“Tôi nói về cái chết, như nói về tình yêu, về khát khao, về nỗi sợ tồn tại trên đời, về hạnh phúc được khám phá Người Khác, được đắm chìm trong sách vở, được tự tạo cho mình cả một thế giới thông qua văn chương, vốn cũng dạy ta khả năng chịu đựng và mang lại cho ta mong muốn không ngừng tự đặt ra các thách thức” (Trích bài viết “Linda Lê – Đọc, viết và lắng nghe thế giới” trên vietinfo.eu). Trong Vượt sóng, Linda Lê tiếp tục viết về cái chết – cái chết của một nhà văn tài năng nhưng không thành công, cuộc đời anh như một mối tơ vò, phức tạp và khác thường, thôi thúc người đọc khám phá.
Antoine Sorel (tên thật là Antoine Tran) sinh ra và lớn lên tại La Havre, Pháp. Được sinh ra trong một gia đình lao động nghèo, ông nội là lính thợ Việt Nam, bị cưỡng ép sang Pháp lao động trong Thế chiến thứ hai, bố là một người giao thư, từ nhỏ được chuyển đến sống với ông bà ngoại, vì cái nghèo, cái khổ đã từng trải qua, cũng như những ngôn từ được ông bà rót vào tai về một người cha nghèo, không lo nỗi cho con, kẻ phản quốc phục vụ cho Pháp, mà nỗi uất hờn luôn theo ông đến cuối đời, kể cả khi cha ông nhắm mắt ra đi. Bởi cái sự nghèo khổ đeo bám đó, Martin Tran (bố của Sorel) là một người rất cực đoan và thực dụng, đối với ông, sống trong cái xã hội này chỉ cần có tiền là đủ và văn chương là những gì rất phù phiếm, những người làm văn chương là kẻ điên khùng.
Sorel đặc biệt hơn hai người em của mình, từ nhỏ ông đã muốn được tách ra khỏi ngôi nhà ngột ngạt đó. Khi bước qua tuổi 18, ông trốn nhà đi và bắt đầu cuộc sống của riêng mình. Ông làm mọi công việc để có thể có tiền, đến tối ông đọc sách và viết văn. Cuộc đời thật sự của ông bắt đầu từ đây, tạo ra những sản phẩm của riêng mình, mà mỗi nhân vật tái hiện một người thật trong cuộc sống của chính ông. Khi những nét phác thảo ban đầu đã hoàn thành, những chi tiết của cuộc đời ông dần dần hé lộ: một Sorel rất khác người, khó hiểu, một người xa lạ và đi ngược thời thế, xa lạ với những người yêu ông, và những người ông yêu, ông chứa đựng quá nhiều điều bí ẩn, những nét khuất tâm hồn mà không ai có thể hiểu hết được.
Câu chuyện bắt đầu khi một phóng viên, người tình cờ đọc được một cuốn tiểu thuyết của Sorel, và ngạc nhiên trước sự vĩ đại của nó, cũng chính giây phút anh tìm đến Sorel để tỏ lòng thành kính của mình, nhà văn đã nhảy lầu tự tử, chấm dứt cuộc đời của chính mình. Mối nhân duyên với một văn sĩ tài năng nhưng không nổi tiếng chưa bắt đầu bỗng kết thúc đã không ngừng thôi thúc người phóng viên viết một cuốn sách về Sorel. Qua lời kể của người phóng viên, người đọc được dẫn dắt đến những cuộc đối thoại về một người đã ra đi, ở đó có nỗi nhớ, sự trách móc, tình yêu và sự hối hận.
Điếu văn về một người cô độc nhờ đó được truyền tải đến đọc giả. Đó là một hành trình dài, mà mỗi câu chuyện là một nét vẽ, phác hoạ càng rõ nét về người văn sĩ đặc biệt này. Sự oán hờn, thương hại của người vợ trẻ tha thiết được yêu thương, nhưng không được đáp lại, sau ba năm chung sống, cô quyết định rời xa anh – người làm cô “lạc lối trong những nuối tiếc vô vọng”. Sự yêu thương của người em trai – Jean Tran với anh của mình, tôn trọng sự nghiệp văn chương mà anh trai đang theo đuổi, dù đôi lúc đọc những cuốn sách của Sorel, anh thật sự không hiểu anh mình đang viết gì. Hay sự căm ghét của người bố đối với đứa con “trái nết” luôn làm theo ý mình, “theo Martin Trần, những cuốn sách của anh chỉ là những lời nói vẩn vơ của một người điên. Việc tác giả của những cuốn sách đó tự tử sẽ càng làm cho ông nghĩ rằng chúng là những thứ vớ vẩn. … , nếu như Antoine đã có thể sống sung sướng với những cuốn tiểu thuyết ấy, hẳn ông đã nhìn đứa con yêu văn chương bằng một con mắt khác, nhưng không, niềm đam mê đó đã đẩy anh lao xuống vực thẳm, và sau khi sống trong nghèo khổ, anh chỉ còn cách lao qua cửa sổ”. Đến lời kể từ những người bạn của ông, họ không mấy ngạc nhiên khi Sorel lại trở thành một nhà văn viết về những nỗi buồn và hiện thực cuộc đời, họ hiểu và trân trọng những cuốn sách cũng như người bạn của mình – người được đặt biệt danh “Kỵ sĩ với gương mặt buồn”. Nhưng trên hết, người mà Sorel yêu thương nhất vẫn luôn là cô giáo Judith. Sự cách biệt về tuổi tác dường như không là rào cản lớn đối với anh, anh yêu cô giáo dạy nhạc của mình bởi tâm hồn của họ đồng điệu với nhau, và nhiều hơn nữa, cô giáo không yêu cầu anh phải làm gì, phải yêu thương chỉ một mình cô hay phải có con, họ chỉ cần được bên nhau cùng với văn chương để sống trọn vẹn từng giây phút. Judith cũng như bao người tình khác của anh, họ hối hận, nếu họ ở bên anh lâu hơn, lắng nghe và chia sẻ cùng anh nhiều hơn, chắc Sorel đã không tuyệt vọng, đi đến bước đường cùng là gieo mình vào hư vô như vậy.
Sau nhiều đoạn đối thoại giàu cảm xúc, người phóng viên cũng đã hoàn thành công việc của mình, việc của anh giờ đây là phải viết, phải viết thật đúng để chân dung người nghệ sĩ mà anh yêu quý được sống lại, bởi đối với anh, như câu của Blaise Cendrards trong Người bị quật ngã: “ Vì viết là thiêu sống, nhưng cũng sẽ hồi sinh từ nắm tro tàn.”