Chó Trắng (Romain Gary) – Của Chó và Người

Một nhà văn lớn là một người luôn trăn trở về cuộc đời và số phận của con người, và khi đọc “Chó Trắng” chúng ta không thể không nhận ra rằng bên cạnh là một nhà văn với những cuốn sách tuyệt vời, thì thông qua cuốn sách mang tính chất tự truyện này, Romain Gary còn là một con người có cái nhìn đầy nhân văn và thông tuệ về số phận của con người trong sự hỗn loạn của thời đại ông đang sống, nhưng những vấn đề ấy vẫn chưa bao giờ là lỗi thời, đặc biệt trong bối cảnh thế giới có nhiều sự chuyển dịch như hiện nay.

Bìa sách Nhã Nam

“Chó Trắng” không phải vì màu sắc của nó vì ngay từ dòng mở đầu, tác giả đã miêu tả rất kỹ: “đó là con chó xám với một mụn hạt cơm bên phía mõm”, đó là một con chó bé ghê Đức mà Gary tình cờ thấy ở Beverly Hills, nơi ông vừa đến đoàn tụ cùng vợ tại Mỹ. Một tình cảm quyến luyến nảy sinh ngay lập tức giữa ông cũng như vợ đối với chú chó, và ông quyết định sẽ giữ nó lại bên mình. Và không lâu sau đó ông nhận ra Batka – tên ông đặt cho chú chó – ngọt ngào với người da trắng bao nhiêu thì lại hung tợn với những người da đen bấy nhiêu, hóa ra Batka là chú chó được cảnh sát Albama huấn luyện để săn đuổi những người da đen. Batka trở thành một công cụ phục vụ cho lợi ích của con người, điều này không chỉ tàn ác với người da đen mà còn tàn ác với một chú chó ngây thơ. Và thông qua câu chuyện của Batka, Gary soi chiếu cái nhìn của ông về chủng tộc và những định kiến theo cách rất riêng khi câu chuyện không chỉ dừng ở đó mà ông tiếp tục mở rộng câu chuyện của mình ra với những vấn đề thời sự gắn liền với lịch sử như vụ ám sát Martin Lurther King, sự sa lầy của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam hay cuộc biểu tình tại Pháp năm 1968.

Là một kẻ ngoại tộc nhưng Gary có cái nhìn thấu suốt về những vấn đề của nước Mỹ, và đến đoạn cuối của cuốn sách, câu chuyện của ông đã được nhân rộng ra thành những vấn đề mang tính toàn cầu và từ câu chuyện về nạn phân biệt chủng tộc, cuốn sách đã trở thành câu chuyện về bản tính con người. Ông thật sự thẳng thắng, chua chát nhưng cũng hài hước, châm biếm khi mà đối với ông, những người da trắng cũng là nô lệ cho những định kiến bất khả xâm phạm, những tư tưởng đã được định sẵn, những thứ ấy cũng chẳng khác gì xiềng xích khóa chặt tâm trí họ trước thế giới và những con người khác màu da.

Thế nhưng bằng một quyết tâm và lòng tin mãnh liệt, Gary quyết định “chạy chữa” cho chú chó, biến Batka thành một chú chó không còn thành kiến với người da đen, như một cách ông tin rằng, với việc tẩy não một chú chó, ông sẽ xóa bỏ được những định kiến của con người: “Cái ý định thánh thiện muốn ‘thu nhận lại’ con chó, ‘chạy chữa’ cho nó, chẳng dính líu gì vào đây cả. Đây là một sự vụ giữa con người với con người…”. Thật dễ dàng khi đổ tội người da trắng vì đã biến những người da đen thành nô lệ, cũng như người Đức đã tìm cách diệt người Do Thái, hay cũng như cách người Do Thái đã làm với người Palestine… Có lẽ điều tội tệ nhất trên thế giới là ta phải chứng kiến sự trả thù, khi cả một chiều dài lịch sử man rợ này dường như đã dạy ta rằng “nợ máu phải trả bằng máu” mà không có cách nào khả dĩ hơn như cái cách Romain Gary kết thúc cuốn sách, liệu ông cũng có cái nhìn đầy hoài nghi về thế giới này khi viết nên một cái kết trần trụi và đau đớn đến thế. Và những xung đột này sẽ kết thúc như thế nào, và chúng sẽ đi xa đến đâu, một câu hỏi mà có lẽ chẳng ai trả lời được, kể cả Gary dù ông lúc nào cũng có niềm tin mãnh liệt vào con người: “Tôi muốn nói rằng cần phải tiếp tục tin vào con người, bởi vì nếu có bị họ làm cho thất vọng, bị họ phản bội và coi thường thì cũng không quan trọng bằng tiếp tục tin tưởng vào con người họ và tin tưởng ở họ.”

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ năm 1968 – mốc thời gian mà những sự kiện diễn ra trong “Chó Trắng” – những vấn đề mà Romain Gary đề cập trong cuốn sách dường như vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, và với ông, bạo lực vẫn là bạo lực, chẳng có bất kỳ lý do chính đáng nào để giải thích cho nó. Một cuốn sách có lẽ sẽ khiến người đọc khó chịu và cũng choáng ngợt trước những tư tưởng mà nó đề cập, nhưng cũng là một cuốn sách khiến ta có niềm tin vào nhân loại nhưng đồng thời cũng mang lại cảm giác nản chí bởi sự tàn ác của thế giới này. Và có lẽ hiếm có cuốn sách nào làm được những điều trái ngược như vậy.

*Nhan đề bài viết được đặt theo tên tiểu thuyết “Của Chuột và Người” của nhà văn John Steinbeck
*Nguồn hình ảnh bìa minh họa cho bài viết: http://lemouffetard.com/spectacle/white-dog

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.