Gặp lại Andersen ở Munich (Chi Mai)

Khi tìm ra ở Munich có một tiệm sách cũ tiếng Anh, tôi muốn đến đó liền. Thật kỳ cục là từ khi sang Đức, tôi lại thấy khó tìm ra một tiệm sách cũ tiếng Anh hơn ở một thành phố châu Á nhiều. Tiệm sách mới thì nhiều và tiệm sách cũ bằng tiếng Đức cũng nhiều (có lần tôi mua được quyển Khải Hoàn Môn bản tiếng Đức của Erich Maria Remarque giá 1 euro ở một hiệu sách cũ bé tẹo ở Köln.)

Tôi đồ là, muốn có một hiệu sách cũ tiếng Anh, phải có một cộng đồng nói tiếng Anh, hoặc khách du lịch, để trong số đó sẽ có một vài người đủ mọt để làm khách hàng cho tiệm sách cũ. Tiệm sách cũ ở Bangkok rất nhiều, thượng vàng hạ cám vì lẽ này. Nhưng những nơi đông khách du lịch khác, dù là một thành phố nhỏ, cũng có tiệm sách cũ ra trò, nếu khách du lịch thường lui tới là…ngưòi trung niên đến già, như Chiang Mai (nhiều người già đến nghỉ hưu ở đây), Pennang, cả Pattaya (vì công nghiệp sex tại đây). Munich, dù chỉ có 1.5 triệu dân, nhưng có lẽ đủ quốc tế để có một tiệm sách cũ ra trò: The Munich Reaadery.

Một người bạn cũng ghiền sách cũ từng chỉ tôi, cái hay của tiệm sách cũ là mình không biết sẽ tìm thấy gì ở đó. Sách luân chuyển liên tục nếu có một lượng khách hàng đủ lớn. Những khách mới mang sách đến bán. Nhiều sách vừa xuất bản nhưng nhiều sách không còn trên kệ bestseller của tiệm sách mới. Bởi vậy, những gì tìm thấy ở tiệm sách cũ thường có chút gì đó là duyên. Mình chẳng biết sẽ tìm thấy gì.

Điều này tôi không hình dung rõ thành lời như thế, nhưng hẳn đã cảm nhận được từ bé, khi thường xuyên mê mẩn lui đến hiệu sách cũ, mặc dù vẫn trung thành lọc cọc đi xe đến nhà sách Phú Thọ gần nhà, trung tâm phát hành sách của Phương Nam, hẳn là một trong những nhà sách lớn nhất SG thời 15-20 năm về trước. Tôi tìm thấy những câu chuyện nằm mãi trong mình về sau ở sách cũ: Ngàn cánh hạc của Kawabata Yasunari (e hèm, mặc dù không hợp tuổi lắm khi tôi đọc truyện này ở tuổi 13), Chuyện núi đồi và thảo nguyên của Aimatov, Những phụ nữ nhỏ bé của Louisa May Alcott, Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán, Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, rồi Thơ thơ- Gửi hương cho gió của Xuân Diệu… Nhiều quyển của tác giả tôi mến mộ Paul Auster cũng đã được tôi mua tại những hiệu sách cũ tù mù và lộn xộn ở khu Khaosan, Bangkok. Chuyến đi bụi 1 tháng đầu tiên của tôi tuổi 22, qua Cam- Thai – Lao rồi vòng về VN, những chặng đường hoàn toàn một mình, có sự an ủi của câu chuyện Paul Auster qua cảm giác cô độc ở Chiang Rai và Vientiane.

Nhưng thật lan man, vì tôi muốn kể về Andersen, trong một tình cờ gặp lại ở hiệu sách cũ tại Munich. Một duyên may đưa đẩy nào đó đã cho tôi đọc lại Nàng tiên cá, một câu chuyện cũ thật cũ.

Lần đầu tiên đọc Nàng tiên cá, nguyên bản câu chuyện của Andersen, chứ không phải bản của Walt Disney, tôi đã khóc nức nở. Năm đó tôi 10 tuổi, và câu chuyện như một sự phản bội lại lòng tin vào điều tốt, sự nhân hậu, lương thiện và tình yêu mà những câu chuyện cổ tích khác đã kể cho trẻ em.

Nàng tiên cá, đã cứu mạng hoàng tử khỏi chết chìm trong cơn bão, một lòng yêu chàng đến nỗi đã từ bỏ cả gia đình, cha mẹ, chị em và cuộc sống 300 năm dưới đáy đại dương tuyệt đẹp nơi nàng là công chúa út được yêu chiều, từ bỏ luôn cả giọng hát hay nhất đại dương, từ bỏ chiếc đuôi cá. Đổi lại, hoàng tử chỉ một mực xem nàng như cô em gái câm hiền lành có điệu nhảy yểu điệu (mà để có được, mỗi bước nhảy là mũi dao rướm máu gót nàng). Hoàng tử đem lòng yêu cô gái khác, đám cưới sẽ là kết thúc cuộc đời nàng. Nàng tiên cá có một lựa chọn thứ hai, lựa chọn tàn nhẫn: hãy cầm lưỡi dao thần mà các chị nàng trao đâm vào trái tim hoàng tử, máu từ tim chàng nhỏ xuống chân nàng sẽ cho nàng lại chiếc đuôi cá để trở về đại dương. Nàng cầm lưỡi dao, hôn lên vầng trán chàng, quăng lưỡi dao rồi gieo mình xuống biển.

Câu chuyện, ngày ấy, khi tôi 10 tuổi, đọc truyện trong sân trường vắng buổi trực, kinh hoàng và bất công, như một báo hiệu cho một thế giới sẽ trở nên tàn nhẫn của tuổi trưởng thành. Lòng tốt và tình yêu không bảo đảm cho hạnh phúc.

Nhưng lần này, khi đọc lại câu chuyện 18 năm sau, tôi thấy thay vì sự tàn nhẫn, là tình yêu. Tôi đã thấy rằng, điều mà nàng tiên cá tưởng là tình yêu ban đầu chỉ là sự say mê. Khi ngắm hoàng tử khao khát từ xa, chàng thật đẹp, giữa cuộc vui trên thuyền mà nàng muốn dự phần, nàng tiên cá khao khát một thế giới xa lạ của loài người. Và nàng ban đầu, muốn có được tình yêu của chàng, một tình yêu phải mãnh liệt hơn cả tình yêu chàng dành cho cha mẹ, vì khi chàng cầm tay nàng trên giáo đường, chàng sẽ cho nàng một linh hồn bất tử, mà nàng khao khát. Nàng muốn có linh hồn bất tử đó, nàng muốn có cuộc sống của một con người, và hoàng tử là đối tượng, để thông qua đó nàng hướng sự khao khát vào (object of desire). Đó không phải tình yêu.

Tình yêu của nàng tiên cá, chỉ được thể hiện rõ nhất qua lựa chọn cuối cùng của nàng. Giữa cái tôi vị kỷ – giết hoàng tử để được sống tiếp- và người yêu thương – để chàng được hạnh phúc sống tiếp cùng vị hôn thê nàng yêu, nàng đã chọn buông dao. Đó là tình yêu.

Andersen đã chỉ dấu rằng đó là tình yêu qua kết thúc: nàng hóa thành hơi nước, gieo điều thiện cho thế gian, đủ 300 năm nàng sẽ có một linh hồn vĩnh cửu. Câu chuyện có thể không có hậu, nhưng lấp lánh tình yêu và sự lương thiện, trong lựa chọn, vượt trên sự vị kỷ, khi nó khoác lên mình những chiếc áo đẹp khác. Tôi rất vui với lần gặp lại này với nàng tiên cá của Andersen. Không có gì sướng hơn đọc lại những câu chuyện cũ, khi bóc tách những lớp nghĩa mới bằng trải nghiệm mới.

Thật kỳ cục là ban đầu tôi định viết cho Munich một cái gì đó về sự giàu có và chủ nghĩa phát xít đã trỗi dậy từ Munich sau thế chiến thứ nhất thế nào. Nhưng cuối cùng tôi lại viết về sách và nàng tiên cá. Chắc là sau những rợn người trước cái ác tại Dachau, tôi cần một chút thăng bằng từ cái đẹp và tình yêu, nên câu chuyện về chủ nghĩa dân tộc tại Đức phải tạm chờ vậy.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.