Những cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/7 hiện tại đang đóng một vai trò không thể phủ nhận trong cuộc sống của chúng ta, khi thế giới càng ngày càng sống vội vã hơn thì sự ra đời của những cửa hàng như vậy là điều tất yếu. Vậy bạn có bao giờ đặt câu hỏi là người phụ nữ đứng sau quầy tính tiền với nụ cười trên môi và câu “cảm ơn quý khách” như chờ sẵn để được thốt ra thật ra là một người như thế nào. Với “Cô nàng cửa hàng tiện ích”, nữ tác giả Murata Sayaka đã giúp ta được nhìn vào cuộc đời của một người phụ nữ làm việc trong cửa hàng ám ảnh bởi tình yêu, và kỳ lạ thay, đó là tình yêu của cô dành cho cửa hàng.
Keiko có lẽ không giống bất kỳ nhân vật nữ nào bạn từng đọc trong những cuốn tiểu thuyết, càng không giống bất kỳ người phụ nữ nào ở thế giới thực, và có lẽ chính vì vậy cô bị dán nhãn “không bình thường” bởi những người xung quanh. Cái cuộc đời “không bình thường” của Keiko bắt đầu ngay từ khi cô còn bé, cô đã có những hành động trái ngược với bạn bè cùng trang lứa khi các bạn học của cô đang khóc thương một chú chim qua đời thì cô hỏi mẹ rằng mình có thể ăn nó không, hoặc khi cô ngăn cản bạn học đánh nhau bằng cách dùng xẻng đánh vào đầu người bạn đó… Dù bị trách mắng, kỳ thị nhưng cô không thể nào hiểu được mình đã làm sai ở đâu và tại sao những việc cô làm lại không phù hợp quy chuẩn của xã hội thông thường. Thế rồi khi trưởng thành từ từ cô nhận ra mình đã nằm ngoài mọi thứ, trở thành một người không được xã hội chấp nhận, và rồi cô tìm thấy một hàng tiện lợi sắp mở và bị cuốn hút bởi nó, cô quyết định trở thành nhân viên bán thời gian ở đây và thật may mắn làm sao khi những guồng quay của cửa hàng đã mang lại cho cô sự thanh thản và rốt cuộc cô đã có cảm giác mình thuộc về một nơi nào đó: “Lần đầu tiên tôi được trở thành một bộ phận của thế giới. Giây phút này, tôi thấy mình như vừa được sinh ra. Chính xác ngày hôm nay tôi đã được sinh ra là một bộ phận bình thường của thế giới.” Ta nhận ra rằng, ẩn dưới sự kỳ dị và tưởng rằng bất cần ấy, Keiko vẫn có cái khao khát được chấp nhận, được trở thành “người bình thường” như bao người khác.
Mọi thứ có lẽ sẽ tiếp tục dễ chịu và tốt đẹp như thế với Keiko nhưng thời gian cứ trôi và cô đã làm việc cho cái cửa hàng tiện ích ấy 18 năm, và một lần nữa “sự bình thường” của cô lại bị nghi ngờ khi không có “người bình thường” nào lại làm một công việc như thế lâu như vậy mà mãi không chịu tiến lên. Cuộc sống của Keiko lại càng chao đảo hơn nữa khi Shiraha – một người đàn ông cũng được xem như “không bình thường” – xuất hiện, vô công rỗi nghề, chống đối xã hội và luôn thẳng thắn đặt cho Keiko những câu hỏi và vạch ra những sự thật mà Keiko bấy nay vẫn luôn né tránh.
Có lẽ không phải ngẫu nhiên khi “Cô gái cửa hàng tiện ích” đã đạt được thành công đến vậy không phải ở chỉ ở Nhật mà ngay cả khi được dịch ra tiếng Anh, vì thông qua cuốn sách mỏng này Murata Sayaka đã đề cập đến những vấn đề đầy hơi thở đương đại: thế nào được gọi là “bình thường”? Phải chăng nghĩa vụ của con người chỉ là kết hôn, sinh con để hoàn tất cái nhiệm vụ sinh học của mình? Làm sao để có thể chấp nhận những người khác biệt và tôn trọng sự khác biệt đó? Làm thế nào để có thể sống mà không quan tâm đến những kết nối xã hội và những điều người khác nghĩ về bản thân mình? Với một thế giới có nhiều sự chuyển dịch như hiện nay, những câu hỏi trên lại càng có nhiều ý nghĩa, bởi vì khi ta cứ ngỡ Keiko được chấp nhận bởi những người trong gia đình, những người bạn thân thiết, những người đồng nghiệp thấu hiểu thì ta lại càng buồn biết bao nhiêu khi cái mặt nạ của họ bị rơi xuống và cũng như Keiko, ta thất vọng vì cứ ngỡ cô đã được xem như một “người bình thường”, thế nhưng tất cả dường như chỉ là cái ảo tưởng mà thôi, không khác gì những món đồ trong cửa hàng tiện ích, chúng ta cũng bị người khác dán nhãn lên bản thân mình, có điều những cái nhãn mác ấy vô hình mà thôi: bình thường hay không bình thường, hết hạn sử dụng hay vật phẩm tái chế, thứ bán chạy hay hàng tồn kho…
Được viết bằng một giọng văn hài hước, có phần thờ ơ, câu chuyện của Keiko lại khiến ta day dứt và buồn bã bởi đây không chỉ là một câu chuyện về người phụ nữ có tình yêu kỳ quặc dành cho công việc của mình, mà còn là câu chuyện về một người phụ nữ không thể trở thành một con người mà những người xung quanh muốn cô ấy trở thành. Và dường như Murata Sayaka hiểu rõ rằng, không có gì che đậy cái cuộc đời buồn bã ấy tốt bằng những tràng cười chua chát, và không có gì khiến ta quên đi thế giới tàn nhẫn tốt bằng việc tự tạo thế giới cho riêng mình, như cái cách Keiko biến cửa hàng tiện ích thành thế giới của cô: “Tiếng chuông báo khách vào như tiếng chuông nhà thờ. Mở cửa ra là chiếc hộp ánh sáng đang đợi tôi. Một thế giới luôn xoay chuyển, chuẩn xác. Tôi tin vào thế giới trong cái hộp ngập tràn ánh sáng này.”

“Thiên đường thì buồn”