Holocaust- cuộc diệt chủng người Do Thái, cái tên gây ám ảnh nhiều thế hệ. Thế nhưng, phải nói thật là hồi trung học tôi không có một chút ấn tượng gì về cuộc chiến thảm khốc này, lúc đó lịch sử là một môn học mà tôi có nhiệm vụ phải học, với rất nhiều dữ kiện, sự kiện, và mốc thời gian, sự đau thương của nó cũng được nói tới nhưng chẳng đậm sâu gì trong tâm trí của một học sinh trung học như tôi.
Nếu lúc ấy tôi được đọc những cuốn sách lịch sử đào sâu về sự thật và con người trong những cuộc chiến, chắc tôi sẽ thích môn học đó lắm, điều mà đến tận những năm 20 tuổi tôi mới nhận ra qua những cuốn sách đề tài lịch sử mình được đọc.
Chiến tranh luôn thảm khốc, cuộc chiến nào cũng vậy, cũng đẫm máu và đến khi phân thắng bại rồi, thì cũng tan nát hết cả, tan nát một đất nước, một dân tộc, tan nát cõi lòng của người còn sống. Trong sự tối đen, mù mịt đó, “Danh Sách Của Schindler” như một liều thuốc tinh thần cần thiết, sưởi ấm những trái tim đã từng đau đớn rất nhiều về sự nhân đạo trong chiến tranh.
Oskar Schindler- chủ của công ty sản xuất đồng thau, người được cho là đã cứu mạng 1100 người Do Thái trong thời kỳ Holocaust bằng cách thuê họ làm công nhân trong nhà máy của mình. Holocaust- cuộc diệt chủng do Đức Quốc Xã cùng bè lũ của chúng gây ra đã giết hơn 11 triệu người, vậy một tay của Oskar có che được trời, có làm giảm bớt được sự tàn độc đó không? “Người nào cứu được một mạng người, là cứu cả nhân loại”, dù số lượng người Do Thái được cứu không phải là quá nhiều, nhưng ít ra số nhỏ đó được cứu khỏi sự tàn ác của Đức Quốc xã, tia sáng hi vọng lúc này toả ra, với Holocaust, cứu 1100 sinh mạng đó là phép màu nhiệm của một con người thầm lặng, còn đối với giai đoạn hiện này, nó mang ý nghĩa rộng hơn về sự chiến đấu chống lại cái ác, bảo vệ người bị hại – mà trong xã hội đầy rẫy những sự bất công và vô lý như hiện nay, dường như rất khó và hiếm.
Oskaz, người được đánh giá là con người ham lạc thú, sẽ có rất nhiều nụ hôn được trao từ người đàn ông này, nhưng đó không chỉ là những nụ hôn của dục lạc, mà còn là những nụ hôn của tình yêu thương, cảm thông sâu sắc, đó là khi Oskaz hôn cô gái Helen – người Do Thái hầu hạ cho Amon – cán bộ điều hành trại tập trung bởi ông thương cảm cho hoàn cảnh của cô, hay nụ hôn cảm ơn trao cho cô bé người Do Thái đem bánh đến tặng cho Oskaz vào ngày sinh nhật.
Người đàn ông này đã hi sinh cả gia tài để “mua” những người nô lệ này về làm cho xưởng của mình, để bảo vệ họ, sự nhân đạo của ông vẫn là câu hỏi muôn thuở chưa có câu trả lời, “Không hiểu sao ông ấy lại làm như vậy”. Các nhân chứng từng nói với Uỷ ban cứu trợ Do Thái, “Trại của Schindler tại Brinnlitz là trại duy nhất trên vùng lãnh thổ bị Đức Quốc xã chiếm đóng nơi người Do Thái chưa bao giờ bị giết, bị đánh đập, mà luôn được đối xử như con người.”, nơi đó thật sự là thiên đường, là nơi cứu cánh cho những người Do Thái, hi vọng về sự sống, về một ngày được đối xử như một con người, và Oskar Schindler là “cha” của hàng ngàn đứa con, bảo vệ chúng khỏi sự tàn ác của chính con người.