Chiến Tranh Không Có Một Khuôn Mặt Phụ Nữ (Svetlana Alexievich) – Lời Thì Thầm Từ Những Tâm Hồn Đã Khuyết

Lịch sử viết nên chiến tranh bằng những sự kiện. Và phụ nữ viết nên chiến tranh bởi những cảm xúc.

Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ là tác phẩm phi hư cấu được kể lại với ngôn ngữ văn chương, đảm bảo tính chân thực đến mức trần trụi về những sự kiện đã từng xảy ra, nhưng đồng thời, vẫn khiến độc giả thổn thức bởi xúc cảm mãnh liệt của nhân vật được khắc họa khéo léo bằng lối hành văn mượt mà của Svetlana Alexievich.

Toàn bộ tác phẩm là những cuộc chuyện trò, hay đúng hơn là độc thoại nội tâm của những người phụ nữ về một thời khói lửa đã qua. Từ đó ta thấy được, chiến tranh đã thay đổi một người phụ nữ theo phương cách tàn nhẫn ra sao.

Họ, khi chiến tranh nổ ra, vẫn chỉ là một cô bé con mười sáu, mười bảy tuổi với tâm hồn rất đỗi thơ ngây, khi trên tay vẫn là tập thơ Heine về tình yêu và cuộc sống. Họ, đón nhận chiến tranh với một tâm hồn mỏng manh và tinh khiết như giọt sương buổi mai: “Sương còn chưa kịp khô trên lá cây mà người ta báo tin chiến tranh đã được tuyên bố! Và giọt sương tôi đột ngột nhận ra trên cây ấy khi người ta báo tin chiến tranh, thường trở lại trong tâm trí tôi khi tôi còn ở ngoài mặt trận”

Họ, ra chiến trường khi đất mẹ oằn mình dưới gót giày kẻ thù, khi nước sông Volga nhuộm đỏ bởi dòng huyết nóng từ những đứa con của chính mình, mặc kệ lời can ngăn: “Hãy lớn lên nữa đã các cô gái, các cô còn trẻ quá.” Họ thay thế bím tóc dài bằng chỏm tóc ngắn ngủn như đàn ông, để lại những chiếc váy ngọt ngào nữ tính nơi quê nhà để mặc áo vairo và đi ủng chiến đấu. Họ giấu kĩ nhân tính nơi tận cùng trái tim để tạo nên tội ác. Bởi, khi giết người, theo quan điểm của tôi, dù cố ý hay vô ý, dù lựa chọn hay bắt buộc, bạn đều đã xẻ linh hồn của mình ra rồi. Trong bộ tiểu thuyết Harry Potter, để tạo ra trường sinh linh giá, bạn phải giết một người, một mẩu linh hồn của bạn theo đó được xẻ ra, giấu vào đồ vật khác. Nhờ đó- bạn bất tử. Nhưng khi xẻ linh hồn như vậy, phần bị xẻ, và phần còn lại, đều rất mong manh, vì nó không còn được vẹn toàn- bởi, nó được tạo ra từ tội ác ghê tởm nhất. Làm sao một người phụ nữ có thể giết chết một con người, khi họ đến thế giới này với thiên chức tạo ra con người?

Họ giết người và họ cứu người. Họ là bác sĩ, y tá, cáng thương…nhưng họ cũng đồng thời là phi công, xạ thủ, pháo binh… Bằng cách đó, họ đáp lời Tổ quốc, họ góp phần tạo nên ngày Chiến thắng. Thế nhưng, tôi sẽ không bàn về khía cạnh người phụ nữ đã tạo nên những chiến công lẫy lừng ra sao. Không! Tôi không muốn nhắc đến những chi tiết ấy, dẫu rằng chúng là nốt vĩ thanh của bản hùng ca bi tráng về chiến tranh. Bởi, chẳng có nghĩa lý gì khi mà sau tất cả, chỉ còn lại đó những vết thương, mãi không có cách nào lành miệng, vẫn rỉ máu, ngày qua ngày.

Một nữ y tá trưởng sống sót trở về gặp mẹ, với khuôn mặt không phải là của cô nữa, để nhận lại lời đáp: “Công dân, đi đi, trước khi trời tối”. Có nỗi đau nào hơn việc người mẹ ruột không nhận ra đứa con gái mình dứt ruột đẻ ra? Một nữ điện báo viên, nhận đứa con của mình xuống nước để giữ bí mật chỗ trú ẩn cho cả đội. Có nỗi đau nào hơn việc người mẹ tự tay giết đứa con do chính mình sinh ra? Người ta vẫn bảo bản năng làm mẹ mạnh mẽ hơn tất thảy. Nhưng sai rồi! Lý tưởng còn mạnh hơn gấp bội. Họ mạnh mẽ sống cho lý tưởng.

Thế nhưng, trong những giấc mơ, họ- những người phụ nữ, liệu đến bao giờ mới thôi thấy hình ảnh chiếc khăn trùm trắng của người mẹ nổi bật trước hàng lính Đức và khi lệnh bắn phát ra, hàng loạt những viên đạn từ khẩu súng trên tay họ bắn về phía ấy? Đến khi nào, tiếng hét của đứa trẻ bị ném xuống đáy giếng mới thôi vang vọng gọi về những ác mộng từ dĩ vãng? Đến khi nào, máu, chỉ đơn giản là một chất dịch đảm bảo sự tồn tại của cơ thể chứ không phải thứ nhấn chìm họ vào không gian đặc quánh của đầm lầy chết chóc? Đến khi nào, trái tim họ, lần nữa, rộn rã những xúc cảm thuần khiết ban sơ khi cầm lại cuốn thơ Heine?

Nắng đã lên và sương đã tan…

Những người phụ nữ, họ không làm nên chiến tranh và cũng không có tham vọng thay đổi lịch sử. Với họ, cuộc chiến đã qua chỉ là một cơn ác mộng, một câu chuyện cổ tích kinh dị mà chẳng ai muốn trở thành nhân vật trong đó. Mặc kệ tiếng vang hay tầm ảnh hưởng mà tác phẩm mang lại, không để tâm đến những ngôn từ mỹ miều có cánh mà người ta ngợi ca, tôi đơn thuần, chỉ muốn đóng vai một người nghe. Có đôi khi, sự lắng nghe, bản thân nó có thể làm dịu lại những tiếng thét gào tuyệt vọng, những lời thì thầm ai oán từ một tâm hồn đã không còn toàn vẹn.

One Reply to “Chiến Tranh Không Có Một Khuôn Mặt Phụ Nữ (Svetlana Alexievich) – Lời Thì Thầm Từ Những Tâm Hồn Đã Khuyết”

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.