Trong vòng xoáy của tiền bạc và danh vọng, ai sẽ là người có thể đứng ngoài, ai là người có thể đủ sức đứng vững mà không bị nó nhấn chìm? Câu hỏi mà bao đời nay mà có lẽ mỗi cá nhân đều khó mà giải đáp nổi. Nhưng trong “Đinh Trang Mộng”, dường như cái dòng chảy của tiền tài và ảo vọng của sự giàu có đã cuốn phăng tất cả, không chừa một ai, ngay cả cậu bé 12 tuổi – một hồn ma đồng thời cũng là người Diêm Liên Khoa chọn để dẫn dắt câu chuyện mà sau khi viết ra ông “tiêu hao không phải là thể lực mà là sinh mệnh, là thọ mệnh” như lời tâm sự của ông cuối cuốn sách.
Chọn một cậu bé 12 tuổi, bị chết vì bị đầu độc làm người dẫn chuyện, ngay từ mở đầu, “Đinh Trang Mộng” dường như đã tràn ngập cái chết, và như báo hiệu với người đọc một câu chuyện bi thương và “đẫm máu” – theo đúng nghĩa đen của từ này. Đứa trẻ ngây thơ cứ ngỡ sẽ thoát ra khỏi cuộc chiến làm giàu của người lớn thế nhưng ở Đinh Trang, đạo đức đã tha hóa và xuống cấp đến độ một đứa trẻ cũng trở thành nạn nhân của đồng tiền. Lựa chọn một đề tài táo bạo và hết sức độc đáo, Diêm Liên Khoa đề cập đến một thời kỳ đen tối của Trung Quốc khi đất nước vận động toàn dân “bán máu” và việc “bán máu” nhanh chóng trở thành phương thức sinh tồn của những người nghèo khổ và đã xuất hiện hết thôn bán máu này đến thôn bán máu khác và “bán máu” được xem như một hình thức thi đua, trưởng thôn nào mà không có số lượng người dân bán máu đạt yêu cầu sẽ bị cắt chức. Và từ đó đã xuất hiện những kẻ chớp thời cơ để làm giàu trở thành “đầu nậu máu” mà Đinh Huy là một trong số đó.
Bị đồng tiền làm lóa mắt, Đinh Huy đã không ngần ngại làm đủ mọi phương pháp để tiết kiệm chi phí (ba miếng bông quẹt sát khuẩn cho 9 người, một cây kim lấy máu chích cho nhiều người, bịch đựng máu xài đi xài lại nhiều lần chỉ được rửa qua loa ở cái ao trong làng), tăng số lượng máu (vừa rút máu vừa gõ vào bịch máu để 500ml có thể chứa được 700ml, pha bia vào thau máu để tăng thể tích…), những phương thức đó không khỏi khiến người đọc rùng mình khi đồng tiền lên ngôi, mạng người đã trở thành cỏ rác khi những đầu nậu máu bất chấp tất cả để làm giàu. Và điều cốt yếu đã xảy ra, những người bán máu ở làng Đinh Trang đều mắc bệnh nhiệt mà khi đó những người nghèo khổ ấy đâu biết đó là căn bệnh thế kỷ – AIDS – căn bệnh lúc đó vẫn chưa có thuốc chữa, mà nếu có thì đi chăng nữa thì thuốc đâu mà cung cấp đủ cho hàng ngàn hàng vạn người dân không chỉ ở Đinh Trang mà còn ở khắp các làng quê hẻo lánh ở Trung Quốc, thiếu kiến thức và ngay cả chính quyền cũng góp phần đẩy họ vào con đường đánh đổi sinh mạng mình bằng việc bán máu.

Đối lập với Đinh Huy là thầy giáo Đinh – Đinh Thủy Dương – đồng thời cũng là cha ruột của Đinh Huy, người đã tìm đủ mọi cách để ngăn chặn cơn sốt “bán máu” và sau đó đã sắp xếp những người bị bệnh nhiệt có một nơi để tập hợp và sống cùng nhau, xoa dịu nỗi đau và chống lây nhiễm. Và có lẽ từ đây câu chuyện của “Đinh Trang Mộng” mới bắt đầu, bởi vì tưởng chừng lúc cận kề cái chết, con người ta sẽ sống tốt hơn, đồng tiền sẽ bớt đi quyền lực của nó, nhưng không, câu chuyện trong “Đinh Trang Mộng” không phải là câu chuyện về những người bán máu mà là câu chuyện của đồng tiền, khi mà trộm cắp, tranh giành quyền lực và những phương cách phi nghĩa để làm giàu vẫn tiếp tục không dừng lại. Một thế giới đang trên đà đổ nát không thể tái dựng mà dường như còn sắp diệt vong, khi họ tranh chấp, lừa lọc nhau từng hạt gạo đến từng cái cây để đóng quan tài và cả mảnh đất để vùi thân bởi vì khi đồng tiền đã khởi động cái cơn lốc phá hủy mọi thứ của nó thì ngay cả bệnh tật và cái chết cũng không thể ngăn cái guồng quay ấy lại.
Được viết xen lẫn giữa hiện tại và quá khứ, giữa những giấc mộng và thực tế, thôn Đinh Trang như chìm trong một bầu không khí chết chóc, mùi cái chết tràn ngập, mùi đồng tiền chi phối tất cả; ta sẽ thấy được sự đối lập giữa những người dân nghèo chết chìm trong bệnh tật và những quan chức hoặc đầu nậu máu giàu nhờ cơn sốt bán máu bàng quan dửng dưng sống trong nhung lựa, sự xóa nhòa ranh giới giữa những giấc mộng của Đinh Thủy Dương và những xấu xa của thực tại. “Đinh Trang Mộng” không chỉ là những giấc mộng xuyên suốt của thầy giáo Đinh, dẫn dắt người đọc đến một thế giới loạn lạc tưởng chừng chỉ có trong những cơn ác mộng mà còn là giấc mộng làm giàu của người dân Đinh Trang, luôn ôm ấp trong mình khát vọng được giàu có mà bất chấp lừa gạt, dối trá đẩy chính người thân của mình đến cái chết.
Đọc “Đinh Trang Mộng” khiến ta nhớ đến cuốn tiểu thuyết “Chuyện Hứa Tam Quan bán máu” của Dư Hoa – một nhà văn cũng không ngại lột trần những mặt tối của xã hội Trung Quốc hiện đại và cũng kể về câu chuyện những người dân nghèo đành phải bán máu để mưu sinh, khi một nhân vật trong cuốn sách của Dư Hoa đã nói rằng: “Người Trung Quốc xưa quan niệm, máu trong người là của tổ tông. Có thể bán thân mình chứ không được bán máu. Bán máu là bán tổ tông.” Thế nhưng chính đồng tiền đã khiến họ mờ mắt và quên đi những nguyên tắc ngàn đời và đó cũng là dấu hiệu những giá trị của xã hội bắt đầu sụp đổ. Câu chuyện về những người bán máu trong “Đinh Trang Mộng” được dựa trên những sự kiện có thật khi chính Diêm Liên Khoa đã đi thực địa đến những vùng hẻo lánh ở Trung Quốc và chứng kiến những người đã từng bán máu đang chiến đấu với căn bệnh AIDS nhưng bị chính quyền bỏ mặt, để viết nên một cuốn sách trần trụi, khốc liệt và vô cùng đáng nhớ.

“Thiên đường thì buồn”