Mở Bài (Umi)

Lâu rồi, tôi không viết. Có lẽ cũng năm năm rồi, kể từ khi bước chân vào trường Luật. Tôi vẫn nhớ bài viết đầu tiên năm lớp mười, cô chủ nhiệm cũng là cô dạy văn, khi ấy, đã phê thế này: “Cảm xúc trong trẻo, giọng văn mượt mà. Cô tin em sẽ tiến xa nếu theo đuổi con đường văn chương”. Đợt đó, tôi được tám điểm. So với những bài viết chín điểm, mười điểm trước đây thì chẳng có ý nghĩa gì cả, nhưng những dòng nhận xét của cô, mãi ám ảnh tôi, theo tôi tới tận những năm tháng sau này. Dẫu rằng, tôi đã không theo đuổi con đường văn chương như cô nói. Sự thật thì hành trình của mỗi người luôn có những ngả rẽ, ngay tại những khúc quanh đột ngột, dù rằng trước đó chúng ta đã cân nhắc và lên kế hoạch, bắt đầu với sự quyết tâm sắt đá tưởng chừng không có gì thay đổi được.

Hôm nay, tự dưng tôi muốn viết. Nhưng cầm bút, mãi vẫn không biết bắt đầu như thế nào. Tôi không giỏi trong việc bắt đầu. Bắt đầu một bài viết. Bắt đầu một mối quan hệ. Tôi hay than thở điều này với Bách. Anh trầm ngâm rồi bảo: “Nhưng đến một lúc nào đó, khi tình thế bắt buộc, em sẽ phải là người bắt đầu, dù muốn hay không”. Tôi nhún vai. Đó là một trong những cuộc hội thoại ngắn, không đầu không đuôi thường xuyên của chúng tôi.

Tôi quen anh khi học học phần Luật sở hữu trí tuệ quốc tế, và anh là giảng viên hướng dẫn. Khoảng thời gian ngắn ngủi đó đã kịp giúp tôi lưu giữ hình ảnh của một Bách rất giỏi trong chuyên môn nhưng lại hơi kiêu ngạo trong cuộc sống. Còn tôi, trong mắt anh, lại là một con nhóc thẳng thắn và có khuynh hướng làm- người- ta- ghét. Thường thì trước khi học bài nào đó, anh sẽ yêu cầu chúng tôi phải đọc bài gì, ở đâu, hoặc gửi trực tiếp tài liệu cho chúng tôi. Buổi giảng của anh sẽ bắt đầu bằng thắc mắc của sinh viên và sau đó, cùng nhau thảo luận và tìm câu trả lời. Hôm đó, vì có việc nên tôi đã không đọc bài. Mà thực tế, hầu như chẳng có đứa nào xem bài trước cả. Trong khi những đứa khác cố nặn ra một câu hỏi có vẻ liên quan, tôi lại dõng dạc đứng lên: “Dạ, em chưa đọc bài nên không biết nên thắc mắc cái gì. Em xin lỗi anh”. Anh im lặng, cau mày nhìn tôi vẻ đánh giá. Mấy đứa trong lớp nhìn tôi kinh ngạc. Còn tôi, lại bình tĩnh ngẩng cao đầu, chờ sự phẫn nộ nơi anh (cái này là nhận xét của anh sau này). Xong, anh nhếch môi cười: “Được, tôi thích những người thẳng thắn như em. Nhưng lần sau, hy vọng em thực hiện yêu cầu của tôi”.

Sau đó chúng tôi quen nhau. Không phải quen kiểu tìm hiểu, yêu đương này nọ, mà là kiểu bạn bè, đàn anh và đàn em. Anh rất bận- với công việc của một luật sư kiêm giảng viên. Tôi cũng rất bận với việc học hành, thi cử. Thỉnh thoảng nói chuyện, thỉnh thoảng đi cà phê, thỉnh thoảng xem phim. Tất cả chỉ dừng lại ở một mối quan hệ có vẻ lưng chừng như vậy. Cả anh và tôi đều hài lòng…

• Nhóc, chờ anh lâu chưa? Anh ngồi xuống đối diện tôi, liếc nhìn cây bút chì xoay xoay trong tay và tờ giấy vẫn còn trắng tinh trên bàn.

• Lâu, nhưng vẫn không đủ thời gian để nghĩ ra một cái mở bài. Tôi cười với anh, rồi xếp tờ giấy, cất tất cả vào balo.

• Định viết lách kiếm tiền à?

• Không có. Tự dưng muốn viết lại.

• Nào, kể anh nghe.

Thế là tôi kể lại việc nối lại liên lạc với người yêu cũ. Sau năm năm hoàn toàn không nói chuyện. Cậu ta, học cảnh sát ngoài Hà Nội, sắp tới sẽ vào Sài Gòn thực tập sáu tháng. Cậu ta nói muốn gặp tôi. Anh nghe xong, lại có vẻ đăm chiêu.

• Em vẫn còn thích cậu ta à?

• Chắc là không đâu. Chỉ là cậu ta làm kỉ niệm hồi đi học hiện lên rõ mồn một thôi. Vì lúc đó, hầu như mọi việc đều gắn với cậu ấy mà.

• Vậy cậu ta cũng có năng lực quá rồi. Khiến em có thể viết lại sau bao nhiêu năm. Sao năm đó, hai đứa chia tay?

• Vì em thấy ngột ngạt.

Gần cuối học kỳ một năm mười hai, Nghĩa tỏ tình với tôi. Buổi chiều đó, chúng tôi học thêm toán. Hai đứa có một trận cãi nhau kịch liệt về cách giải và kết quả của bài bất đẳng thức. Mà hầu như ngày nào hai đứa tôi cũng hay cãi nhau kiểu vậy, nhưng chỉ có trong môn toán thôi. Vì lý, cậu ấy là trùm, tôi chỉ có thể nghe cậu ấy giảng hoặc chép bài từ cậu ấy, còn hóa thì ngược lại, chỉ có thầy Quốc mới áp chế được tôi. Cuối buổi, cậu ấy cười cười, xoa đầu tôi: “Sau này bớt hỗn đi nha”. Tôi hất tay cậu ấy: “Nói lại nha, chị đây sinh trước cưng bảy ngày đấy”. Tối đó, chúng tôi nhắn tin như thường lệ, chỉ là những tin nhắn linh tinh kiểu: ăn cơm chưa, đang làm gì, bài này giải chưa, thằng Lâm vẫn theo đuổi cái Ngân… cho tới tận gần mười hai giờ, câu chuyện có vẻ đi theo hướng nghiêm túc:

• Này, Nghĩa thích một người.

• Ai?

• Cái đứa hay chửi bậy, lại hơi giống con trai nữa, học hóa rất giỏi đấy.

• Lớp nào?

• Lớp mình.

• Ủa, nói tôi chi vậy?

• Nghĩa có nên tỏ tình không?

• Ai biết.

• Nghĩa thích Linh.

• …

• Này, đâu rồi?

• Có dám nói trực tiếp với tôi không?

• Sợ gì.

Sáng hôm sau lên lớp, cậu ta lại bàn tôi, nắm tay tôi (dĩ nhiên là lén lút dưới gầm bàn), thì thầm nho nhỏ: “Nghĩa thích…” Tôi không để cậu ta nói hết câu, đã vội vã xua xua tay: “Được rồi”. Chúng tôi quen nhau. Tới tận hôm nay, khi kể lại câu chuyện cho Bách, tôi mới chợt nhận ra, tôi chưa bao giờ để cho cậu ấy nói hết câu: “Nghĩa thích Linh” cả. Giống như tôi đã mặc định sau từ “Nghĩa thích” là tên tôi rồi.

Năm mười hai, học hành, thi cử, tốt nghiệp, đại học… tất cả khiến chúng tôi quay cuồng, vậy nên thầy cô có khuynh hướng ngăn cấm việc yêu đương. Tôi vẫn còn nhớ, có lần cô chủ nhiệm bí mật gọi Lâm ở lại sau giờ học và thuyết cho nó một tràng về việc yêu đương và tương lai sau này, đại ý cuối cùng là, bây giờ không nên yêu mà phải giành sức cho thi đại học. Khi đó nó ấm ức kể với tôi, tôi chỉ biết im lặng và trấn an nó rằng mọi việc sẽ ổn, cô chỉ muốn tốt cho tụi mình. Kì lạ là việc tôi và Nghĩa quen nhau, hầu như thầy cô nào cũng biết, nhưng chẳng ai ngăn cấm cả. Tôi nghi ngờ, có phải cô đã quá tin tưởng những đứa top đầu như chúng tôi rồi không?

Nhưng dần dà, những quan tâm, tình cảm của Nghĩa khiến tôi thấy ngột ngạt. Những câu hỏi thăm khiến tôi thấy như bị quản lí. Tôi chúa ghét bị quản lí. Những lần cậu ấy rủ tôi đi uống trà sữa khiến tôi thấy bị ảnh hưởng tới tương lai sau này, mà cụ thể là quỹ thời gian học đang càng ngày càng ít đi. Tôi điên tiết lên, càng lúc càng xa cách với cậu ấy. Cho tới trước khi thi tốt nghiệp một tháng, tôi nói lời chia tay, cậu ấy hỏi lý do, và tôi chỉ đáp ngắn gọn: “Sau này cậu sẽ hiểu”.

Chúng tôi cắt đứt mọi liên lạc từ đấy. Sau đó, cậu ấy học cảnh sát ngoài Hà Nội, còn tôi, học Luật trong Sài Gòn. Ngày tôi đi, cậu ấy nhắn một tin thế này: “Tôi tưởng xóa số cậu thì sẽ quên cậu thật, nhưng mà không hiểu sao tôi vẫn nhớ. Cậu lên đường bình an”. Đó là tin nhắn cuối cùng của chúng tôi, bởi tôi đã không trả lời, và suốt bao năm qua, chúng tôi chưa từng nói chuyện cho đến mãi đêm hôm trước, khi cậu ấy nói về việc đi thực tập.

Bách nghe xong, chậm rãi hớp một ngụm cà phê, nhìn tôi chăm chú:

• Em cũng vô tình quá đấy.

• Gì chứ?

• Nhằm lúc thi tốt nghiệp với đại học mà chia tay.

• Em bị chửi về vụ đó rồi… Bạn của cậu ấy. – Tôi bổ sung thêm khi thấy Bách có vẻ sửng sốt.

• Vậy như anh hiểu, em vẫn thích cậu ấy. Chỉ vì lúc đó quá nóng nảy và lo lắng nên mới chia tay phải không?

• Em không biết

• Có thể gặp lại cậu ấy, em sẽ có câu trả lời.

Chiều đó, Bách chở tôi đi mua váy. Trong tủ của tôi không có một chiếc váy nào cả. Chị chủ shop chọn cho tôi một chiếc đầm ren màu lam nhạt, cổ thuyền, dài tới đầu gối. Lúc tôi bước ra từ phòng thử đồ, Bách nheo nheo mắt nhìn tôi lóng ngóng trong chiếc đầm xinh đẹp dường như không hợp với mình. Tôi giơ nắm đấm ra trước cảnh cáo anh: “Anh dám cười thử xem!”. Nhưng, khác với mọi khi, anh chỉ chăm chú nhìn tôi rồi nhận xét: “Xinh lắm”. Tim tôi chệch một nhịp.

Ngày gặp Nghĩa, tôi mặc chiếc đầm hôm bữa đi mua với anh, mang giày cao gót, xõa tóc và dặm một chút son môi. Tôi đứng trước gương, ngắm vòng eo nhỏ xíu và đôi chân thon mà hằng ngày vẫn được che trong những chiếc áo sơ mi rộng thùng thình và quần jean kiểu boyfriend. Bất giác tôi nghĩ đến Bách.

Nghĩa cao hơn và có vẻ trưởng thành hơn. Đôi cao gót năm phân chỉ giúp tôi đứng ngang vai cậu, như hồi còn đi học. Có vẻ như công cuộc huấn luyện của trường cảnh sát đã thay đổi hoàn toàn cậu nam sinh gầy gầy năm đó. Cậu nghiêng đầu nhìn tôi, nở nụ cười đẹp đẽ và rực rỡ dưới ánh nắng dịu dàng tháng chín. Hệt như năm đó, cậu ấy quay đầu lại nhìn tôi và cười hiền lành khi nghe tôi gọi: “Nghĩa, đợi tôi”. Tôi hơi sững lại một chút, có cái gì đó vụn vỡ. Những kỉ niệm hiện lên chân thực và sống động đến từng chi tiết.

Chúng tôi đi xem phim, mạch phim chậm và làm người xem có vẻ bức bối. Tôi im lặng, căng não theo từng tình tiết câu chuyện và cậu ấy cũng im lặng. Sau khi hết bộ phim, tôi thảo luận với cậu ấy về nhân vật, nhưng có lẽ cậu ấy đã không chăm chú khi xem nên tôi bị cụt hứng và chấm dứt câu chuyện. Trong đầu tôi thoáng qua cái suy nghĩ, sẽ nhắn tin cho Bách và rủ anh ấy đi xem lại phim này. Nhất định chúng tôi sẽ có nhiều điều để tranh cãi. Tôi vừa lấy điện thoại thì Nghĩa quay đầu gọi: “Linh, đi uống gì đó nhé”. Tôi giật mình, nhận ra cậu ấy đã cách tôi một quãng.

Nghĩa chọn một góc yên tĩnh ở Du Miên. Thực ra tôi không thích cà phê kiểu sân vườn như thế này. Mỗi lần đi với Bách, tôi thường là người chọn, và bao giờ tôi cũng chọn những quán có không gian ấm cúng một chút, vintage một chút. Những thứ quá rộng lớn luôn cho tôi một cảm giác bất an. Bách lúc nào cũng chiều tôi, mặc dù ngoài mặt luôn tỏ thái độ khinh khỉnh: “Em mà cũng có cảm giác bất an…”

Chúng tôi nói chuyện, những câu chuyện không liên quan trong suốt năm năm qua, có đôi khi vô tình gợi những chuyện hồi đi học, tuyệt nhiên không nhắc đến chuyện tình cảm. Tôi mơ màng khuấy li ca cao nóng, không rõ tâm hồn mình đang đeo đuổi cái gì. Tôi vẫn tưởng, khi gặp lại Nghĩa, tôi sẽ không làm chủ được cảm xúc của mình. Nhưng mọi chuyện không kịch tính như tôi tưởng tượng. Chỉ có những cảm xúc xưa cũ thỉnh thoảng ùa về khiến tôi khó chịu. Con người mới của cậu ấy, dường như tôi không quen. Chợt, cậu ấy cầm lấy tay tôi, giọng trầm và buồn:

• Linh gần như chẳng thay đổi gì cả, chỉ là xinh hơn.

Tôi toan rút tay lại nhưng cậu ấy giữ chặt quá, đành để yên:

• Cậu cũng trưởng thành hơn còn gì. Nhìn khác hồi kia.

• Nhưng tình cảm tôi với cậu vẫn vậy.

Đến đây thì tôi giật mình thật. Cậu ấy vẫn tiếp tục, nắm tay tôi và nhìn vào mắt tôi. Trong đôi mắt buồn và trong veo như mặt hồ mùa thu kia, tôi thấy bóng mình trong đó. Trong khoảnh khắc, tôi thôi cựa quậy và giữ mình bình tĩnh, lắng nghe cậu ấy:

• Gần năm năm rồi, tôi cũng quen vài người. Có người vài tháng, có người gần cả năm. Tôi đã cố gắng chọn những người khác hoàn toàn với cậu, nhưng rồi đâu đó, tôi lại thấy hình ảnh cậu trong họ, thế rồi tôi chia tay.

Tôi nghe tiếng loảng xoảng đâu đó, có thể là trong tôi, hoặc là trong cậu ấy, hay cũng có thể từ những cô gái cậu ấy từng quen.

• Tôi thì vẫn chưa quen ai khác từ khi chia tay cậu – tôi bình thản trả lời. Cậu ấy thoáng chút ngạc nhiên, sau đó siết tay tôi mạnh hơn một chút.

• Ngày đó, khi chia tay, cậu bảo sau này tôi sẽ hiểu, nhưng tôi, mãi không hiểu được lý do.

• Vì tôi cảm thấy không thoải mái với sự quan tâm của cậu, giống như cậu đang quản lí tôi vậy.

• Tôi không biết. Lại luôn tưởng rằng cậu có người mới nên mới chia tay.

Tôi thôi không nói gì nữa, cũng không rõ cảm xúc của mình như thế nào, không biết phải làm gì tiếp theo. Tôi đi lạc rồi. Chơi vơi giữa cánh đồng ký ức năm nào, bị bủa vây bởi những suy nghĩ giằng xé giữa hiện tại và quá khứ. Tôi bất giác muốn nghe giọng Bách khủng khiếp, tưởng như anh ấy chỉ cần xuất hiện thôi cũng có thể khiến giông tố trong lòng tôi bình yên trở lại. Tôi ngẩng đầu lên, nhìn thẳng vào mắt Nghĩa:

• Tôi xin lỗi. Nếu hồi đó tôi nói rõ, chắc mọi chuyện không thành ra như bây giờ.

• Vậy, chúng ta quay lại được không?

• Trước khi gặp cậu, tôi vẫn phân vân về tình cảm của mình. Có người bảo rằng, có lẽ gặp cậu xong tôi sẽ có câu trả lời. Nghĩa ạ, cái tôi nhìn thấy hôm nay là Nghĩa của tuổi hai mươi ba, nhưng cái tôi muốn thấy là Nghĩa của tuổi mười tám.

Cậu ấy im lặng, tay khẽ nơi lỏng. Tôi rút tay lại và đứng dậy. Phải, như anh nói, tôi đã có câu trả lời. Tôi rút điện thoại và nhấn tên anh- Bách quốc tế, thầm nghĩ phải đổi tên anh ấy trong danh bạ rồi.

• Hửm?

• Tới Du Miên đón em đi, mang cho em giấy và bút nữa. Tối chúng mình mua vé xem Hỏa ngục nhé.

• Không phải em…

• Này là tình trạng khẩn cấp đấy.

• Chờ anh hai mươi phút. Và nhớ đừng mơ màng để anh nào bắt mất hồn đấy.

Tôi phì cười, nghe tim mình đập rộn rã. Có những ký ức rất đẹp. Nhưng đúng như tên gọi, dù là hạnh phúc hay đau thương, dở dang hay trọn vẹn, chúng mãi chỉ thuộc về quá khứ. Con người ta nên sống với hiện tại và sống vì tương lai. Còn quá khứ, nên để nó ngủ yên nơi đó, đừng xáo trộn làm gì. Cậu ấy là người khiến tôi muốn viết trở lại, nhưng anh mới là người khiến tôi có thể bắt đầu viết. Tôi đã đặt dấu chấm cho câu chuyện của tôi và cậu. Cũng chính tôi đã viết phần mở đầu cho câu chuyện của tôi và anh. Trong một vài trường hợp tôi cảm thấy mình khá giỏi cho việc bắt đầu: bắt đầu viết, bắt đầu mối quan hệ với một ai đó.

2 Replies to “Mở Bài (Umi)”

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.