Một Con Người (Christopher Isherwood) – Thẳm Sâu Đơn Độc

Những con sóng đen ngòm chồm lên, ngoạm lấy và nuốt chửng người đàn ông nọ vào hố xoáy của đơn độc trong đêm rồi trả lại mặt biển phẳng lặng dưới ánh bình minh tươi đẹp của ngày mai. Thoạt nhìn chỉ là một cú điện thoại trong đêm, rồi cái gã-bên-trong ấy bỗng dưng biến mất, chỉ để lại trên bờ ngày mai một cái vỏ tên George. Dường như mỗi một con người đều từng bị bắt cóc đi vào một ngày biển động và rồi không bao giờ tìm thấy lối về từ thẳm sâu đơn độc.

A single man” không chỉ viết cho một gã độc thân mà là cho tất cả chúng ta, cho cái định mệnh cô đơn không thể san sớt với tư cách “Một con người”. Câu chuyện kể về George – một giáo sư văn chương Anh đồng tính sau biến cố trong đêm khi nhận được thông báo qua điện thoại về cái chết của người bạn đời Jim. Chúng ta hẳn ai cũng đã hoặc sẽ trải qua loại cảm giác ấy, khi một phần cốt tử của mình mất đi, tựa trái tim bị vạt đi một góc lớn rồi chẳng có bất cứ điều gì có thể thay thế được. Ta tồn tại với tư cách kẻ sống sót. Điều mang đến thành công cho Christopher Isherwood qua tác phẩm này chính là sự phức tạp, tinh tế và sắc nhọn trong ngôn từ nhằm khoan vào sâu thẳm nỗi đơn độc của con người thời hiện đại với nhiều mặt trái.

George vừa là tôi, vừa là nó, vừa là gã. Đó là hình thức nhân vật phân tách chính mình để tự quan sát bản thân như một khách thể đầy tỉnh táo. Hoặc nó thể hiện sự xa lạ với chính bản ngã. Gã như loài ốc lang thang trong cơn mê ngủ của quá khứ, rồi một sáng bỗng tỉnh giấc và lần mò về cái vỏ mang tên George để xã hội nhận diện và chấp nhận. Gã vẫn phải thức dậy cạo râu, đóng bộ thật chỉn chu để đến lớp như một hình nộm, chẳng ai quan tâm đến cảm xúc của gã: “Họ chẳng muốn biết về cảm giác của mình hay tuyết giáp hay bất cứ cái gì phía dưới cổ mình. Có khi mình chỉ là một cái đầu bị chặt ra để mang tới lớp giảng bài cho họ trên một cái đĩa mà thôi”.

George liên tục diễn tả một xã hội dần rút rỗng, giản lược con người bằng thẻ căn cước, bằng vai trò xã hội. Trường đại học thì như một nhà máy mà con người là nguyên liệu thô để được chế biến và cho ra thị trường. Với một xã hội tiêu dùng mà sự đào thải vô cùng khắc nghiệt, George mong mình được tận dùng bởi nỗi sợ bị vứt bỏ như một món hàng tiện lợi mà hàng ngàn món giống hệt sẵn sàng thay thế ta trong bộ máy khổng lồ. Bộ máy ấy đã cho ra đời những nhân cách xã hội vận hành theo lối tự động hóa. Chẳng hạn có một George-lái-xe – “một hình hài lái xe khuyết danh dửng dưng, không còn mấy ý chí hay tính cá nhân” đưa Georg-thật-sự đang lặn tăm trong bản ngã đến nơi hay một nhân cách thốt lên “Chào buổi sáng tốt lành”. George sợ hãi cái thứ tà thuật đã làm mê hoặc bao nhiêu con người ấy, “phép thuật của những vị thần suy nghĩ rập khuôn và sùng bái một đức tin, chúng ta không thể mắc lỗi”

Lột bỏ cái lớp vỏ cứng cáp ấy, gã tựa con ốc sên với mớ thịt nhão già nua còn cô đơn như thứ nhớt nhầy nhụa bao bọc lấy thân xác gã. George lần tìm trong vô vọng những hình ảnh của Jim, người đã đồng hành cùng gã suốt cả thời tuổi trẻ. Ngày một ngăn cách mình với thế giới, gã chậm rãi quan sát các gia đình hàng xóm. Gã tự nhận là“tù nhân thụ án chung thân” trong chính căn nhà của mình. Đồng cảm với thân phận cô đơn ấy chính là Charley với hôn nhân tan vỡ và sự ghẻ lạnh của chính đứa con mình. Tình yêu, kí ức, tuổi già, cái chết trở thành những vấn đề chính yếu trong cuộc trò chuyện của họ.

Bất chấp bao trải nghiệm, thế giới vẫn phong kín với họ như thể ngày còn trẻ. George thừa nhận với cậu sinh viên Kenny rằng “cá nhân tôi ngu dần đều”. Cái cách George vào phòng tập thể thao với mọi thành phần ở mọi lứa tuổi nhằm vượt qua sự xấu hổ hay cái đêm mà George chơi đùa cùng Kenny cho thấy một đứa trẻ vẫn luôn ngự trị. Và đứa trẻ ấy luôn ở trong mỗi chúng ta. Chính sự xuất hiện của Kenny như làn nước mát lành tưới tắm lại sự cằn cỗi trong tâm hồn của George với sự rung động lẫn bối rối của tuổi trẻ. Tình yêu ấy vừa bất chợt lại vừa là sự chủ động kiếm tìm. Bởi George phải yêu, phải tìm một Jim khác để tồn tại, để thoát khỏi quá khứ và sống cho Hiện tại.

Rồi, bỗng nhiên cái chết thổi qua ngọn nến đương cháy mãnh liệt ở đoạn cuối khi lần nữa tìm thấy ý nghĩa. Thế nhưng linh hồn của một George trẻ tuổi vẫn còn nấn ná ở vùng nước sâu. Chỉ là nó không còn một cái vỏ để trở về và suốt kiếp lang thang nơi thẳm sâu đơn độc.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.