Người Tị Nạn (Viet Thanh Nguyen) – Cuộc Chiến Trong Ký Ức

Trong cuốn sách “Nothing Ever Dies: Vietnam and the Memory of War”, Viet Thanh Nguyen đã viết: “Tất cả những cuộc chiến tranh đều diễn ra hai lần, lần đầu ở chiến trường, lần thứ hai ở trong ký ức”, dường như đó cũng là chủ đề xuyên suốt những cuốn sách của ông và “Người Tị Nạn” cũng không ngoại lệ, những nhân vật trong tập truyện ngắn luôn bị chiến tranh ám ảnh và phải chiến đấu cùng nó, dẫu rằng cuộc chiến ở chiến trường đã qua đi từ rất lâu hay thậm chí họ chưa từng sống qua nó, nhưng dù nhiều hay ít, nó vẫn như một vết mực trong cuộc đời họ, không thể nào tẩy xóa được.

Đúng như tên gọi, tập truyện tập trung vào cuộc đời của những người tị nạn, từ tình trạng náo động bên ngoài của họ khi phải rời bỏ quê hương xứ sở để đến một đất nước khác với một nền văn hóa lạ lẫm và thứ ngôn ngữ họ không quen thuộc hoặc là những xung đột sâu sắc hơn, ẩn mình hơn của những thế hệ sau đó, thậm chí được lớn lên ở đất Mỹ, họ vẫn có những mối hoài nghi sâu sắc về cội rễ của mình, sự xa lạ về màu da bản sắc khiến họ có một hố sâu ngăn cách mình với mọi người, kể cả những người thân trong gia đình. Như cô gái cùng người mẹ trong truyện ngắn mở đầu “Những người phụ nữ mắt đen” không thể quên được những ký ức trên chuyến tàu vượt biên và những nỗi đau mà nó mang lại, để rồi bị ám ảnh bởi hồn ma của người anh trai đã mất hay như vị giáo sư trong “I’d love you to want me” trí nhớ suy tàn và những gì hiện về với ông là một tình yêu không rõ từ đâu, nhưng ắt hẳn nó là điều đọng lại trong ký ức của ông về Việt Nam – một nơi đã vĩnh viễn lùi xa.

Một chủ đề xuyên suốt cuốn sách của ông là sự đấu tranh của các nhân vật giữa hai thế giới, giữa những điều có thể chọn lựa và những thứ không thể tránh khỏi, muốn một khởi đầu mới nhưng bị mắc kẹt trong ký ức, giữa những gì thuộc về Việt Nam và những điều hào nhoáng của đất Mỹ. Như trong truyện ngắn khép lại cuốn sách: “Tổ Quốc” kể về hai chị em cùng cha khác mẹ nhưng chia sẻ cùng một cái tên, như thân phận của cùng một người bị chia đôi, một đi đến Mỹ và một ở lại Việt Nam, dù khó có thể nói ai là người hạnh phúc hơn ai, hoặc như người cựu chiến binh trong “Người Mỹ” bất đắc dĩ trở lại Việt Nam theo lời đề nghị của con gái và cậu bạn trai gốc Việt, một phần tâm hồn ông ít nhiều đã nằm lại mảnh đất này, theo những quả bom ông đã thả xuống đây dù ông luôn tìm cách chối bỏ nó.

Một điều đáng tiếc trong tập sách khi được xuất bản ở Việt Nam đó là truyện ngắn “War Years” không được xuất hiện trong tập truyện, câu chuyện mà Viet Thanh Nguyen trong một lần phỏng vấn đã nói rằng đấy là câu chuyện gần gũi với ông nhất gần như là một tiểu sử ngắn về cuộc đời ông, bởi bản chất ông cũng là một người tị nạn, dường như ông cũng có những ám ảnh của riêng mình và ông đã chọn cách viết để kể lại nó, thoát khỏi nó: “Thời thanh niên Mỹ của tôi bị nhồi đầy những câu chuyện khốn nạn như thế, tất cả làm bằng chứng cho những điều má tôi nói, rằng chúng tôi không thuộc về nơi này. Trong một xứ sở mà tài sản định giá trị mọi thứ, chúng tôi chẳng có của cải gì ngoài những câu chuyện.”

Dù phải di tản sang Mỹ khi chỉ mới 4 tuổi, nhưng Viet Thanh Nguyen vẫn thể hiện mình là một người am hiểu văn hóa Việt Nam với cách miêu tả những ngõ hẻm, những vùng đất và những món ăn Việt với sự thân thương triều mến nhưng cũng đậm chất thơ như khi ông miêu tả về nước mắm: “ vốn là món cốt tủy của nghệ thuật nấu nướng Việt Nam, một thứ ủ chắt từ cá có màu của buổi bình minh được điểm vài lát ớt xắt”, chắc ông cũng yêu mến xứ sở này lắm mới có thể viết một cách đẹp đẽ, đầy cảm xúc về Việt Nam đến như thế dù đôi lúc những nhân vật của ông có giận dữ, buồn bã và có chút tủi thân về gốc rễ của mình nhưng họ vẫn không bao giờ chối bỏ nó hoặc không thể nào chối bỏ. Dù tập sách có những phút giây tăm tối và đau đớn, những ký ức vẫn không thể vùi chôn nhưng Viet Thanh Nguyen luôn đem lại ánh sáng cho nhân vật của mình bởi vì ông biết rằng – cũng như ông – những người tị nạn có quyền hy vọng.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.