Svetlana Alexievich – Người Ghi Chép Tương Lai

Năm 2015, giải Nobel văn chương được trao cho Svetlana Alexandrovna Alexievich, một cái tên khá lạ lẫm với bạn đọc không chỉ ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới, và khi tìm hiểu, mọi người lại càng ngạc nhiên hơn khi biết được bà là một nhà báo chứ không phải là một nhà văn, một người thiên về thể loại phi hư cấu hơn là tiểu thuyết hay thơ kịch, và chính điều này đã dấy lên những mối nghi ngờ thậm chí là chỉ trích cho sự uy tín của giải thưởng văn học danh giá này. Thế nhưng, một trong những điều đáng quý của việc Svetlana Alexievich được trao giải Nobel văn chương, đó là Viện Hàn Lâm Thụy Điển đã trao cho bà cơ hội được cất tiếng nói của mình đến với nhiều người hơn nữa và trao cho bạn đọc cơ hội để biết đến những cuốn sách của bà, mà ắt hẳn chúng rất khác với những gì mà chúng ta đã từng đọc trước đây.

Thuộc thể loại phi hư cấu, những câu chuyện bà lượm lặt và viết ra đều là những câu chuyện có thật, thế nhưng Svetlana không viết lại lịch sử bằng những sự kiện mà là bằng cảm xúc, những cuốn sách của bà không có những ngày tháng và những con số vô hồn như những gì ta vẫn được đọc trong lịch sử mà là những giọt nước mắt bi thương của từng con người trong thời đại. Làm sao để viết về những sự kiện có thật nhưng cũng đong đầy xúc cảm, đó là một tài năng đặc biệt mà chắc có lẽ hiếm có người viết nào có thể khiến những câu chuyện mang đầy sức nặng như bà. Thật quá đáng khi gọi bà là một nhà văn, nhưng cũng chẳng đúng khi gán cho bà mác một nhà báo đơn thuần vì những gì bà viết ra đã xô đổ ranh giới giữa phi hư cấu và hư cấu, giữa một bài báo và một truyện ngắn, giữa một thiên phóng sự và một bản hùng ca. Tất cả những câu chuyện trong các cuốn sách của bà đều hòa quyện tài tình với giọng văn chứa chan tình yêu của bà dành cho con người, cách bà sắp xếp dẫn dắt xâu chuỗi các câu chuyện và với những gì chúng ta đã từng được đọc, được nghe mãi trên các tiết học lịch sử ở trường.

Cách chọn chủ đề của Svetlana cũng đầy gai góc và thách thức. Bà đề cập đến những góc sâu kín nhất của chiến tranh hay thảm họa, bà chọn những mảnh đời đã bị lịch sử bỏ quên hay vùi lấp lại và bà đào bới chúng lên, đưa chúng ra ánh sáng bằng sự kiện nhẫn và cái cả cái cách lắng nghe của bà. Đọc sách của bà, ta liên tưởng bà là một người phụ nữ im lặng với đôi mắt lúc nào cũng đong đầy cảm xúc, ngồi lắng nghe câu chuyện của các nhân vật với sự thấu hiểu không lời mà chính những nhân vật bằng cách nào đó cảm nhận được sự thấu hiểu đó và đã kể lại những câu chuyện vẫn luôn ám ảnh họ, họ vẫn luôn muốn quên đi nhưng chúng vẫn luôn nằm đó, ở một góc nào đó trong ký ức, không buông tha họ đến tận cuối cuộc đời.

Bộ 5 quyển Những giọng nói không tưởng của Svetlana Alexievich có kết cấu như một bản hợp xướng, hòa quyện với nhau để tạo nên tiếng vọng từ những tâm hồn đã khuyết, mỗi quyển là một giai điệu để cất lên trở thành một bản nhạc hoàn chỉnh, đầy bi ai và thống thiết. Khi nói về một bản hợp xướng thông thường, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một phức hợp bốn bè bao gồm các giọng nữ cao (Soprano), nữ trầm (Alto), nam cao (Tenor) và nam trầm (Basso). Cố gắng tìm hiểu thêm một chút nữa, chúng ta sẽ được nghe thêm một giọng descant – giọng solo cao hơn tất cả các bè còn lại và thường sẽ có tác dụng đối nghịch về hòa âm nhằm tạo hiệu ứng nổi bật cho tổng phổ – dành cho giọng nữ cao hoặc trẻ em.

Trong đó “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” là giọng nữ cao khi họ cố gắng phát ra những tiếng kêu bi thương nhất từ trong tâm khảm vì chiến tranh là thứ dường như dành cho phái mạnh, và nhắc tới những người lính ta đều nghĩ tới những người đàn ông, vì thế để ra chiến trường, những người phụ nữ phải cố gắng chôn vùi tính nữ của mình hoặc giấu nó ở một góc khuất mà chỉ có mình họ biết nhưng họ luôn tìm cách để không đánh mất nó, để luôn nhắc nhở rằng mình là một phụ nữ: “Tôi sẵn sàng đứng suốt đêm, cho đến sáng, để nghe chim hót”  hay “Tôi hái hoa tím. Một chùm nhỏ, bằng chừng này. Tôi hái chùm hoa tím đó và tôi cắm lên lưỡi lê của tôi”. Thế nhưng sau chiến tranh, họ trở về thì người thân đã không còn nhận ra họ nữa, còn gì đau đớn hơn khi chính người mẹ ruột nói rằng: “Công dân, đi đi, trước khi trời tối”. Hoặc khi những chàng trai được chào đón một cách rực rỡ khi chiến thắng trở về còn họ thì chỉ nhận được những lời miệt thị gọi họ là những con đĩ, ở ngoài chiến trường chỉ để ngủ với những người lính dù họ đã có vợ hay bạn gái ở nhà. “Chiến tranh của những người phụ nữ có những từ khác, những màu sắc và mùi khác.”  Chúng khác hẳn với những gì chúng ta đã tưởng tượng dù cái sự bi thương và chết chóc vẫn thấm đẫm nhưng những người phụ nữ luôn biết rằng họ chỉ có một trái tim: “Người ta không thể có một trái tim cho căm thù và một trái tim khác cho tình yêu.” Và họ đã lựa chọn tình yêu như bản năng của người phụ nữ, và họ đã đi qua chiến tranh như thế dù cái giá phải trả của họ là quá đắt.

“Những nhân chứng cuối cùng – Solo cho giọng trẻ em” phải chăng là một đối âm được cất lên từ những em bé vốn phải nghe hai từ chiến tranh trước khi có thể hiểu được tường tận ý nghĩa của nó? Bà phỏng vấn những người hiện nay đã lớn tuổi và tìm cách lục lại ký ức của họ vào khoảng thời gian khi họ còn là những đứa bé và ký ức của họ về chiến tranh như thế nào, có những cuộc phỏng vấn đã ngốn của bà gần cả ngày trời chỉ để khơi gợi lại những sự kiện như một ánh chớp lóe lên để bắt lấy và viết về nó. Trong cuốn sách này, ta sẽ thấy từng trang sách đều đẫm nước mắt của những đứa trẻ bị mất gia đình trong chiến tranh, bị những vết thương thể xác mất đi một phần thân thể hay những vết thương tâm hồn không thể lành lại mà ta được chứng kiến những lời tâm sự khiến trái tim ta đau nhói: “Tôi đã năm mươi mốt tuổi, tôi đã có hai con. Và tôi vẫn còn muốn mẹ.”  hay “Nhưng tôi không bao giờ có thể hạnh phúc đến tận cùng. Hạnh phúc trọn vẹn. Hạnh phúc không thành trong tôi. Tôi sợ hạnh phúc. Tôi luôn có cảm tưởng rằng chỉ một chút nữa thôi nó sẽ kết thúc. Trong tôi luôn như thế. Nỗi sợ của con trẻ.” Chiến tranh qua góc nhìn thơ trẻ trở nên thật tàn nhẫn và phi nghĩ như Dostoyevsky từng nói: Nước mắt trẻ thơ, dầu chỉ một giọt, cũng nặng hơn muôn vàn lý lẽ chiến tranh nào.”

Không viết về chiến tranh, nhưng “Lời nguyện cầu từ Chernobyl” cũng là một cuốn sách đong đầy cảm xúc. Suốt ba năm ròng rã, Svetlana Alexievich đã đi khắp Chernobyl, phỏng vấn mọi người: những công nhân làm việc ở nhà máy điện, các nhà khoa học, các quan chức của Đảng cũ, các bác sĩ, những người lính, các phi công lái trực thăng, thợ mỏ, những người tị nạn, những người tái định cư… để cho ra đời cuốn sách hoàn toàn không phải là bản cáo trạng, mà chỉ là một tập ghi chép cảm xúc, như chính lời bà thừa nhận ở cuối cuốn sách. Cuốn sách tràn ngập những câu chuyện đau lòng với lời độc thoại của những người vợ mất chồng, những người mẹ sinh ra những đứa con dị tật, những người già mất quê hương, những con người mất ý thức, những đứa trẻ không có tương lai. Vụ nổ ấy, theo những người trong cuộc, đã tạo ra một giống người mới: giống người Chernobyl, một giống người không quê hương, xứ sở và không có tương lai. Thế nhưng cũng như mọi cuốn sách khác của bà, Svetlana luôn chọn những mẩu chuyện về tình yêu để kết thúc những trang viết ngập tràn đau đớn như bà vẫn luôn tin tưởng rằng con người mạnh hơn chiến tranh hay thảm họa.

 Những cuốn sách của Svetlana Alexievich không phải là dễ đọc, có nhiều người đã phải bỏ dở những cuốn sách của bà bởi vì không thể chịu đựng được cái thực tế trần trụi và đau đớn mà bà mang lại, khi lịch sử không phải là những con số mà trở thành những con người có câu chuyện và cảm xúc riêng. Và ta sẽ phải ngả mình trước một đôi tai đã lắng nghe được mọi điều, những điều được nói ra và cả những điều không được nói ra, một trái tim lớn đã thấu hiểu mọi điều, những điều được kể và cả những điều không được kể, một đầu óc lớn đã viết lại và ta hy vọng rằng ta cũng hiểu thấu cả những điều bà không viết lại: “Tôi đi trên những dấu vết của đời sống nội tâm, tôi tiến hành ghi âm tâm hồn. Đối với tôi, đường đi của tâm hồn quan trọng hơn là bản thân sự kiện. Biết ‘chuyện đó đã diễn ra như thế nào’ không quan trọng lắm đâu …cái ta thấy và hiểu về chiến tranh, tổng quát hơn là về cuộc sống và cái chết. Cái ta chiết ra từ chính bản thân ở giữa bóng tối khôn cùng…”. Ta sẽ trả qua rất nhiều cảm xúc khi đọc những cuốn sách của Svetana, nhưng một trong số đó có lẽ đó là sự ngạc nhiên bởi vì có lẽ bà là một trong số ít những người trên thế giới này – nếu không nói là duy nhất – làm một công việc kỳ lạ đến vậy nhưng những ghi chép ấy của bà thật sự đã mở cho người đọc một thế giới mới như những lời bà nhắn nhủ: “Những con người này đã chứng kiến những gì mà đối với người khác vẫn là điều chưa biết. Tôi cảm thấy như thể mình đang ghi chép tương lai.”

 

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.