Khi Hơi Thở Hoá Thinh Không (Paul Kalanithi) – Lúc Cái Chết Là Câu Trả Lời Cho Sự Sống

Đã rất nhiều tác phẩm viết về nỗ lực đối mặt với cái chết nhưng với “Khi Hơi Thở Hoá Thinh Không” (tựa tiếng Anh When Breath Becomes Air – Paul Kalanithi, Trần Thanh Hương dịch) lại trở nên đặc biệt hơn khi người viết chính là một bác sỹ phẫu thuật thần kinh. Một chuyên khoa được mô tả theo như lời của nhân vật là “giúp theo đuổi cái chết: nắm lấy nó, lột mặt nạ của nó và nhìn thẳng vào nó, không chớp mắt”.

Bằng cách mô tả đi từ lúc nhận được xét nghiệm, rồi hồi tưởng lại thời gian tác giả được thân mẫu gieo những hạt mầm của nền mống triết lý đạo đức thông qua một loạt những tác phẩm văn học kinh điển từ lúc mười tuổi, đến khi hoang mang giữa một ngã tư đường trở thành một nhà văn hay theo nghiệp y nối tiếp truyền thống gia đình, tới thời điểm trở thành một trong những bác sỹ phẫu thuật thần kinh vượt trội và cuối cùng là kết thúc trên giường bệnh của một bệnh nhân mà sự sống chỉ kéo dài một vài năm.

Đi theo hành trình của tác giả, là đi theo một chuỗi những đấu tranh với cái chết, liệu cái chết có phải là một kết thúc, hay đơn giản cái chết chính là kết thúc của một bắt đầu. Vô số những quan điểm về sự chết được tác giả mô tả bằng một thứ ngôn ngữ dễ hiểu nhưng cũng vô cùng triết lý nhất. Là bác sỹ, tác giả nhận thức mình mang trên mình một cái ách nặng nề về trách nhiệm trọng đại. Cái chết sẽ luôn chiến thắng hả hê trước bao nỗ lực níu giữ người bệnh nhân. Cuộc đời vốn dĩ ăn gian, tất cả sẽ thua cuộc, nhưng điều đó không cho phép tác giả ngừng nghỉ để chiến đấu. Sẽ chẳng có ai đạt được sự hoàn hảo, nhưng “bạn có thể tin vào đường tiệm cận của những gì mình không ngừng hướng tới”.

Đọc “Khi Hơi Thở Hoá Thinh Không” không chỉ dừng ở việc ta đồng hành cùng bác sỹ “sống” không ngơi nghỉ cho đến lúc chết, mà còn vô tình góp nhặt ít nhiều những nghịch lý không-thể-phá-tan của khoa học. Ví dụ: Những quy tắc hiện tượng hay lý thuyết được tạo nên để thao túng thế giới, biến các hiện tượng thành các đơn vị có thể quản lý được, tuy nhiên những nhận định về vật chất này lại không thể mang ra lý giải cho bản chất con người, vốn độc nhất, chủ quan và không thể dự đoán. Những mâu thuẫn liên tiếp được khơi gợi kèm theo những giải thích chặt chẽ nhưng không kém phần uyển chuyển. Đây chính là nét đặc biệt trong giọng văn của tác giả: một sự kết hợp đặc sắc giữa hai tâm thế – bầy tôi của khoa học và đứa con của văn chương.

Tựu chung, đây không đơn thuần chỉ là một nhật ký thay đổi hành trình nhận thức của một cá nhân đối với thế giới quan thông qua cách ứng phó với cái chết được biết trước, ta đọc để hiểu rằng con người vốn dĩ là những chấm sao cô đơn trong vụ trụ tối cao, dù bị khuất phục bởi hành trình đi đến ngày lụi tàn không thể chối bỏ, nhưng quan trọng nhất, ta chính là góp phần tạo nên quỹ đạo của cuộc đời này.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.