Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương (Haruki Murakami) – Phác Họa Cái Không Và Sự Mất Mát

Vẫn chuyên chú khám phá sự sâu thẳm của bản ngã, qua mỗi tác phẩm Murakami lại xây thêm những bậc thang đổ dốc vào tâm hồn con người bằng những tảng chữ đầy sức nặng của lối diễn đạt giàu cảm xúc và hình tượng. Trong quyển tiểu thuyết Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương, Haruki Murakami đã tìm được một lối diễn đạt mới về sự trống rỗng của cá thể và sự chiếm hữu của mất mát.

Như những chiếc lá nhỏ bé nhẹ nhàng lay động trên cây cổ thụ rậm rạp mà sự sống trú ngụ khi làn gió thời gian phơn phớt lướt qua, những nhân vật của Murakami thường sở hữu một vẻ ngoài tĩnh lặng đến bất thường giống như sự dịu êm của bầu trời trước khi cơn bão đến. Bão nổi, những chiếc lá phiêu bạt, xa lìa khỏi cội nguồn của sự sống và những gì tha thiết nhất. Sau đó còn sót lại trên mặt đất là vài chiếc lá lặng thầm thay màu giống với cái cơ chế của những kẻ bạc đầu chỉ sau một đêm và có những chiếc lá vĩnh viễn biến mất như bị hút vào một hố đen bí ẩn. Tazaki Tsukuru là một trong những chiếc lá còn sót lại sau cơn chấn động, tìm cách hành hương vào vùng đất thời niên thiếu để tìm kiếm những sắc màu đã đánh mất của một kẻ vốn không màu.

Tazaki Tsukuru cùng bộ tứ gồm Akamatsu Kei, Oumi Yoshio, Shirane Yuzuki, Kurono Eri đã tạo nên một cộng đồng hòa hợp tuyệt đối giống như năm ngón tay trên một bàn tay. Điều duy nhất làm Tazaki Tsukuru cảm thấy lạc lõng chính là tên cậu chẳng hề có màu sắc trong khi bốn người đều có màu trong họ ( Aka – đỏ, O – xanh, Shira – Trắng, Kuro – đen). Trong khi Tazaki Tsukuru thì luôn là Tazaki Tsukuro, không nổi trội ở lĩnh vực nào, chỉ biết điều mình khao khát mãnh liệt chính là ga tàu và chính khao khát đó đã thôi thúc gã rời bỏ Nagoya để đến Tokyo và rồi một ngày nhận được sự đoạn tuyệt không lí do từ bốn người bạn. Đó chính là cơn bão đã làm thay đổi hoàn toàn con người Tazaki và vết thương này chẳng bao giờ ngưng rỉ máu.

Nhân vật Tazaki luôn đi tìm bản sắc của chính mình. Tazaki giống như một bức tranh chỉ được phác họa bởi những đường viền của thân thể mà không được tô màu từ bên trong. Tazaki đã luôn chất vấn sự tồn tại của một kẻ không màu sắc và cho rằng đó là căn nguyên của sự cô đơn, sự xa cách của kẻ khác dành cho gã: “Chắc chắn ở mình có thứ gì đó, một thứ mấu chốt, khiến người khác thất vọng. Tazaki Tsukuru thiếu màu sắc, gã bật lên thành tiếng. Rốt cuộc, mình chẳng có gì để cho người khác. Không, nếu nói vậy thì thậm chí ngay cả để cho mình cũng không có”. Nhưng cái “không” không phải là cái gì đối nghịch với cái “có”, mà nó là một phần của cái “có” giống như Haruki từng nói rằng: “Cái chết không phải là đối nghịch của sự sống, mà là một phần của sự sống”. Tazaki nhận ra vẻ ngoài của mình chỉ là vật đựng, sự cốt yếu thay đổi từ bên trong: “Chúng như một bầy những cái bóng trú ngụ trong cơ thể gã, và đẻ ra hàng lô hàng lốc những quả trứng bóng”. Những cái bóng của nỗi đau vô hình sinh sôi chính là lối diễn đạt tài tình sự hiện hữu của cái “không”. Có biết bao điều cốt yếu ở cuộc đời này ta không thể nhìn thấy mà chỉ có thể cảm nhận giống như trước cơn bão lớn, không phải màu xanh của bầu trời mà chỉ ở trực giác tương thông với sự vận hành riêng tư của vũ trụ mà nó phát lộ sự giận dữ trong hơi thở của gió.

Trong cuộc hành hương trở về để gặp Xanh, Đỏ và Đen để tìm kiếm lí do, Tazaki nhận ra rằng không ai biết lí do thực sự trong chuyện của Trắng. Vì những sợ hãi, đau đớn, trăn trở riêng tư mà họ đã từng chọn cách đoạn tuyệt với gã dù hết mực tin tưởng gã. Dường như chẳng có lí do khả dĩ nào cho mọi sự, không có logic lẫn phi logic, con người chỉ có thể chấp nhận, hòa giải và chung sống cùng nó. Ta không thể trốn tránh quá khứ vì “dù cậu đã khéo léo che giấu kí ức ở một nơi nào đó, dù cậu đã nhấn nó chìm nghỉm xuống đáy sâu, nhưng cậu không thể xóa bỏ được lịch sử nó tạo ra”. Sự ra đi của Trắng, sự thay đổi ở Xanh, Đỏ, Đen với những khía cạnh mà Tazaki không thể nhận ra như một lời đáp trả cay đắng của thời gian. Nhưng trong những lời tâm tình ngược về quá khứ đã hé lộ cái bản nguyên sâu thẳm con người họ giống như kho báu được giấu dưới đại dương của một thành phố tuổi thơ đã sụp đổ. Những con sóng vỗ cuốn phăng mọi thứ, ta chỉ có thể miệt mài tìm kiếm những trầm tích của kí ức như khảo cổ sự hiện tồn của cái đẹp đã mất.

Tiểu thuyết gia nào cũng suy tư về cái tôi thế nhưng diễn đạt cái tôi bằng những hình tượng lạ thường đầy trực giác, giàu sức gợi thì không phải ai cũng làm được. Haruki Murakami là một người kể chuyện biết dẫn dắt suy tư theo con đường mãnh liệt của xúc cảm để mỗi người đọc tự tìm thấy ý nghĩa giao cắt với sự liên tưởng vô tận trong tiểu thuyết của ông những giấc mơ riêng tư của mình.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.