Vu Khống (Linda Lê) – “Viết, là tự lưu đày bản thân”

Với Linda Lê, “viết, là tự lưu đày bản thân”(1), là đi vào cái cõi hoang sơ của chính mình và bị giam ở đó mãi mãi, là đi vào sa mạc của những ám ảnh nóng bỏng luôn muốn thiêu đốt thân xác chờ đợi làn nước mát lành của một tình yêu xoa dịu. Đọc Linda Lê để thấy con người ta có thể bị lưu đày khi nào và nhiều cách như thế nào, từ sự lưu đày của một cá nhân bị xã hội khước từ cho đến tự lưu đày tức là tự khước từ chính mình. Sự lưu đày căn cước này cũng chính là đặc trưng của văn học tự thuật và văn học di dân có nguyên nhân sâu xa từ sự mất mát về gốc rễ. Trong Vu khống, Linda Lê vẫn tiếp tục viết về những ám ảnh trở đi trở lại trong toàn bộ cuộc đời và tác phẩm bà, nhưng quyển này nhấn mạnh đến cảm giác bị khước từ và tội lỗi. Để hài lòng với cuộc đời rạch ròi ý nghĩa, luôn phải có quan tòa và kẻ bị kết tội. Anh không thể nào vô tội giữa cuộc đời này nữa, bằng cách nào đó, anh bị vu khống.

Các chữ nối thành hàng như sợi xích của ngục tù, đồng thời như chuỗi hi vọng mong được mắc vào những thân phận khác, được gia nhập vào thế giới loài người. Không còn suy tưởng đơn tuyến như trong Thư Chết, ở đây là hai mạch suy tưởng của người cậu và nhân vật tôi chạy song song với nhau. Như vậy, Linda Lê đã hóa thân vào trong người cậu, để một ám ảnh lớn đời mình cất tiếng và đối thoại với mình. Đây là hiện tượng “chủ thể siêu vị” (2), chủ thể tự phân rã mình, hóa thân vào những kẻ khác. Một cái tôi là chắp vá từ những ám ảnh về kẻ khác. Nhân vật tôi viết thư hỏi cậu về danh tính người cha thật. Phải chăng nỗi cuồng điên da diết về người cha khốn khổ nơi Đất Nước chỉ là một ảo tưởng về kẻ xa lạ, còn một kẻ xa lạ lại gắn vào gen thân thể ta ngày hôm nay khác gì một ảo tưởng?. Vì vậy mà người cậu nói rằng con bé đã vứt bỏ “Ảo tưởng Đệ Nhất” để tìm đến “Ảo tưởng Đệ Nhị”. Rốt cục cuộc sống là chuỗi dài các ảo tưởng tiếp nối. Tiểu sử là gì nếu không phải là “một thứ logic nhân tạo áp đặt lên một loạt cảnh rời rạc?”(Milan Kundera). Trong lúc tưởng là mình tiến lên bằng ảo tưởng, người ta lầm, người ta tự đào khoét ngược lại mình như con chuột chuỗi. Rơi ngày một sâu vào giếng thẳm đời mình mong tìm kiếm một cái đáy là nguồn gốc, là nguyên do của mọi sự, là hi vọng một ngày có thể tiếp đất. Nhân vật luôn đi tìm dẫu “gốc rễ chúng tôi bềnh bồng trên mặt nước”.
Chọn lối viết tự thuật, nhà văn ý thức mình là con chuột chũi đi gặm nhấm đời mình. Quả thật tác phẩm của Linda Lê xoay quanh một số ám ảnh nhất định. Thế nhưng viết không phải đem bí mật của mình để mua sự vây quanh của thế gian. Kẻ đến vì bí mật sẽ rời đi nhanh. Người ta sống hay đọc không phải để biết nữa, mà là để hiểu. Và chính Linda Lê cũng ý thức viết là để hiểu về mình và mong muốn được thấu hiểu. Trong tác phẩm này, nhân vật tôi dày vò, cật vấn mình, nhàu nát cuộc đời mình, gạch xóa, viết lại nó. Bởi vì cuộc đời bản thân đến lúc bấy giờ là bản sao, ta đã đánh mất bản gốc ngay từ khi mở mắt mà nhìn thế giới sơ nguyên và cả đời ta chỉnh sửa mình với sự mường tượng về một bản chính đích thực. Nhân vật điên cuồng bởi vì “sự tự ý thức thái quá là một dạng bệnh hoạn” (Orhan Pamuk ): “Nó bao giờ cũng nghiêm trọng như những kẻ cứ lo âu có cái gì sai sót nơi con người họ, sai sót khiến mọi hành vi của họ thành vô hiệu, tiêu hủy mọi tham vọng của họ, phá hỏng đường tiến thủ của họ”.

Rồi từ đó, cảm thức tội lỗi và bị kết án dày vặt nó. Nó bắt đầu vu khống. Vu khống nỗi đau của chính mình. Cái nỗi tự thương hại mình thật đáng ghê tởm, nhân vật người bà của Ricin tưởng đi cho thiên hạ thấy nỗi đau khổ của mình như một chiến tích huy chương nhưng rồi nhận lại sự dè bỉu. Đau khổ cũng đáng khinh bỉ, đau khổ cũng chỉ là một thứ mốt, thứ phù phiếm, ảo tưởng về tính thi vị, một sự “ngộ độc trữ tình”. Những kẻ vừa khóc vừa tự ngắm mình như “con rối thèm ước danh vọng, mảnh giẻ rách lại muốn thành con chim sặc sỡ rỉa lông trước đám công chúng đông đảo”. Phải cảnh giác ngay cả những lòng thương bởi vì nó là trò chơi của cảm xúc thị hiếu: “Thị hiếu vẫn luôn chạy theo các nạn nhân đầy thương tích, bị săn đuổi, nhưng dù thế nào cũng vẫn sống sót qua được. Chúng ta chỉ muốn kiểm chứng việc con người là một con vật có khả năng chối chọi mạnh mẽ. Chúng ta muốn thấy một người kháng cự với hết mọi sự. Phải là một nạn nhân vật lộn, bám trụ, vượt lên nỗi nhục nhã của mình. Nạn nhân mà chỉ là nạn nhân thì chẳng ai lưu tâm. Bởi thị hiếu đổi thay và cũng phải có thay đổi trong việc lựa chọn các nạn nhân”.

Xen lồng vào hai mạch suy tưởng là những cuộc đời khác của những kẻ bên lề. Một kẻ đánh giày hay dắt chó cùng “một nửa bà mẹ” sống như một bà hoàng vì tin tưởng rằng sự què quặt, nỗi đau khổ của mình sẽ chiếm trọn lấy tình thương của người con trai. Nhưng rồi, những kẻ đau khổ cũng không giúp gì nhau, bởi đau khổ không ngăn họ ghê tởm sự đau khổ. “Nỗi đau của chúng ta là hòn đảo hoang không một bóng người” (Abert Cohen), không phải thứ có thể chia sớt. Thậm chí ta lợi dụng đau khổ của kẻ khác để làm kích thích đời mình. Những kẻ yếu thì bắt nạt những kẻ yếu hơn. Do vậy mà nỗi đau trong tác phẩm của Linda Lê luôn khoan vào lòng người một mũi thức tỉnh đau điếng. Nỗi đau sau cùng cũng chỉ là nỗi đau thôi, không là tài sản, không thể đính lên người như huy chương: “Đừng than vãn, cũng đừng huênh hoang. Đừng lừa dối ai, kẻ cả chính mình. Chớ đi đến chỗ quý tì tật của mình, yêu hình bóng què quặt của mình, chớ bắt chước người hủi rao bán những thương tích của mình”.
Khi nỗi đau cũng thôi lấp lánh, người ta không còn gì để kiêu hãnh. Đã sống như con búp bê, tình nguyện để được nhào nắn bởi bàn tay người khác. Không thể nào biết cách tự yêu mình, người ta đi vay tình thương của kẻ khác và trả giá bằng cách đánh mất chính mình kèm theo lãi là sự phục tùng tuyệt đối. Cái cảm thức lưu vong không còn chỉ về mặt biên giới lãnh thổ mà là biên giới những tâm hồn con người. Một khao khát tột cùng được nhập thế, được nhìn thấy, được công nhận. Cố gắng đi vào lãnh thổ kẻ khác để tìm một khoảnh vườn cho mình cũng là đủ. Người ta không muốn làm lãnh chúa cô độc, muốn được phục tùng, là nô lệ của tình yêu: “Trong tình yêu, tự bao giờ em vẫn xử sự như một kẻ lưu vong mong cơ hội đủ điều kiện cần thiết để xin làm di dân gương mẫu”. Nhưng dù thế nào ta cũng là kẻ của xứ lạc loài.

Vu khống là bản khảo cung chính mình. Từ vu khống kẻ khác mà sau đó trở về kết án tử chính mình. Vu khống còn tháo lớp mặt nạ của nỗi đau để thấy được sự trần trụi của nó. Chính sự tự ý thức của người viết “tự ăn mình” này luôn khiến người ta nể phục. Để tránh nỗi sợ hãi bị ăn mòn đi từng ngày, Linda Lê chọn phơi bày và đưa mình về số không và từ đó tạo ra những giá trị bằng diệu kỳ của sáng tạo.

(1): Các trích dẫn không đề tên tác giả là trích trong “Vu khống” của Linda Lê
(2): đọc “Chủ thể siêu vị: trường hợp Linda Lê” trích “Xã hội học thi pháp” chương 4, tác giả Phạm Văn Quang.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.