Chốn Cô Độc Của Linh Hồn (Yiyun Li) – Điều Gì Dịu Dàng Hơn Nỗi Cô Đơn?

Trong một bài phỏng vấn vào năm 2012 trên Guardian khi tập truyện ngắn đầu tay: “Ngàn năm thiện nguyện” được đánh giá cao và đạt rất nhiều giải thưởng vào năm đó, Yiyun Li đã nói rằng: “Không thể  không đề cập đến chính trị khi viết về Trung Quốc”, thế nhưng đừng vội hiểu lầm những cuốn sách của Yiyun Li viết về chính trị, mà dường như cô chỉ mượn những sự kiện mang tính chính trị để nói lên sự cô đơn và bấp bênh của cuộc đời, mà “Chốn cô độc của linh hồn” là một cuốn sách như thế, sự kiện Thiên An Môn trong cuốn sách được nhắc rất thoáng qua, nhưng lại có một ý nghĩa nhất định trong cuộc đời của những nhân vật chính.

Mở đầu bằng một đám tang, cuốn sách như báo hiệu trước một chuỗi những nỗi buồn sẽ nối tiếp nhau khi Bá Dương bắt đầu lật giở những mảnh ký ức liên kết anh với người đã chết – Tiểu Ái – cùng hai người bạn thuở ấu thơ – Mạc Lan và Như Ngọc mà anh chỉ còn liên lạc bằng những email vô cảm thông báo tình hình, mà điều duy nhất dường như còn kết nối họ với nhau đó chính là Tiểu Ái –  người mà hơn 20 năm qua bị tàn phá bởi một vụ đầu độc, và liệu cái chết của Tiểu Ái có chấm dứt luôn cái nối kết vốn dĩ rất mong manh của họ, và vụ đầu độc năm xưa vốn dĩ vẫn luôn ám ảnh những người trong cuộc, liệu giờ đây có lời giải đáp?

Quay lại vào năm 1989, khi sự kiện Thiên An Môn vừa diễn ra, Tiểu Ái – 22 tuổi, một thanh niên sôi nổi dĩ nhiên không đứng ngoài cuộc, và hình phạt dành cho cô là cái án treo lơ lửng bị đình chỉ học, không biết khi nào sẽ được phán quyết. Như Ngọc – 15 tuổi, một cô gái mồ côi được nuôi dưỡng bởi hai người dì không có quan hệ máu mủ dường như đã khiến cô trở nên vô cảm quá sớm với cuộc đời và được gửi vào nhà của Tiểu Ái ở Bắc Kinh để tiếp tục việc học, Bá Dương và Mạc Lan khi đó là những cô cậu bé háo hức trước sự kỳ lạ của người bạn dường như miễn  nhiễm với những cảm xúc, trở nên quyến luyến với Như Ngọc – bởi sự tò mò nhiều hơn là tình yêu. Bốn con người ấy, sống trong một thời đại mà đối với họ thế giới còn quá nhiều hỗn độn và bí ẩn, mỗi người chọn một cách khác nhau để chống chọi lại nó và thật ra, họ cũng chỉ là những đứa trẻ, nên việc họ làm tổn thương nhau dường như là điều không thể tránh khỏi.

Đan xen với những chuyện kể quá khứ, câu chuyện của Bá Dương, Như Ngọc, Mạc Lan thời hiện tại bắt đầu lật mở, và ta thấy họ hiện lên là những con người tuổi trung niên rệu rã, cô độc và buồn bã. Cái quá khứ có khả năng ám ảnh và chia cắt con người ta với tương lai nhiều như thế nào. Họ không sống trong dĩ vãng mà họ muốn quá khứ không tiếp tục sống nữa nhưng họ càng tìm kiếm sự khuây khoả lại càng bị bủa vây bởi nỗi cô đơn. Như người bạn Celia – mà cũng không thật sự là bạn, Như Ngọc không xem bất cứ ai vào thời điểm này là bạn – đã nói với cô rằng cô không hề có một cuộc sống, và đáng buồn thay, điều đó không mảy may làm cô buồn phiền mà bình thản đáp lại: “Tôi luôn không là ai cả, không là cái gì cả.. Hoặc như Mạc Lan đã bật khóc khi nghe một người bạn đồng nghiệp huýt sáo bài “Country road, Take me home” khiến cô nhớ về Bá Dương và những điều mà cô đã không thể nào có được nữa nơi đất khách quê người. Không chỉ Tiểu Ái – người trực tiếp uống thuốc độc và sống le lói 20 năm trí tuệ suy kiệt, thể chất rã rời, mà cả Bá Dương, Mạc Lan và Như Ngọc đều là nạn nhân của vụ đầu độc đó, và dù không trực tiếp uống, nhưng chất độc bằng cách nào đó đã len lỏi vào trong tâm hồn họ, khiến họ chia cắt nhau và với cả thế giới và khiến họ dù không phải là những người độc ác, nhưng trở nên cay đắng,: “Mọi người trẻ đều bắt đầu với những giấc mơ tinh khôi, nhưng có bao nhiêu người có thể giữ được khả năng mơ mộng ấy? Bao nhiêu người có thể kìm giữ mình khỏi biến mình thành kẻ phá hoại những giấc mơ tinh khôi khác? Tất cả chúng ta đều là những kẻ cai ngục và đao phủ đang nằm im chờ thời cơ; những gì đã bị tước đoạt khỏi chúng ta, những gì đã bị giết chết trong chúng ta, chúng ta chờ đợi đến lượt mình phục thù.”

Với một lối viết tinh tế và sâu sắc, Yiyun Li có lẽ sẽ khiến ta ngạc nhiên khi biết rằng chỉ vài năm trước, cô là một người nhập cư không biết tiếng Anh và phải tự học cũng như tham gia những khoá dành cho những người nhập cư, nhưng dường như điều này cũng là một lợi thế cho cô, khi cô có câu chuyện và sự thấu cảm của mình dành cho các nhân vật – ít nhiều cũng là những người nhập cư như cô. “Chốn cô độc của linh hồn” là một cuốn sách buồn bã nhưng không bi lụy, và nếu ai đó muốn đọc một câu chuyện đậm tính chính trị về sự kiện Thiên An Môn chắc chắn sẽ thất vọng, cuốn sách dành cho ai muốn tìm kiếm một câu chuyện xuất sắc về những mâu thuẫn trong cuộc đời con người và cách người ta xây dựng một ốc đảo đóng chặt với thế giới qua lối viết đẹp đẽ, say đắm của Yiyun Li. Bởi vì đến tận cuối cùng ai là nhân vật may mắn hạnh phúc và đáng trách hơn cả, điều đó thật không dễ dàng để trả lời. Và điều gì dịu dàng hơn nỗi cô đơn (như tựa gốc của cuốn sách) phải chăng đó là sự lãng quên và tha thứ, hay là cái gì khác nữa mà mỗi người chúng ta sẽ tự tìm thấy câu trả lời thông qua cuốn sách này?

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.