Bộ Tột Cùng Hạnh Phúc (Arundhati Roy) – Làm Sao Để Kể Một Câu Chuyện Tản Mác?

Nổi lên như một hiện tượng với tiểu thuyết “The God of Small Things” vào năm 1997 và đoạt luôn giải Man Booker cùng năm đó, Arundhati Roy được ca ngợi là một nhà văn với lối viết sắc sảo và lối nhìn đa diện về đất nước Ấn Độ nhiều màu sắc. Thế nhưng phải đợi đến tận 20 năm sau bất chấp sự chờ đợi của độc giả, thì cuốn sách thứ hai của bà mới ra đời, dù rất khác với cuốn tiểu thuyết đầu tay, “Bộ tột cùng hạnh phúc” vẫn khiến người đọc choáng ngợp với ngòi bút của bà về một đất nước Ấn Độ đầy mâu thuẫn và náo loạn.

Văn chương và chính trị không nhất thiết phải đi đôi, thế nhưng viết về Ấn Độ khi mà những xung đột về tôn giáo, sắc tộc và đẳng cấp chưa bao giờ ngừng lại, thì việc tách bạch câu chuyện của nhân vật hoàn toàn khỏi những vấn đề mang tính chính trị dường như là điều không thể. Dù mở đầu cuốn sách, câu chuyện của Anjum dường như chỉ đơn thuần là câu chuyện về một hijra – một người sinh ra mang hai giới tính, hoặc mang hình hài nam giới nhưng bản chất sâu bên trong là người phụ nữ. Những chương đầu tiên của cuốn sách là hành trình của Anjum – tên khai sinh là Aftab (một cái tên dành cho các cậu bé) – tìm lại giới tính thật của mình, dù con đường đó dĩ nhiên không hề dễ dàng, thậm chí mang nhiều cay đắng như khi cậu bé Aftab đang háo hức khi phát hiện rằng mình có thể trở thành một phụ nữ thì một hijra khác đã chua chát nói với cậu rằng: Thượng Đế tạo ra hijra là “để thí nghiệm, ngài muốn tạo ra một cái gì đó, một sinh vật không thể có hạnh phúc, nên ngài tạo ra bọn tao.” Những lời nói đó dường như là một lời cảnh báo dành cho Aftab rằng con đường mà cậu đang đi, khi từ từ trở thành Anjum chứa đựng rất nhiều nỗi buồn và những giọt nước mắt, và đồng thời cảnh báo cả người đọc rằng cuốn sách không ngập tràn niềm vui hay “tột cùng hạnh phúc” mà người ta dễ dàng lầm tưởng khi đọc tựa đề cuốn tiểu thuyết.

Cuộc đời của Anjum trải qua nhiều biến cố, nhưng sự kiện làm biến đổi cuộc đời cô là vụ đốt tàu hỏa ở Godhra khi sự xung đột giữa người Hồi Giáo và Ấn Độ Giáo đang đến hồi đỉnh điểm và cô trở thành nạn nhân trong vụ đốt tàu ấy. Dù may mắn sống sót trở về nhưng cuộc đời của cô đã thay đổi mãi mãi, cô ý thức được sự nhỏ bé của bản thân mình trong một thế giới hỗn độn mà cô chỉ may mắn sống được là vì cô là một hijra; vì giết một hijra – một tạo vật bị thượng đế ruồng bỏ – thì sẽ bị xui rủi đến suốt đời. Cô tự cô lập mình với thế giới và mọi người xung quanh và dọn đến sống ở một nghĩa địa, và từ đây một cuộc đời mới của cô bắt đầu. Khu nhà của cô ở nơi tận cùng thế giới tưởng chừng như bị cả thế giới quay lưng lại trở thành một nơi kết nối những con người trôi dạt, không nơi nương náu, không thể tìm một tổ ấm bất cứ nơi đâu. Từ đây nhịp điệu của cuốn sách bắt đầu tăng lên khi những nhân vật mới xuất hiện mang theo một câu chuyện khác nhau, mỗi người như một mảnh ghép của cái bức tranh Ấn Độ hỗn loạn và đầy phi lý.

Nổi bật trong số đó và chiếm thời lượng nhiều nhất cuốn sách là câu chuyện về bốn người bạn trẻ: Tilo, Naga, Biplab và Musa. Họ quen biết nhau khi diễn vở kịch Norman và trở nên khăng khít với nhau từ đó, tuổi trẻ mang nhiều ước mơ và hoài bão nhưng đặt trong một xã hội quá nhiều chia rẽ thì họ đều phải chọn phe cho mình, trải qua những biến động khủng khiếp về chính trị mà đỉnh điểm là bạo động của Kashmir, mỗi người trong số họ đều không thể thoát khỏi móng vuốt của cuộc chiến và sự nổi dậy của các phe phái, và một lúc nào đó họ nhận ra những người bạn thân thiết đã đổi màu niềm tin và đứng bên kia chiến tuyến. Cả bốn người đều mang những vết thương về thể xác và tinh thần dường như không thể vực dậy nổi mà những cuộc chiến và bạo lực đã hằn sâu trong họ.

Với cái nhìn đa chiều, nhân văn nhưng cũng đầy trăn trở về Ấn Độ hiện đại, Arundhati Roy đã mở ra cho người đọc một câu chuyện bi thương hỗn độn và đầy màu sắc, bằng cách lồng ghép những sự kiện có thật, bà khiến câu chuyện trở nên sống động và mang tính thời đại. Cuốn sách chứa rất nhiều tham vọng của Roy có lẽ đôi lúc sẽ khiến người đọc hụt hơi vì số lượng nhân vật và những mối nối ta phải lần theo nhưng được bù đắp bằng giọng văn uyển chuyến, khi hài hước, khi lại đầy lòng trắc ẩn như một bài thơ mà Tilo đã đọc vào cuối cuốn sách: làm sao để kể một câu chuyện tản mác, đó là dần dần trở thành mọi người và mọi thứ.

Những vấn đề mà đất nước Ấn Độ đang gặp phải, dĩ nhiên  không thể giải quyết trong một thời gian gần, nhưng bằng cách cho những nhân vật của mình có ánh sáng, bà gieo vào lòng người đọc một cái nhìn lạc quan hơn về thế giới ta đang sống, và đến khi cuốn sách khép lại, ta đã không bị lừa khi đọc tựa đề cuốn sách, dù đôi lúc ta tự hỏi cảm giác hạnh phúc tột cùng là như thế nào, liệu đó có thể đơn giản chỉ là tìm được một nơi nương náu trong cái thế giới đầy hỗn độn và đang đổ nát khi ta đã chịu quá nhiều đau khổ trong cuộc đời – như những nhân vật trong cuốn sách cuối cùng đã tìm được.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.