Hồn Hồ Ly (Trần Nhựt Thanh Vân) – Một Hoài Phố Ma Mị và Hỗn Loạn

Mỗi năm vào dịp lễ Vu Lan – ngày lễ của những vong hồn vất vưởng – cánh cửa giữa người sống và người chết được mở ra, và những linh hồn lang thang được người thân của mình dâng lên những món ăn ngon lành nhất với hy vọng những tội lỗi của họ sẽ được tha thứ. Và Hoài Phố vào thế kỷ XVII trong ngày lễ xá tội vong nhân cũng tấp nập như thế, nhưng bữa tiệc ấy không chỉ đơn thuần là cuộc đại lễ của người chết, mà còn nhuốm phần kinh dị khi đó là bữa tiệc của một kẻ ăn thịt người, bốn bà lão đã mất tích và những phần còn lại của thân thể họ được gửi thẳng đến nha môn như một lời thách thức, cùng một lá thư của người tự gọi mình là Kẻ Sành Ăn.

“Hồn Hồ Ly” lấy bối cảnh Việt Nam vào thế kỷ XVII, thời Trịnh – Nguyễn phân tranh và chọn một vùng đất lúc bấy giờ đang là một cảng tấp nập nơi giao thoa văn hóa giữa các vùng khắp nơi trên thế giới: Hoài Phố. Cuốn sách như một tấm vé đưa độc giả quay lại thời kỳ nhiều biến động trong lịch sử đất nước, khi Tân – một vị quan của đàng ngoài – thờ phụng và hết mực trung thành với vua Lê, chúa Trịnh lại vô tình vướng phải một vụ án ở nơi nhà Nguyễn cai trị, mà anh phải tìm cách minh oan cho người bạn thân của mình khi mà luật pháp ở nơi đây chỉ như một trò đùa, những cái chết và các vụ mất tích không mảy may khiến nhà cầm quyền xao động, nhũng vụ án không hề được xét xử mà tùy nghi chọn một kẻ để kết tội. Câu chuyện của Tân ở Hoài Phố không chỉ giải mã bí ẩn của những cái chết mà còn là chuyến hành trình vào một xã hội phong kiến mục rỗng và đang trên đà đổ vỡ.

Dù đã rời Việt Nam từ năm 6 tuổi và viết bằng tiếng Pháp, Hoài Phố dưới ngòi bút của Trần Nhựt Thanh Vân vẫn hiện lên sống động và gần gũi với những hình ảnh đặc trưng: những ngôi nhà cổ nghiêng mình bên dòng sông Hoài, những chiếc đèn lồng lung linh trong đêm, hay cây cầu Nhật Bản đã trở thành biểu tượng của thành phố nhỏ này. Nhưng trái với sự êm đềm và tấp nập du khách hiện tại, Hoài Phố trong cuốn sách có nét gì đó không chỉ nguyên sơ, ma mị, đầy bí ẩn và những câu hỏi không lời đáp, mà còn là sự hỗn loạn khi người Hoa, Ấn Độ, Miến Điện, Nhật Bản đều tập trung ở đây, chọn nơi này để trao đổi buôn bán: những người thủy thủ, những kẻ cướp đường, những cô gái bán hoa…

Nhân vật trung tâm trong cuốn sách – Tân – đại diện cho những gì truyền thống của tầng lớp  nho sĩ, tôn thờ những triết lý của đạo Khổng – trung thành với vua, tin vào gia đình là một thành phần quan trọng của xã hội, anh có những quan điểm gần như không thể lay chuyển khi anh gọi những người vô tính là: “những cành cây chết khô vẫn bị xã hội Khổng giáo tốt đẹp dè chừng, những người để mặt tổ tiên họ lang thang nơi cõi âm, bị quên lãng và bỏ đói bỏ khát như những kẻ dân quê khốn cùng nhất.” Trái ngược với Tân – Định, người bạn thân của anh – thì lại không tin vào triết lý của đạo Khổng, anh cho rằng con người là một sinh thể tự do không nên bị kềm kẹp bởi những quy tắc lỗi thời. Sự xung đột của Tân và Định phải chăng cũng là sự xung đột chung của tầng lớp nho sĩ lúc bấy giờ khi những ảnh hưởng của các nền văn hóa khác đang du nhập vào Việt Nam một cách mạnh mẽ: theo đạo Khổng hay theo những điều cấp tiến Tây Phương, theo Lê – Trịnh hay theo Nguyễn, tiếp tục dùi mài kinh sử để đỗ đạt hay ra thao trường chiến đấu… Xã hội nơi Tân và Định sống, đang có những bước chuyển giao và thay đổi, và đi cùng với nó, dĩ nhiên là sự hỗn loạn, những giá trị truyền thống bị lung lay, đạo Phật bị lép vế bởi những nhà truyền giáo phương Tây, con người ta bấp chấp thủ đoạn để kiếm tiền khi những người ngoại quốc sẵn sàng trả giá cao đủ để khiến họ mờ mắt mà phạm pháp.

Với những tình tiết đắt giá, đầy những bí ẩn và giai thoại như một câu chuyện huyền bí của những người Việt hay kể cho nhau nghe, cuốn sách mang lại một không khí mê hoặc nhưng vẫn có nét gì buồn bã. Bởi đến cuối cuốn sách, Tân và cả người đọc nhận ra rằng, chẳng có quy tắc nào có thể áp dụng cho tất cả mọi người, như câu chuyện bi thương mà Tân lật mở lúc cuối cùng, và liệu anh có bị lung lay bởi những quy tắc của mình, liệu Khổng Giáo có phải là tư tưởng chung mà ai cũng phải noi theo? Viết về một đất nước vào thời kỳ đầy biến động nhưng vẫn mang hơi thở hiện đại và đưa ra những vấn đề, câu hỏi không có chút nào lỗi thời, “Hồn Hồ Ly” là một chuyến phiêu lưu thật sự khó quên.

One Reply to “Hồn Hồ Ly (Trần Nhựt Thanh Vân) – Một Hoài Phố Ma Mị và Hỗn Loạn”

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.