Mình đã đọc được đâu đó câu này: “Nếu con gái thích đọc ngôn tình, thì con trai thích đọc Musso”. Ắt hẳn câu trên đã thiếu một vế: “ …, và cả con gái, con trai đều thích Haruki Murakami”. Nếu bạn là một con người lãng mạn, nhưng phần nhiều cũng rất lí trí, thì không thể bỏ qua Những người đàn ông không có đàn bà của Haruki Murakami.
Tác phẩm này làm tôi nhớ đến những câu thơ nổi tiếng của Xuân Diệu trong bài thơ Yêu:
“Yêu, là chết ở trong lòng một ít,
Vì mấy khi yêu mới chắc được yêu?
Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu,
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết”
Yêu là vậy, yêu là đau đáu trong lòng, nhưng hỏi thế gian này, có ai chịu không yêu không? Với Những người đàn ông không có đàn bà, đọc giả như nhìn thấy được muôn hình vạn trạng của tình yêu, bảy câu chuyện là bảy nhân vật khác nhau, với bảy mẫu chuyện khác nhau, nhưng dưới sự tài tình của tác giả, tất cả như những mảnh ghép hoàn hảo cho một bức tranh, trên đó có những vết cắt sâu, những chỗ màu hồng nhạt nhạt, và cả những khoảng đen u tối.
“Nếu cho đó là điểm mù thì tất cả chúng ta đều sống và mang một điểm mù giống nhau”, đây chính là cái cách Kafuku đối diện với chính mình sau cái chết của vợ anh – người mà đến giờ anh vẫn chưa hiểu tại sao tình cảm hai người tổt đẹp vậy nhưng cô ấy vẫn quan hệ với người đàn ông khác. Bản chất con người là tập hợp của những phức tạp, có nhiều uẩn khúc và những bí mật “điểm mù”, càng cố khám phá những điểm mù ấy, chỉ càng mệt mỏi và đau khổ hơn.
Tình yêu thanh mai trúc mã sẽ thật đẹp nếu kết thúc có hậu, nhưng đâu đó vẫn là những mối tình dang dở “Hôm qua/ Là hôm kia của ngày mai. Là ngày mai của hôm kia”. Dù câu chuyện tình có đẹp đến đâu thì chuyện của họ cũng là chuyện của hôm qua, và hôm nay mỗi người lại có một cuộc sống riêng của mình. Cách mà Hitaru và Kuriya đối diện với tình yêu này, trân trọng nó, dù không thể đi đến cuối đường cùng nhau nhưng đâu đó vẫn là những quan tâm, những hỏi thăm để còn thấy sự tồn tại của nhau. Vẫn là người đó, chỉ là ở một nơi khác, ở một hoàn cảnh và vai trò khác.
Bác sĩ Tokai hiện ra hào nhoáng và chắc hẳn với hiện mạo như vậy, anh ấy sẽ được rất nhiều cô gái để ý và quan tâm. Là một người khá phóng khoáng trong mối quan hệ với phụ nữ, nhưng đâu thể ngờ đến một ngày anh ấy gặp được định mệnh của đời mình, nhiều lúc phải tự hỏi ”Nếu không có cô ấy, thì mình sẽ ra sao?”. Không phải ai cũng tiếp tục trên con đường mới với những mối quan hệ mới, bác sĩ Tokai là một trong số đó. Anh chỉ muốn sống cho những giây phút này, với cô gái mà anh đã lỡ thương, người đặc biệt của lòng anh. Cái chết của Tokai có thể được xem là cái chết vì tình, nó làm đau nhói tim của những bạn bè, đồng nghiệp của anh, nhưng với anh, có lẽ đây là kết thúc đẹp nhất.
Scheherazade – câu chuyện yêu thầm ngây dại. Qua lời Scheherazade kể Habara, một tình yêu “vụng trộm” được tái hiện một cách li kì, nhưng lời muốn nói cũng chưa được nói, người cần biết cũng chưa được biết. Bốn năm, thời gian này có quá dài để làm mờ những cảm xúc ngày trước. Vẫn những con người ấy, với những vai trò khác, họ có kết thúc có hậu không?
Người phụ nữ đến và xin lỗi cho những việc mà cô đã làm. Và Kino đã nói: “Chẳng phải lỗi của ai. Giá như anh không về nhà sớm hơn một ngày so với kế hoạch. Hoặc giá như anh liên lạc trước. Nếu anh làm vậy, chuyện đó đã không xảy ra”. Sau đó người vợ đáp: “Chắc chắn ở đâu đó có người hợp với anh”. Cách chia tay tinh tế đến vậy, mỗi người trong câu chuyện đều trân quý tình cảm trước kia, dù buồn nhưng họ vẫn phải bước đi tiếp, xây dựng một cuộc sống mới. Nhưng đến cuối cùng, khi nhìn lại, cái mà người ta theo đuổi là gì, có phải cuộc đời của Kino dường như đã đặt dấu chấm hết khi anh thấy cảnh vợ mình với người đàn ông khác không?
Tình yêu đắng cay vậy, nhưng đôi lúc lại ngọt lịm như trái chín trong Samsa đang yêu. Nó vực dậy một con người. Kỳ diệu thay, con người đó nắm lấy sợi dây vô hình ấy, và muốn khám phá nó “Thế giới này đang đợi gã học”.
Những người đàn ông không có đàn bà – mẫu chuyện cuối dành cho đọc giả. Đó là một tình yêu mụ mị, là những nhớ nhung, suy nghĩ nhưng không phải về một người còn sống, mà với một người đã mất. Người xưng “tôi” tự xem mình là đàn ông không có đàn bà, và anh chắc chắn một điều là không chỉ mình anh như vậy, mà có một tập hợp những người đã mất đi người họ yêu thương nhất, nên sẽ phải là “những người đàn ông không có đàn bà”. “Trở thành người đàn ông không có đàn bà đơn giản lắm. Đôi khi chỉ cần yêu sâu sắc một người và nàng biến đi đâu mất là xong”.
Bảy câu chuyện tình là bảy sắc màu, hãy khám phá nó, những cung bậc cảm xúc của tình yêu, ở đó có thương, có đau, có hận, có thù,… nhưng khi trái tim con người vẫn đập, thì họ vẫn theo tiếng gọi của nó thôi.
One Reply to “Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà (Haruki Murakami)”