Quán Gió (Ngọc Giao) – Số Kiếp Con Người Trong Khoảnh Khắc Chuyển Giao Thời Đại

Ngọc Giao viết Quán gió ở tuổi 37, cái tuổi không phải quá trẻ để chỉ có những suy nghĩ bồng bột, nhưng cũng không gọi là đủ già để có một cái nhìn rộng lượng và thấu suốt về cuộc vặn mình chuyển giao của thời đại. Ông hoàn thành tác phẩm vào mùa thu 1948 nơi vùng tạm chiếm- ít nhiều ảnh hưởng tới cái nhìn về cách mạng của ông.

Mà cần thiết gì đâu, khi ngòi bút của ông, không trực tiếp hướng về những điều lớn lao như thế. Nó vụn vặt hơn, nó đau nỗi đau nhỏ bé hơn. Bởi vì nhỏ và vụn như vậy, nên có chăng, người ta dễ góp nhặt rồi cất giữ, dễ đồng cảm rồi xót xa về số kiếp những phận người éo le, trôi nổi, bị sợi dây oan nghiệt vô hình thít chặt mãi từ quá khứ đến vị lai, dù cố vẫy vùng thoát ra mà càng gỡ càng rối, càng muốn thoát, càng bị kềm giữ.

Khuê nữ Hường, sinh ra trong gia đình vương giả, lớn lên trên vàng son gấm ngọc, ấp ủ hương sắc nơi vườn sông xứ Huế, đã đắm say buông cây đàn tỳ, chấp nhận giữ lại chút nhị hương tàn, rồi sinh ra Khải, với trán gồ, mắt xếch, với tính tình lầm lì, khó bảo. Anh trưởng thành cùng câu nói đùa của ông bố dượng: “Thằng bé có gan làm tướng, rồi thì bất trị”. Phu nhân Hường, trong những ngày tháng được chồng nâng hứng, si mê, đã hoài thai sinh ra Trâm, như một nụ sen trên hồ nước trong, “Con bé này xinh đẹp, nhưng rồi cũng giống mẹ mất thôi”. Bà huyện Hường, những tháng năm người chồng leo lên được chức tri huyện cỏn con, thẳng tay vơ vét của dân gây nên bao hờn oán chất đầy thiên hạ, sinh ra Lưu, đứa trai út yếu ớt, bệnh tật, nhưng hư hỏng, dâm đãng.

Ba đứa trẻ. Ba kiếp người. Ba biểu tượng.

Nếu như Khải mạnh mẽ và đầy dũng mãnh uy lực của một người làm cách mạng, hiện thân của tương lai tươi mới, của xã hội lý tưởng mà anh lấy làm điểm mốc để vươn tới…Trong khi Lưu dẹo dặt mà hoang dâm, tối ngày chấm mút cái thú vương giả còn sót lại, như quả báo nhãn tiền cho những tội lỗi của đức ông chồng và hiện thân cho những đổ nát cuối cùng của xã hội phong kiến…Thì Trâm, cô con gái giữa lại đang chơi vơi và bế tắc nơi lằn ranh phân cách, nhìn về quá khứ chẳng đặng, mà nhắm mắt đưa chân tới tương lai chẳng cam. Vận đổi sao dời, cô từ một thiên kim tiểu thư quyền quý, trở thành cô hàng bún riêu tần tảo qua ngày nơi gốc đa quán gió để rồi bị ép trở thành cô dâu miền sơn cước, vợ của một người cộng sản. Đó là cách Khải cắt đứt sợi dây quá khứ đeo bám cô và mẹ, cắt đứt thứ gốc gác phong kiến mà anh hằng khinh bỉ. Trong giờ phút thời đại chuyển giao, cũng là thời khắc đời cô chuyển giao. Người khác nhìn vào, chỉ thấy đời cô chuẩn bị sang trang mới, nào đâu hay, tự trong thâm tâm, cô thấy mình còn thê thảm hơn kẻ tử tù. Cô ra sức vẫy vùng, kháng cự. Mà khốn thay, thân nữ liễu yếu đào tơ, phận mỏng ý nông, sao cưỡng lại sự đoạn định của số phận…

Tôi đọc Quán gió khi chuẩn bị bước sang tuổi 24 vào một vài ngày nữa. So với tác giả, tôi quá trẻ để cảm và thấm nỗi đau số kiếp con người khi ấy. Tôi hoàn thành việc đọc vào một sáng mùa hè năm 2018, thời điểm Việt Nam đang trên đà phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng. Người trẻ, có thể không tránh khỏi cái nhìn có phần hời hợt. Nhưng người trẻ, có một lợi thế, đó là đứng ở vị trí có khả năng nhìn được cả chặng đường đã qua.

Ngọc Giao mượn lời Trâm để nói lên quan điểm thời đại của mình: “ …cách mạng phải đạp đổ tất cả chứ gì? Rất phải và rất đẹp. Nhưng cách mạng đã như cơn nước lũ, người ta vui say quá để không cần nhận thấy rằng: giúp cho cách mạng thành công, đã có bao nhiêu máu, bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu hơi thở thoi thóp, bao nhiêu tấm lòng giãy giụa chịu chìm khuất, chịu nhục nhã, chịu khinh bỉ.”

Tôi muốn mượn lời Khải để nói lên quan điểm thời đại nơi góc nhìn của bản thân, ở thì hiện tại: “Cái trật tự đó chỉ gây được khi nào điều kiện xã hội đã đầy đủ, nghĩa là khi nào trên cái mặt đất này không còn có kẻ thống trị và bị trị, khi nào anh nông dân không còn là anh nông nô, […] khi nào anh công nhân đã có manh áo lành và gian nhà che mưa nắng ngang như anh công chức, anh nghiệp chủ, nghĩa là trật tự chỉ có thể có được khi nào không còn hai tầng lớp kẻ giàu và kẻ nghèo, hai tầng lớp không sống chung trên mặt đất, tức là khi mà con người đều no ấm, đều thỏa mãn”.

Có hào quang nào không tỏa sáng trên nền bóng tối? Có lý tưởng nào không đánh đổi bởi sự hy sinh?

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.