Viễn Vọng (Patrick Deville) – Yêu thương không nói thành lời

Patrick Deville thường nói: “Nếu có một thông điệp nào đó thì tôi sẽ diễn đạt nó trong một bài báo hay một bài tiểu luận. Còn văn chương thì không có thông điệp. Thông điệp duy nhất của văn chương chính là sự hiện diện của nó và tự do mà nó mang lại”. Tôi rất thích cách nhìn của Patrick, và nó được thể hiện rất rõ trong Viễn vọng. Xuyên suốt từ đầu đến cuối, mọi chuyện vẫn bõ ngõ đó, không có một câu trả lời chính xác, không đưa ra một thông điệp rõ ràng, tác giả như thách đố người đọc “Rồi kết quả sẽ như thế nào?”. Mỗi đọc giả sẽ có câu trả lời cho riêng mình, tùy thuộc vào quan điểm của mỗi cá nhân.

Korberg- một nhà điểu học, một hôm ông quay lại thành phố biển – nơi ghi lại dấu vết mối tình đầu xưa cũ với nữ ca sĩ bạc mệnh, Stella. “Korberg biết thành phố này, vì đã sống ở đây với người đàn bà duy nhất ông yêu trong đời (bà có bao giờ yêu ông không?)”. Jyll, đứa con gái nhỏ ngày nào nay đã lớn, nàng không biết thông tin gì về Koberg, người tình trước đây của mẹ, đối với nàng, Anton Mothtar là người bố duy nhất, luôn quan tâm và san sẻ mọi thứ. Ai là bố của Jyll, Korberg hay Anton Mothtar, sự bí ẩn này chỉ có Stella mới giải đáp được, câu hỏi bị bỏ lửng ở đó, và không có một sự khẳng định nào cả. Sự thi vị và đáng ngưỡng mộ ở đây là hai người bố, họ cùng yêu thương đứa con của mình rất nhiều, nhưng không phải vì vậy mà Korberg xuất hiện và làm xáo trộn mọi chuyện, hay Anton kể chuyện cho Jyll nghe về mối quan hệ của mẹ nàng với một người đàn ông khác, người cũng yêu mẹ nàng rất nhiều. Các nhân vật cứ âm thầm theo dõi nhau, lúc xa, lúc gần. Mỗi giai đoạn cuộc đời của họ đều gắn liền với nhau, nhưng không chạm vào nhau, để phá vỡ sự bình yên vốn có. Tình yêu trong Viễn vọng là sự im lặng và khoảng trắng. Các nhân vật tưởng rất gần nhưng lại như “những đường thẳng song song và không bao giờ chạm vào nhau”.

Xuyên suốt câu chuyện có một nhân vật đặc sắc nữa là Skoltz, chàng trai mê cờ vây, toán học và các trò cá ngựa. Skoltz dạy Jyll về khoa học, vận động não bộ với những ván cờ hóc búa. Họ cùng nhìn vạn vật xung quanh bằng con mắt của một nhà khoa học, đó cũng là lý do mà Vincent Lardel đã nói rằng: “Ngông cuồng và thung dung, Patrick Deville đưa vật lý lượng tử vào tiểu thuyết Pháp, như Faulkner đã từng đưa bi kịch vào trinh thám Mỹ” bởi mỗi nhân vật mà Patrick Deville xây dựng đều gắn với một ngành khoa học nào đó. Cùng tư tưởng và sở thích, tình cảm Jyll và Skoltz càng sâu đậm hơn, nhưng cuộc tình ấy lại tiếp tục bị bõ ngõ khi Skoltz nhận được lá thư từ người tình cũ xin anh trở lại với nàng. Skoltz có yêu Jyll đủ để anh ở lại không?

Ngôi kể chuyện đặc biệt giúp tác phẩm của Patrick Deville thêm màu sắc. “Tôi” trong câu chuyện là một nhân vật không thực nhưng cũng rất thực. “Tôi” không chỉ biết các nhân vật, mà dường như còn rất gần gũi với họ, là sợi dây kết nối bốn nhân vật chính, hòa trộn giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhờ có nhân vật “tôi” này, các chi tiết được miêu tả một cách tỉ mỉ và hợp lý, bởi sự xen kẽ dòng thời gian làm mọi thứ như không rõ ràng, nhưng “tôi” đã thể hiện được sức mạnh của nhân vật vô hình, sự việc nằm trong tầm nhìn của “tôi”, “tôi” ở đó và chứng kiến mọi chuyện.

Viễn vọng được dịch bởi Đoàn Cầm Thi, tiến sĩ văn học Pháp, bà đã góp một phần không nhỏ trong kết nối độc giả Việt Nam và văn học Pháp. Đây là một tác phẩm hay, lôi cuốn, lối viết tiểu thuyết khác lạ, và đặc biệt làm rõ hơn về “điểm nhìn” của mỗi con người.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.