say mê đối với tính phức tạp của não bộ, trên cả những thỏa mãn rèn luyện đôi tay để đạt được những ngón nghề điêu luyện là tình yêu thương , sự cảm thông với những đau đớn của bệnh nhân đã khiến Paul vượt qua tất cả và trở thành một bác sĩ tài ba. Trong phần này Paul cũng viết về những trải nghiệm lần đầu khi mổ, những cảm xúc ông trải qua khi học thực hành trong ngành y, rồi những câu chuyện về những bệnh nhân ông gặp, về những bệnh mà ông từng thấy. Qua đó ông đưa ra những triết lí về đời sống, rút ra những bài học về con người, về đạo đức, về giá trị của cuộc sống, và ý nghĩa của cái chết.

Phần hai, với tựa đề “Không Dừng Cho Tới Chết”, là những cảm xúc, những đau đớn, gian nan khi ông đối mặt với mình là một bệnh nhân. Nhưng, không vì thế mà ông bi quan mà ngược lại ông trở nên lạc quan và luôn tìm giảI pháp, tìm ý nghĩa của cuộc sống, luôn nghĩ đến gia đình và vợ con. Trong phần này bạn đọc thực sự sẽ cảm nhận được cái cảm xúc của một con người đang biết mình sắp gần kề với cái chết, qua đây ta sẽ thấy cuộc đời thật ý nghĩa , tuyệt vời nếu ta biết sống yêu thương, sống có giá trị. Và thật sự Paul đã sống hết mình , sống ý nghĩa cho đến chết vì cuộc sống như món quà mà đấng tạo hoá đã ban cho mỗi con người. Trong khi viết cuốn sách này và nhất là những đoạn cuối là khoảng thời gian mà tác giả đau đớn với bệnh tật đang yếu dần và gần kề với cái chết nên giọng văn cũng không thực sự sâu sắc mà chỉ là những câu văn kể chuyện khiến đôi khi không thực sự chạm vào lòng của bạn đọc. Nhưng tất cả những gì được truyền tải trong cuốn sách này là một cách để Paul giúp đỡ mọi người , một sự cống hiến ông có thể làm trong những ngày cuối cuộc đời , cũng như là món quà ông muốn dành tặng bù đắp những thiếu thốn của đứa con gái bé bỏng của mình khi lớn lên sẽ bị thiếu vắng tình yêu của cha.

Và phần xúc động nhất cuốn sách là phần người Vợ của Paul viết về Paul – là những lời rất xúc động xuất phát từ tình yêu dành cho chồng mình. Từ những lời chân tình đó khiến bạn đọc thấy thực sự Paul là người rất tốt , dũng cảm , yêu thương và có lòng trắc ẩn, luôn tìm tòi về ý nghĩa cuộc sống, về cái chết và ông đã sống một cuộc đời hết mình cho đến khi hơi thở hoá thinh không.

Phải chăng cho tới tận khi gần kề với cái chết chúng ta mới thấy hết ý nghĩa của cuộc đời, những bài học , giá trị của bản thân?

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.