Có bao giờ bạn tự hỏi những thiên tài xuất hiện như thế nào? Họ sinh ra với tố chất sẵn có của một thiên tài và chỉ chờ cơ hội để thể tỏa sáng, hay thiên tài là do sự nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ trong việc khám phá cái mới và đập bỏ những giới hạn của bản thân. Đối với tôi thì là cả hai, với một tài năng thiên bẩm nếu không được đặt vào môi trường thích hợp và luôn luôn tạo ra những cái mới, thì những thiên tài sẽ nhanh chóng bị lãng quên khi không tạo ra được những tác phẩm để đời. Và với những thiên tài được nhắc tới trong “Bí mật cuộc đời các danh họa và điêu khắc gia nổi tiếng” thì những dấu ấn của họ ít nhiều vẫn còn tồn tại, người ta có thể không biết chính xác tên họ nhưng chắc chắn đã thấy những tác phẩm của họ ở đâu đó, đặc biệt với những người đã tạo ấn tượng sâu đậm đới với nền văn hóa đại chúng đến tận bây giờ.
Ta trông đợi gì ở một cuốn sách với cái tên gây tò mò như vậy? Và những bí mật nào sẽ được lật mở trong cuốn sách này. Dĩ nhiên đối với những ai mong chờ một cuốn sách dẫn dắt ta đi sâu vào thế giới của nghệ thuật và những bức tranh thì có lẽ sẽ thất vọng, và dĩ nhiên với thời lượng chỉ khoảng 15 trang đối với một nhà hội họa hay điêu khắc gia thì những gì ta nhận được chỉ là cái nhìn phổ quát nhất về cách họ đã ảnh hưởng đến nghệ thuật thế giới như thế nào. Ta vẫn thường thấy những bức tranh được lựa chọn làm bìa sách hay tạp chí, in trên áo, thiệp mừng, ly tách hay những bản sao vụng về treo tường thế nhưng có thật sự biết rõ về nguồn gốc và thông điệp của chúng. Và cách những nghệ sĩ đã đấu tranh với thế giới quanh họ và cả với chính mình để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật ắt hẳn ít nhiều sẽ khiến ta xao động. Khi đọc cuốn sách, bạn sẽ không thể tạm xa rời internet như mong muốn khi đọc những quyển sách khác, bởi vì khi đọc qua bất kỳ một nghệ sĩ nào mà bạn chưa từng biết tên, bạn phải gõ tên họ vào khung tìm kiếm của google, xem những tác phẩm của họ và òa lên bất ngờ bởi đây là những bức tranh mà bạn đã biết, đã thấy từ lâu.
Với cách viết sống động vui tươi như đang kể những câu chuyện phiếm, cuốn sách đôi lúc sẽ khiến những ai vẫn tôn thờ nghệ thuật và xem nó là một nơi tôn nghiêm có đôi phần khó chịu, nhưng nghệ thuật trong cuốn sách là những gì gần gũi hơn thế, ta sẽ bắt gặp những nghệ sĩ mắc kẹt trong những vấn đề mang tính chất rất thời đại, không có chút nào xa vời, họ cũng có những phút giây chán chường tuyệt vọng, trầm cảm hoặc điên loạn, vướng vào những mối tình tay ba đầy tai tiếng, không phải ai cũng siêng năng sáng tạo mà cũng có những người thật sự lười biếng mãi không thể hoàn thành những tác phẩm của mình và không phải ai cũng có một cuộc đời sóng gió mà có thể họ sống một cách bình lặng giản dị và sáng tạo nghệ thuật trong âm thầm. Một lần nữa ta hiểu rằng nghệ thuật có muôn hình vạn trạng và người nghệ sĩ có thể đến từ bất cứ đâu, và nghệ thuật bỗng dưng trở nên gần gũi và dễ thấu hiểu hơn bao giờ hết.
Trong cuốn sách, ta sẽ bắt gặp những mẩu chuyện ngoài lề thú vị và hài hước, chẳng hạn như nàng Mona Lisa trong bức tranh huyền thoại đã bị các vị bác sĩ cho rằng có quá nhiều bất thường: bướu cổ, hiếng, liệt nửa mặt… hay Vincent Van Gogh đã ăn cả màu vẽ của mình và đó cũng là một trong những lý do ông phát điên vì ngộ độc hóa chất trong màu vẽ, hoặc Pablo Picasso đã từng vào tù vì liên quan đến một vụ ăn cắp tranh, và đó cũng chính là bức Mona Lisa nổi tiếng…
Dĩ nhiên cuốn sách vẫn còn nhiều hạn chế trong việc tái hiện lại cuộc đời của những nghệ sĩ nổi tiếng nhưng đã gieo vào lòng bạn đọc tình yêu dành cho nghệ thuật và một cái nhìn cảm thông với những người nghệ sĩ lẫn cảm phục sự cống hiến không ngừng nghỉ và tình yêu vô bờ bến của họ với những gì mình đang sáng tạo. Khi khép cuốn sách lại, ta không khỏi háo hức muốn tận mắt thấy những tác phẩm nghệ thuật mà ta chỉ muốn mua ngay vé máy bay đến những bảo tàng đang triển lãm chúng để chiêm ngưỡng, và lần này, ta sẽ nhìn chúng với một đôi mắt khác.
“Thiên đường thì buồn”