Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà (Haruki Murakami)

Có những tác giả lôi cuốn ta bằng những quan điểm rất rõ ràng, lối suy nghĩ sắc bén thiên về tính triết lí. Lại có những tác giả hấp dẫn ta bằng cách rót tràn vào trái tim những dòng chảy vô tận của cảm xúc tẽ thành nhiều hướng không xác định mà mỗi lần đọc, ta lại tìm thấy một lối khác vào ngóc ngách sâu kín trong tâm hồn con người. Murakami là một nhà văn rất giỏi đem lại cho tác phẩm của mình một cảm giác, một bầu không khí đặc trưng được ngưng tụ bằng văn phong độc đáo trộn lẫn hiện thực và giấc mơ, các ám chỉ và ẩn dụ. Trong tập truyện Những người đàn ông không có đàn bà, ta được trải nghiệm các trạng thái tinh thần đầy phức tạp của con người hiện đại qua văn phong miêu tả đầy tinh tế, giàu xúc cảm của ông.

Tập truyện gồm 7 truyện ngắn với lối viết giản dị, bình tĩnh đi theo một nhịp điệu rất chậm. Các ẩn dụ xuất hiện nhỏ giọt, không quá dày đặc như trong tiểu thuyết nhưng vừa đủ thấm vào một truyện có dung lượng vừa phải. Sự tiết chế trong cách kể, cách biểu đạt xuất thần giàu tính biểu tượng khiến khi khép lại tác phẩm của Murakami, ta có thể không hiểu được nhiều nhặn, nhưng nó khiến ta an tâm bởi cảm giác vẫn còn lưu trữ rất lâu sau đó như chất ẩm thấm vào tường để lại vết ố ăn sâu theo thời gian. Để lần nữa đọc lại, ta nhận ra mình hiểu nhiều hơn, nhưng không cắt nghĩa được, chỉ là nắm bắt được một trạng thái tinh thần nào đó. Những con người trong truyện vừa bình thường lại vừa bất thường hay đúng hơn là sự bất thường bị gây ra bởi những chấn thương tinh thần, kí ức sâu xa, lối suy nghĩ dị biệt được lặn vào sâu hình hài những con người nhỏ bé, điềm tĩnh sống một cuộc đời bình thường, tẻ nhạt. Dẫu mỗi truyện mỗi khác nhưng họ đều ám ảnh về sự xa lạ của bản thân trước chính mình và một thế giới bất toàn, bất khả thấu hiểu.

Các nhân vật luôn cố hóa thân vào các vai khác nhau bởi dường như họ cảm thấy cái vỏ hiện tại lệch khớp hoặc không vừa vặn với cái họ thật sự là: Kafuku trong Drive my car tìm kiếm mình trong các vai diễn, Scheherazade trong truyện ngắn cùng tên khăng khăng kiếp trước của mình là cá mút đá, Kitaru trong Yesterday muốn trở thành người khác bằng cách nói chuẩn tiếng Kansai dù là người Tokyo hay nhân vật tôi một sáng thức dậy và được thì thầm vào tai rằng: “Tên của nhà ngươi là Gregor Samsa”. Họ đều là những con người loay hoay tự hỏi mình là gì như nhân vật Tokai tự dằn vặt trước những ngày cuối đời không lâu: “…giả sử tôi bị ném xuống trái đất như một cá thể trần trụi không một lời giải thích, lúc đó tôi sẽ là gì đây”. Trong Samsa đang yêu, Haruki đã có một phép đảo ngược gây kinh ngạc, nếu ở Hóa thân là cảm giác từ người chuyển thành bọ thì cảm giác ngược lại, từ cái gì đó trở thành con người cũng là điều đáng sợ tương tự. Là bọ, người, cá hay bông hướng dương, mọi cuộc hóa thân đều trở nên kinh hãi bởi ta không còn là chính mình và bị quẳng vào thế giới xa lạ, đầy cô độc. Samsa đã học làm người theo đúng nghĩa đen, có ý muốn tìm kiếm bản nguyên trong vòng tuần hoàn hóa thân, “về nguồn gốc thế giới. Về cô. Về tôi”.

Các nhân vật trong tập truyện này đều có một cuộc đời tưởng như bằng phẳng, êm ả, thế nhưng một sự kiện kì lạ bỗng khiến con đường thẳng băng gãy khúc và sụp xuống thành một hố sâu, một vực thẳm. Cả cuộc đời họ dùng để chất vấn ý nghĩa sự đường đột đó. Kafuku hay Kino không bao giờ hiểu được tại sao người vợ của mình lại ngủ cùng người đàn ông khác. Scheherazade không tài nào lí giải nổi chứng bệnh lẻn vào nhà người khác năm 17 tuổi hay nhân vật truyện ngắn cuối cùng không hiểu nổi cái chết của cô người yêu cũ. Đặc biệt là nhân vật Tokai, chết đi vì bệnh tương tư theo đúng nghĩa đen dù tin cuộc đời mình sống “chuyên nghiệp đến mức kinh ngạc”. Không thể cắt nghĩa mọi thứ, họ chịu đựng và chỉ biết xem sự bất thường của mọi thứ là chứng bệnh: “Việc bố tôi ruồng rẫy mẹ con tôi, việc mẹ tôi làm tổn thương tôi đến cùng, tất cả đều là do bệnh hết. Có nghĩ cũng vô ích. Chúng ta chỉ còn cách cố gắng sống, chấp nhận và tiếp tục sống”. Nhưng rồi họ nhận ra chí ít họ phải đối mặt với chính mình bởi “vì không muốn đón nhận đau đớn, gã tránh đối diện với sự thật, kết quả là mãi mang một tâm hồn trống rỗng, không giá trị” và Kafuku đã chấp nhận rằng “nhìn thấu trái tim người khác là điều không thể. Đòi hỏi này chỉ khiến bản thân đau khổ mà thôi”“điều chúng ta phải làm chẳng phải là thu xếp một cách ổn thỏa và thành thật với chính trái tim mình hay sao”.

Tập truyện ngắn đã chắp ghép nên hình ảnh tâm hồn con người như những khối hình đa góc cạnh, đa sắc màu. Mỗi chúng ta chắc chắn đều có một mạch nguồn sâu kín của nỗi đau chảy tự bên trong. Đến lúc nào đó thay vì chống cự, ta học cách chấp nhận nhiều hơn, dẫu với nhiều day dứt. Nhưng khi lật giở những trang sách, chúng khơi dậy nỗi đau để nó mở mắt và kể câu chuyện chính mình. Haruki đã để những con người bình thường được kể về chính họ cho chúng ta nghe và có lẽ, ta soi thấy mình đâu đó trong mảnh vỡ trái tim họ.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.