Tình Yêu Thời Hiện Đại Trong Một Số Tác Phẩm Văn Chương

Chuyện yêu đương thời nay có lẽ đã khác xa chuyện yêu đương thời xưa, trong cái thời đại mà sự phát triển của công nghệ khiến người ta kết nối dễ dàng hơn nhưng đồng thời cũng cô đơn hơn nhiều. Vì vậy đọc “Trà Hoa Nữ”, “Đồi Gió Hú” hay “Kiêu hãnh và định kiến” ta cũng sẽ thấy hay đấy, thú vị đấy nhưng ít nhiều sẽ cảm thấy hơi lạc điệu với đời sống hiện đại. Vậy giới trẻ hiện nay yêu như thế nào, câu hỏi này có lẽ là thật khó trả lời, bởi vì chúng ta không còn phải đợi vài tuần để nhận một lá thư, đi xe ngựa nhiều ngày để đến nơi gặp mặt, những cuộc nói chuyện và gặp gỡ diễn ra dễ dàng hơn nhưng vẫn khiến ta lúng túng.

Hai trong những tác phẩm nói về mối quan hệ hiện đại và những vấn đề của nó và được đánh giá rất cao đó chính là bộ đôi “Conversations with Friends”“Normal People” của nữ tác giả Sally Rooney, nữ tác giả sinh năm 1991 – còn khá trẻ – nên có cái nhìn đặt biệt thấu suốt về những mối quan hệ thật khó định nghĩa hiện nay.

Chúng ta hãy nhìn lại cách chúng ta yêu bây giờ, phải chăng xung quanh có rất nhiều sự lựa chọn nên ta rất dễ dàng dao động, dễ bị say nắng dù đã có một người mà ta nghĩ là dành riêng cho bản thân mình, và rồi giữa bộn bề bao nhiêu thứ trong đô thị chật ních người, ta rơi vào cảm giác cô đơn và cảm thấy tình yêu của đối phương không đủ để bù đắp lại sự trống vắng mênh mông trong lòng, không đủ để chữa lành những vết thương và ta lại quyết định ra đi để tìm một người nào khác và rốt cuộc lại vỡ mộng vì chẳng có ai có thể cứu vớt ta khỏi cuộc đời cô đơn lạc lõng mà ta đang đối mặt, và chính bản thân người đó cũng đang chiến đấu để thoát khỏi nỗi cô đơn vây kín.

Trong “Normal People”: Connell và Marriane, thông minh, trẻ trung và dường như họ biết phải làm gì với cuộc đời mình thế nhưng cái thế giới điên rồ xoay vần này khiến họ sầu thảm, họ tìm đến nhau, chia sẻ nỗi niềm, hẹn hò, hôn và cả làm tình nhưng họ không gọi nhau là người yêu, họ không đặt tên cho mối quan hệ của mình dù trong sâu thẳm họ biết mình thuộc về người kia, họ vẫn muốn cái gì hơn nữa và muốn tìm hiểu những người khác, và rốt cuộc họ làm tổn thương nhau và tổn thương chính mình. Họ chia tay, cặp kè với những người khác, họ bị những người đó làm tổn thương, rồi lại quay lại gặp nhau để tìm cách hàn gắn, an ủi nhau. Mối quan hệ cứ thế kéo dài suốt 4 năm ròng (theo mốc thời gian trong sách nhưng dường như sẽ kéo dài mãi vì dù câu chuyện đã khép lại, dấu chấm cuối cùng đã được đặt thì Connell và Marianne vẫn tiếp tục lạc lối trong cái thế giới của họ – hay thế giới của chính chúng ta).

Hoặc như “Conversations with Friends” mối quan hệ còn có phần phức tạp hơn khi Frances – một cô gái 21 tuổi – rơi vào lưới tình với Nick – một người đàn ông đã có gia đình. Họ yêu nhau mà không nghĩ đến tương lai đến ngày mai, nhưng vì vậy mà họ cảm thấy tuyệt vọng và chán chường bởi cái tình cảm mơ hồ của mình, về sự xa cách của người mà họ yêu, và họ bị vỡ mộng bởi sự tầm thường của cuộc đời, khi mà họ mong mỏi tình yêu của họ sẽ vượt lên trên đó.

Và tôi cảm giác từng mảnh của trái tim cứ vỡ ra khi đọc về những tâm sự của những con người ấy, chúng mang lại cho tôi một sự đồng cảm đến độ như thể những câu chữ ấy đã chạm đến phần sâu kín nhất trong câu chuyện của chính tôi, và những bối rối hoài nghi về tình yêu, về cuộc đời về những mối quan hệ bao lâu nay ngỡ chẳng ai hiểu bỗng được hai nhân vật giải bày. Hai cuốn sách nghe có vẻ điên rồ khi chỉ viết về chuyện tình của những người trẻ, một chủ đề mà có lẽ đã có bao tác giả viết về nó, thế nhưng Sally Rooney là tác giả đầu tiên khiến tôi cảm thấy sự thấu hiểu sâu sắc về vấn đề này, không phải là một câu chuyện hời hợp dễ dãi trên bề mặt mà cô đã đào sâu những góc sâu kín nhất trong mối quan hệ và những nỗi bi ai khi ta phải đối mặt với quá nhiều thứ mà chỉ một quyết định nhỏ cũng có thể khiến cuộc đời ta thay đổi mãi mãi. Và Sally Rooney chỉ cho ta cái cảm giác chân thực khi ta trẻ, buồn bã, cô đơn và đắm chìm trong tình yêu, một cảm giác tuyệt nhất nhưng cũng tệ nhất cuộc đời mà ta sẽ chẳng thể nào quên được.

Với “Chuyện tình đích thực siêu buồn” của Gary Shteyngart thì tác giả đặt thế giới vào một tương lai giả tưởng, gần gũi và cảm giác như thể cách chúng ta có vài bước chân. Một cuốn sách tràn ngập nỗi buồn đau đớn đến tận tâm can, nỗi buồn nào cũng đánh ngay thẳng vào tim vì chúng quá thật: nỗi buồn vì chủ nghĩa vật chất lên ngôi, nỗi buồn về một thế giới rệu rã sắp đến hồi cáo chung, nỗi buồn về nỗi cô đơn trong đô thị rộng lớn, nỗi buồn vì sự hữu hạn của đời sống và vô tình của thời gian, nỗi buồn vì yêu và tình dục trong thời đại số hóa trở nên gấp gáp và vô cảm, nỗi buồn vì tình yêu sách vở trở thành điều lập dị và đáng khinh. Con người ta được định giá qua màn hình điện thoại và lựa chọn người để yêu cũng thông qua nó, Gary Shteyngart đánh vào nỗi cô đơn của chúng ta khi những ứng dụng hẹn hò lên ngôi, chúng ta lướt màn hình điện thoại, quẹt trái, quẹt phải, kết đôi, trò chuyện nhưng không bao giờ đủ can đảm để tiến tới biến chúng thành những mối quan hệ thật sự, và đôi lúc ta cảm giác tuyệt vọng và hoang mang về giá trị của chính mình khi không “match” được với bất cứ người nào, phải chăng ta chỉ là một thứ hàng phế phẩm không hơn.

Văn chương phải mang đến sự gần gũi và chân thực, dù có kể về một thế giới giả tưởng vẫn mang đầy những nỗi trăn trở hiện tại. Có lúc tình yêu được đề cao quá mức hoặc chúng ta bị ru ngủ trong những mối tình ngọt ngào giữa những nhân vật hoàn hảo, sinh ra để dành cho nhau thế nhưng tình yêu thật sự có lẽ không có chút nào giống như thế. Tuổi trẻ luôn gắn liền với nỗi cô đơn, dĩ nhiên trong một thế giới không ngừng vận động thì nỗi cô đơn ấy cũng có những thay đổi so với thời đại cũ. Và có lẽ chỉ có những nhà văn có cái nhìn tinh tế mới bắt kịp những khác biệt của chuyện yêu đương bây giờ so với trước đây để cho ra đời những tiểu thuyết ngọt ngào mà vẫn cay đắng, buồn thương mà không ủy mị, sâu sắc mà rất dễ cảm thông, trần trụi nhưng vẫn nên thơ, đau khổ nhưng vẫn đầy hy vọng, khiến ta vỡ tim nhưng vẫn xoa dịu. Tình yêu thay đổi chúng ta, nhưng đồng thời cũng giải thoát chúng ta khỏi bản thân mình, như cách Sally Rooney Gary Shteyngart và đã khiến ta một lần nữa tin vào điều đó trong những cuốn sách tuyệt vời này.

One Reply to “Tình Yêu Thời Hiện Đại Trong Một Số Tác Phẩm Văn Chương”

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.