“Tôi không muốn là một họa sĩ. Tôi sẽ trở thành một nhà văn.” – Orhan Pamuk đã kết thúc cuốn sách kể về thành phố nơi ông sinh ra và lớn lên cùng với những hồi ức về nó như thế, một quyết định sau những đêm dài lang thang trong đô thị đổ nát điêu tàn và những buổi chiều ngồi vẽ tranh trên căn gác mái, khi cuộc đời chưa biết trôi về đâu, và tương lai thì mờ mịt, cũng như bao chàng thanh niên ở độ tuổi ông khi ấy, phân vân không biết đâu là đam mê của mình, chơi vơi giữa những lựa chọn và đặc biệt, khi ông bị đè nặng bởi cái nỗi buồn và sự ám ảnh không dứt của thành phố nơi ông sống trọn cuộc đời.
Trong khi những nhà văn khác “trí tưởng tượng của họ lấy dưỡng chất thì sự lưu vong, một sự nuôi dưỡng được chiết ra không phải từ gốc rễ, mà từ việc không có gốc rễ.” thì đối với Orhan Pamuk “số phận của Istanbul là số phận của tôi. Tôi gắn liền với thành phố này bởi vì nó đã làm cho tôi trở thành tôi bây giờ” Và với Istanbul ông đã thể hiện tình yêu của mình đối với thành phố nơi ông lớn lên, ông yêu thành phố của ông dẫu sự sụp đổ của quá khứ huy hoàng chỉ để lại sự điêu tàn, ông yêu thành phố của ông dẫu bao trùm lên nó là nỗi buồn không thể lý giải (mà ông gọi nỗi buồn đó là hüzün), ông yêu thành phố của ông dẫu nó bị lưỡng phân giữa Đông và Tây, giữa quá khứ và hiện tại, dẫu sự nghèo đói, bẩn thỉu của nó mà ông phải chứng kiến trong những năm tháng thời niên thiếu.
Bao trùm lên toàn bộ những chương Orhan Pamuk viết về Istanbul, ta bắt gặp hai điều bao phủ đó là sự điêu tàn và nỗi buồn (hüzün). Nằm giữa Đông và Tây, Istanbul và những người dân của nó vật lộn với nỗi ám ảnh Tây Phương hóa và muốn trở thành một thành phố văn minh đẹp đẽ như Paris, bỏ lại sự nghèo đói lại sau lưng thế nhưng từng con đường, ngõ phố vẫn nhắc họ về cái cội rễ hào hùng khi đế quốc Ottoman hùng mạnh, sự điêu tàn đổ nát của những phế tích còn sót lại của nó trong một thành phố đang muốn vụt thoát khỏi những điều xưa cũ càng chồng chất thêm cho thành phố một nỗi buồn, như Orhan Pamuk viết: “Từ mười sáu đến mười tám tuổi, một phần trong tôi, giống một người Tây phương hóa cấp tiến, mong mỏi thành phố của mình có ngày trở thành hoàn toàn như một thành phố Âu châu. Tôi cũng mong điều này cho chính tôi. Nhưng một phần khác ở trong tôi thì cứ muốn mãi mãi thuộc về một Istanbul Đông phương nơi tôi đã lớn lên, yêu nó, bằng trực giác, thói quen, và hồi nhớ.”. Người dân Istanbul và trong đó có ông, cũng như thành phố của mình, vẫn bị mắc kẹt giữa hai thế giới. Cuộc dạo chơi đến Istanbul trong cuốn sách của Orhan Pamuk không chỉ khiến ta khám phá những ngóc ngách của nó, mà còn khám phá được cả tâm hồn của một đô thị điêu tàn, và khi viết về một thành phố với sự thấu hiểu và khiến ta đi vào sâu thẳm cốt lõi của nó, Orhan Pamuk đã vô tình biến ông thành nhà văn của Istanbul cùng với tình yêu vô bờ bến ông dành cho thành phố của mình.
Những hồi ức của ông về quãng đời thơ ấu và dần dần trưởng thành, được ông đưa vào cuốn sách như một lời khẳng định cuộc đời của ông không thể tách rời khỏi Istanbul, với một niềm thương cảm dịu dàng có phần chua xót cho những điều đã quá vãn, ông sưu tầm tất cả những bài báo, những cuốn sách bách khoa toàn thư nói về Istanbul như mong muốn hiểu được nó, như một cách để hiểu được chính bản thân mình: “hạnh phúc thật sự ở trên cõi đời này, ý nghĩa thật sự của cuộc đời, chúng nằm ở đâu đó, ở những nơi chốn mà chúng ta chẳng bao giờ kiếm ra được, và có lẽ chẳng hề mong muốn tìm cho ra, nhưng – dù cho chúng ta loay hoay, mầy mò, tìm cho ra những câu trả lời, hay giản dị chỉ là lạc thú, xúc động sâu xa – thì sự theo đuổi, tìm kiếm đó quan trọng nhiều hơn đích đến có lẽ chẳng bao giờ đạt được.” Có lẽ cùng với việc đưa người đọc khám phá thành phố, Orhan Pamuk cũng phần nào hé mở những góc khuất tâm hồn mình, những suy tư trăn trở và cả những điều đã làm nên ông bây giờ – một trong những nhà văn lớn nhất trong nền văn chương đương đại, và trở thành tiếng nói đại diện của thành phố Istanbul nói riêng và toàn bộ Thổ Nhĩ Kỳ nói chung.
Có lẽ hiếm có cuốn sách nào viết về một thành phố xa lạ lại khiến ta có sự đồng cảm như Istanbul của Orhan Pamuk và ta cảm giác như cái hüzün của thành phố xa xôi kia cũng như đang len lỏi vào trong tâm hồn ta khiến ta bồi hồi và lưu luyến khi ông dẫn dắt ta vào sâu trong những cảnh điêu tàn đổ nát của một đô thị mãi mãi bị mắc kẹt trong thế lưỡng phân như thể “những quang cảnh của thành phố đang trải dài trước mắt chúng ta, như những kỷ niệm của một giấc mơ.”

“Thiên đường thì buồn”
One Reply to “Istanbul, Hồi Ức và Thành Phố (Orhan Pamuk) – Bức Tranh Về Một Đô Thị Điêu Tàn”