Khởi Sinh Của Cô Độc (Paul Auster) – Sự Minh Triết Từ Miền Ký Ức

“Có những ký ức rất đỗi lạ thường, vô cùng phi thực, hoàn toàn vượt ra khỏi lãnh thổ của tính hợp lý, đến nỗi bạn sẽ cảm thấy khó để liên kết chúng với một sự thật rằng chính bạn là người đã trải qua những gì mà bạn đang nhớ đến”.

Paul Auster, một nhà văn Mỹ với lối viết mang đầy tính chiêm nghiệm, biện giải của cái chết, nhưng phải là cái chết được phủ kín bởi các yếu tố bất ngờ, không đoán trước. Những sự kiện mang đầy tính ngẫu nhiên trong cách hành văn của Paul Auster dù đôi khi chỉ nhỏ như hạt cát lại định hướng cho sự sống hay cái chết của chủ thể.

Khởi Sinh Của Cô Độc (Tựa tiếng Anh: The Invention of Solitude) được chia làm hai phần: “Chân Dung Một Người Vô Hình”“Sách Của Ký Ức”. Nếu phần đầu tiên tập trung khai thác cách Auster đối diện với cái chết đầy bất ngờ của cha mình khi mà ông “mới ngày nào còn sống đó. Một người, giả dụ đang ở đỉnh cao sức khoẻ, thậm chí chưa già, chẳng có tiền sử bệnh tật gì. Mọi thứ vẫn như xưa, như lúc nào cũng vậy. Ông ta sống từ ngày này sang ngày khác, lo việc của mình, mơ ước về cuộc đời đang diễn ra trước mắt.” Như một cuốn phim đang chạy với tốc độ bình thường bỗng chậm lại, mọi sự việc vẫn tiếp tục diễn tiến nhưng theo cái cách mà thời gian như được giãn hết mức, Auster đón nhận cái chết của cha mình với một sự bình tĩnh như đã được chuẩn bị từ trước, không đau đớn, không nước mắt, mà thay vào đó là sự đốc thúc Auster phải hành động thật nhanh, để cứu lấy cuộc đời của cha trước khi chính nó cũng tan biến cùng cái chết của ông. Một cuộc rà soát ngay trong chính ngôi nhà của cha Auster như thế diễn ra. Mối quan hệ với các thành viên trong gia đình, nhân viên của công ty, cuộc sống cá nhân trải dài từ thời trai trẻ cứ lần lượt được đào sâu, khai thác để hòng cứu lấy cuộc đời “luôn vắng mặt, và từ lâu rồi những người gần gũi nhất với ông cũng đã học được cách chấp nhận sự vắng mặt ấy, coi đó là một giá trị cơ bản cơ bản trong sự tồn tại của ông”. Từng sự kiện cứ thế lần lượt phô bày trong sự mục ruỗng tràn ngập ngôi nhà, giải thích cho sự hình thành tính cách qua nhiều biến cố cuộc đời của cha Auster.

Với giọng văn đặc trưng nói về cái chết, sự cô lập, những ký ức rời rạc và hiện tại đầy mơ hồ, Paul Auster tiến sâu vào lãnh thổ của ký ức qua sự phân tách mối quan hệ giữa cha con trong phần hai của cuốn sách: “Sách Của Ký Ức”. Bằng dụng ý sử dụng ngôi thứ ba khi nói về chính mình, Auster tạo nên một tấm gương phản chiếu tầng lớp của cảm xúc, của trí tuệ, của năm giác quan mà người đọc nào cũng sẽ nhìn thấy một phần của mình trong đó. Có rất ít nhân vật trong truyện, nhưng họ đều được ‘buộc dính” lại với nhau dù họ không có cùng một xuất phát điểm về thời gian và không gian. Quá khứ, hiện tại, và tương lai chồng chất, tiêu biểu như trong những trải nghiệm của người cha vọng lên trong ký ức của đứa con và do đó cũng vang dội trong đứa cháu: “Khi người cha qua đời, anh viết, người con trai trở thành cha của chính con trai mình. Anh nhìn vào con trai và thấy bản thân mình trong gương mặt của cậu bé. Anh tưởng tượng về điều cậu bé thấy khi nhìn vào anh và thấy mình biến thành cha của mình trước đây”.

Khởi Sinh Của Cô Độc là một cuốn sách càng đọc nhiều càng chiêm nghiệm được sự hữu hạn của vật chất. Hãy cứ đọc thật chậm, nghĩ thật sâu để bước từng bước vào sự minh triết của sống và chết, của ký ức ở lại và ký ức ra đi.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.