Nhạn (Mori Ogai) – Như Một Cánh Nhạn Bay

Gửi tặng chị Quyên thân mến.

Tôi đến với Nhạn bằng một tâm trạng trống trải như cái cách Nhạn bay đi và để lại bầu trời vẻ trong xanh nguyên vẹn của nó. Thật là một tiểu thuyết hay để bắt đầu một năm mới, nhẹ nhàng, thanh thản , không quá cầu kì. Nếu đặt Nhạn vào thời đại nó được viết ra thì bỗng nhiên ta gắn cho câu chuyện sự xa lạ của một cố nhân, một kẻ ngoại quốc. Tuy nhiên, với một độc giả tìm đến cuốn truyện một cách hồn nhiên như tôi thì cuốn sách dường như chẳng để lại gì, tôi chỉ biết rằng mình đã không lãng phí một khoảng thời gian đẹp đẽ.

Câu chuyện kể về mối tình của Okada và Otama, một mối quan hệ dưới góc nhìn của nhân vật tôi – cũng có thể cho rằng là tác giả của quyển truyện – trong tương quan những gì chứng kiến và được nghe kể từ hai nhân vật chính một cách riêng rẽ và sau một khoảng lùi thời gian của sự kiện. Nói đây là một mối tình thì có lẽ chưa đúng vì sự gắn kết giữa hai nhân vật chính ở đây mờ nhạt như không, cả nhân vật tôi cũng nhường chỗ lại cho chính câu chuyện mà mình kể. Đến cả Suezo, một nhân vật phụ, người mà Otama phải làm thiếp vì muốn báo hiếu cha, có lẽ xuất hiện trong truyện còn nhiều hơn cả Okada và người kể. Ba người, một mối tình, một duyên nợ mà chưa được trả. Con dốc Vô duyên, nơi mà Otama ở khi làm thiếp của Suezo, nơi mà nàng có cơ hội được ngắm nhìn Okada từ chiếc cửa sổ, nơi mà nút thắt đã buộc chặt lại trong cái tình huống hai người tưởng chừng như đã đến được với nhau cũng chính là cái kết của câu chuyện này. Tôi bâng khuâng không hiểu tại sao tiểu thuyết lại được đặt tên là Nhạn, cũng không hiểu câu chuyện đã đi tới đâu, đôi mắt tôi như trượt trên con dốc từ ngữ vô tình. Nhưng lỗi đâu tại con dốc, lỗi có lẽ tại chú ngỗng kia, chú ngỗng đã được tác giả Mori thi vị hóa thành cánh nhạn, mà hai người không có cuộc trò chuyện đầu tiên.

Nói truyện kết thúc lửng cũng chẳng phải, nói truyện kết thúc mở cũng không xong. Có lẽ những gì nằm ngoài phạm vi câu chuyện mà Mori Ogai đề cập đến lại làm ta tò mò hơn cả. Nhưng đúng thế, câu chuyện đã ngưng đọng như thế, đứng tại vị trí mà dịch giả đề nơi và ngày tháng mà mình đã hoàn thành quá trình chuyển ngữ. Cũng chính là tròn một trăm năm sau khi tác phẩm được hoàn thành. Sự trống vắng vẫn còn đó, mối tình chưa kịp chớm nở đã dừng lại, câu chuyện đặt hồi kết của nó trong cái sự bức bách của nhu cầu được diễn giải. Giá như chưa có chú ngỗng kia, một chú ngỗng xui xẻo không kém Otama thì chuyện tình này có lẽ sẽ ra dáng dấp của một chuyện tình hơn, sẽ kéo dài hơn được mấy trang nữa khi hai nhân vật chính có cuộc trò chuyện thực sự, và như thế câu chuyện sẽ trở nên bi đát hơn cả, có chút phần lâm li.

rồi thì “sự hối tiếc” đã bị hàm răng của “thời gian” hôm qua hôm nay bào mòn góc cạnh rồi được rửa đi bằng nước “cam chịu” nên đã phai màu giờ lại hiện lên trong tâm tư nàng đầy đủ góc cạnh và màu sắc tươi mới.

Giọng kể Mori Ogai cứ trôi vô tình như dòng thời gian mà chỉ có lặng im và lắng đọng mới hiểu thấu. Khoảng cách thời gian và không gian là một lỗ hổng lớn cần được bù đắp khi đọc Nhạn, nhưng câu chuyện không chút nặng nề này thực sự xóa tan đi điều ấy. Những nhân vật cứ xoay nhẹ nhàng quanh cốt truyện vốn chỉ là một ánh sáng nhỏ nhoi từ ngọn nến bên trong chiếc lồng đèn kéo quân mà dịch giả Hoàng Long đã so sánh, nhẹ nhàng hiện lên bức màn vô tình của cuộc sống lặng lẽ mà mỗi người giữ lại cho mình một chút, một chút, một chút một.

Đến đây tôi cũng muốn tự mình diễn giải những điều mình vừa nói, như cách đóng vai tác giả của tác phẩm mà mình vừa đọc. Tôi không muốn cho rằng Nhạn là một truyện ngôn tình hay mang một chút gì dáng dấp như thế. Có lẽ tác giả muốn gửi gắm nhiều hơn nữa nhưng cái phong cách của thời đại và của văn sĩ Nhật Bản nói chung (như ta được chứng kiến từ Kawabata Yasunari là một điển hình) tự phủ lên cho tác phẩm một vẻ hư vô phù phiếm, mà có lẽ nếu tôi nói ra ở đây nhiều hơn nữa sẽ làm mất đi cái tao nhã của cả độc giả lẫn người viết.

One Reply to “Nhạn (Mori Ogai) – Như Một Cánh Nhạn Bay”

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.