Đâu phải phương trình nào có nhiều đáp án cũng được gọi là có nghiệm hay có vô số nghiệm. Một lần nữa, Keigo chứng tỏ cái tài kể chuyện bậc thầy của mình, chứng tỏ khả năng đưa ngòi bút len lỏi vào những góc khuất trong tâm hồn con người dẫu nhìn bên ngoài tất cả nhẹ tênh, nhàn nhạt như một buổi sáng mùa hè buồn thiu ở một thị trấn miền biển quạnh hiu.

Thị trấn Harigaura từ bao đời nay vẫn yên bình và tĩnh lặng cho đến khi một dự án khai thác khoáng sản dưới lòng biển đánh thức thị trấn ngỡ như đã ngủ quên, đặt ra nhiều ngả rẽ, hoặc vẫn tiếp tục khư khư bám trụ lấy ngành du lịch đang ngày một xuống dốc để tiếp tục bảo vệ sự nguyên sơ của biển, hoặc chấp nhận một ngành công nghiệp mới, mang lại nhiều cơ hội phát triển. Song song với nó, cuộc sống con người nơi đây ngày qua ngày chậm rãi và nhịp nhàng trôi, nay bị xáo động mạnh bởi những người đến từ nơi khác với những mục đích khác nhau, bởi người đã chết và người sắp chết, bởi một bí mật 16 năm về trước ngỡ như đã được phủ mờ bởi bụi thời gian. Một cảnh sát đã về hưu, một nhà vật lí thiên tài, một tên tội phạm đã từng bị kết án giết người 16 năm trước, một cô gái xinh đẹp quyết tâm bảo vệ biển đến điên cuồng, một cậu bé lớp năm vẫn còn ngây thơ vô lo vô nghĩ, hai vợ chồng chủ trọ kì lạ. Cuộc đời họ giao nhau ở Harigaura, mở rộng theo chiều không gian đến tận Tokyo, khai triển theo chiều thời gian ngược về trước 16 năm và (cũng có thể) kéo dài đến mấy mươi năm sau này. Tất cả trở thành ẩn số cho phương trình mang tên cuộc đời, phương trình không có lời giải, hay ngược lại có rất nhiều đáp án, nhưng không có đáp án nào thỏa mãn mọi điều kiện đặt ra, có chăng người trong cuộc lựa chọn như thế nào mà thôi. Bởi vậy, là phương trình vô số nghiệm mà ngược lại cũng là phương trình vô nghiệm. Cuộc đời không phải là toán học, không có một đáp án gọi là chính xác, chỉ có lời giải hợp lí thỏa mãn lương tâm của phần nhiều người mà thôi.
Khi một nhà văn có những tác phẩm đã trở thành tượng đài bất hủ, người ta dễ mang tâm lí so sánh những tác phẩm còn lại với tượng đài ấy. Ngay khi Ảo dạ ra đời, không thoát khỏi cái mác “chị em sinh đôi” với Bạch dạ hành. Khi Phương trình hạ chí được xuất bản ở Việt Nam, không ít người so sánh với Phía sau nghi can X, bởi sự xuất hiện của nhà vật lí Yukawa Manabu và hình ảnh nhà toán học tài ba si tình Ishigami trong nghi can X, nay ẩn hiện đâu đó trong hình ảnh những người đàn ông của Phương trình hạ chí– Senba, Shigeharu, những người đàn ông có thể làm mọi thứ, hi sinh mọi thứ để bảo vệ người họ yêu, dù là nhận tội thay, hay chăng, biến đổi cuộc đời một đứa trẻ theo hướng đau lòng. Nhưng hãy nhìn Phương trình hạ chí như một thực thể độc lập, bởi lẽ, đây là câu chuyện của những con người vùng Harigaura chứ không phải của giáo sư toán học tại Tokyo. Nếu vậy, Phương trình hạ chí, theo một cách nào đó, vẫn gợi lên những suy nghiệm về yêu thương một con người, những trăn trở về cách thể hiện yêu thương, những dằn vặt khi nhận sự yêu thương ấy. Yêu thương một ai đó thật khó, đôi khi phải đánh đổi cuộc đời của một người khác để bảo vệ người mình yêu. Đón nhận yêu thương cũng đâu đơn giản, lắm lúc phải dùng cả cuộc đời để đáp đền những gì đã nhận.
Không có bí mật nào có thể được che giấu mãi, vấn đề chỉ là thời gian. Không có một tội ác nào có thể ngủ yên để người mắc sai lầm sống như bao nhiêu người bình thường khác. Khi một vết thương lành miệng, vết sẹo vẫn luôn hiện diện nơi đó, như một dấu chứng trêu ngươi. Và khi cuộc đời đặt ra những phương trình cần lời giải, “nhiều khi chúng ta cần phải trưởng thành hơn mới có thể đưa ra câu trả lời”.

“Người ta đâu có yêu việc thở”