Được xuất bản khi Huguenin chỉ mới 24 tuổi, cuốn tiểu thuyết như một thiên thạch độc đáo đi qua bầu trời văn học Pháp và vẫn để lại dư chấn đến tận ngày nay – đây cũng là cuốn tiểu thuyết duy nhất của Huguenin, nhà văn đoản mệnh đã ra đi trong một tai nạn xe hơi khi mới 26 tuổi, và ta tự hỏi, nếu không phải ra đi khi còn rất trẻ như vậy, Huguenin còn có thể viết gì? Bởi “Bãi Hoang” quá đẹp và buồn bã, như một phần tuổi trẻ hoang mang của ông đã được gửi gắm vào trong cuốn tiểu thuyết dịu dàng này.
Trong khung cảnh thanh bình ở Bretagne, Oliver trở về sau khi hoàn thànhnghĩa vụ quân sự, về với ngôi nhà cũ nơi anh dành trọn mùa hè nơi đây, để gặp lại người mẹ góa bụa, người chị, cùng đứa em gái – Anne – đã đính hôn cùng Pierre, người bạn thân nhất của anh. Mặt trời và sương mù, bơi lội và tản bộ dưới ánh trăng, biển và rừng, trong cái khung cảnh ngọt ngào, êm đềm đó là sự tương phản giữa thiêu đốt đang diễn ra trong sâu kín tâm hồn họ, khi không ai trong họ có được sự êm đềm. Nắm bắt được nỗi u hoài ẩn sâu dưới một mùa hè rực rỡ chừng ấy, cuốn sách khiến ta mơ màng về những điều đã mất hoặc sẽ mất đi, những dự cảm mơ hồ về nỗi buồn của những điều không thể có. Bên cạnh ánh nắng rực rỡ chói chang của mùa hè là sự tàn phá, hủy hoại của bóng đêm dày đặc, bên cạnh tình cảm dịu dàng trìu mến phải chăng là những khát khao cháy bỏng? Tinh tế diễn tả những xung đột nội tâm của nhân vật, với lối viết đẹp và giàu chất thơ, Jean – René Huguenin hẳn sẽ làm mê hoặc người đọc bởi sự u sầu nhưng cũng đầy gợi cảm trong cuốn sách.
Tất cả những tình cảm trong “Bãi Hoang” đều có gì đó mơ hồ, không rõ ràng, như có một lớp sương mù che phủ, ta hiểu được tình cảm nồng nàn của Oliver dành cho người em gái, nhưng liệu có gì đó vượt ranh giới trong tình cảm này, ta hiểu được sự chán ghét của Oliver và người chị dành cho nhau, nhưng đâu đó vẫn có tình thương mến giữa những người cùng huyết thống, ta biết người chị của Oliver không thích cha mình, nhưng liệu đó có phải bởi vì tình yêu quá mức gây nên, rõ ràng rằng Anne sẽ cưới Pierre nhưng liệu cô có thật sự yêu anh. Tất cả những câu hỏi ấy chẳng bao giờ có một câu trả lời thỏa đáng, ta mong chờ một chi tiết, một tín hiệu mà tác giả để lại giúp ta thoát khỏi sự mơ hồ trong tâm trí, nhưng dường như ông đã xóa dấu vết rất kỹ, để lại một nỗi hoang mang buồn bã trong tâm trạng ta đến tận những trang cuối cùng.
Cái chết là một thứ được lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong cuốn tiểu thuyết, có lẽ, cũng như mọi người trẻ khác Huguenin bị cái chết ám ảnh, và dĩ nhiên các nhân vật trong cuốn sách của ông cũng mang trong mình nỗi ám ảnh đó: “tao sẽ chết như vậy, không vì một cớ nào. Tao sẽ nguội lạnh đi một cách thật dịu dàng và tao sẽ chết mà không trông thấy chính mình.” Đặc biệt, khi ta đặt cuốn sách vào bối cảnh mà nó ra đời, chiến tranh thế giới thứ II vừa kết thúc, những dư âm của cuộc chiến vẫn còn chưa dứt, bao người đã ra đi trong chiến tranh (như cha của Oliver và Anne) và cái chết vẫn là một cái gì đó vừa gần gũi vừa xa lạ với họ. Họ nói về cái chết như một lẽ đương nhiên, rằng ai cũng phải chết nhưng dường như đó là một cách để họ phản kháng nó, khi họ – những người trẻ tuổi – đang mang trong mình khát khao sống giữa những ngày hè tươi đẹp trải dài trước mắt khi cái chết của một con ong trên cửa sổ cũng khiến họ xao động.
“Bãi Hoang” là một cuốn sách để ta đọc thật chậm rãi để nỗi u sầu và sự cô đơn của các nhân vật từ từ thấm vào ta. Gấp cuốn sách lại, ta cảm giác có gì đó mất mát và tiếc nuối trong tâm trí, như cái cảm giác những hạt cát ở trên da sau một chuyến dạo chơi ngoài biển, ta không thể chắc được nhưng cũng không thể xóa bỏ được cảm giác đó ra khỏi đầu, và liệu cái mất mát ấy đó chính là tuổi trẻ, lúc mà ta còn được thoải mái ngụp lặn trong nỗi buồn và sự cô đơn dữ dội nhưng dịu dàng của riêng mình.

“Thiên đường thì buồn”