Không như tên của cuốn sách, phần mà tôi vẫn thường giấu đi khi đọc ở đám đông, Thất lạc cõi người nhẹ đến khôn kham từ văn phong cho đến nội dung. Ta cảm tưởng như đang đọc lén một cuốn nhật ký. Hầu như đọc xong, cuốn sách không để lại gì trong ta nhiều, như những cuộc đời đã đi ngang qua ta không vướng lại trong ta một bận tâm nào. Phải thật đủ và thật đầy sự nhạy cảm để chạm đến nỗi đau giấu kín của Dazai Osamu vốn là một vết thương mưng mủ đang chờ được lở loét:
“Bà có khóc không?”
“Không, tôi chỉ nghĩ rằng đời mà đến thế thì thôi, còn làm gì được nữa”
Sự thật là Thất lạc cõi người không chút mảy may nào làm ta dễ khóc. Thế là câu hỏi ở cuối truyện cứ bám lấy tôi, không biết Dazai cố tình hỏi những độc giả của ông hay đang tự trút lấy phiền muộn vì đó chỉ là một câu hỏi tu từ. Có mấy ai hiểu được lòng ông, ai có thể bôn ba qua những cung đường và cảm xúc đó để hiểu nỗi lòng văn sĩ. Ông thậm chí còn bị dè bỉu khi ông còn sống vì lối sống ăn chơi của mình. Câu hỏi này làm tôi nhớ mãi còn vì nhân vật xưng “tôi” bí ẩn kia liệu có khóc hay không mà câu hỏi ấy lại bật ra trong cuộc trò chuyện, đứng một mình như một chủ đề quan trọng không thể không nhắc đến. Hình ảnh Dazai Osamu tách mình thành một người khác để nhìn lại chính mình quả thật xót xa, từ ngay phần Lời nói đầu của câu chuyện. Những cảm xúc tự chán ghét bản thân được bộc lộ rõ nhất từ đầu, và đến cuối, khi người đàn ông quyết định không sửa những quyển sổ ấy cũng làm ta không có cảm giác ông tôn trọng người viết cuốn nhật ký. Người đàn bà ở khoảng cuối câu chuyện cũng vô tình đưa một lời kết luận ngắn ngủi về cuộc đời Yochan – hóa thân của tác giả trong câu chuyện. Dazai làm ta có cảm thức như ông bi quan cả về cuộc đời mình sau cái chết của ông, cái chết mà chính ông đã mong mỏi và hằng dự báo trước.
Điều đặc biệt mà tôi thấy ở giọng văn hài hước, ở những câu chuyện cười mà ông kể là gần như chính ông cũng đang đóng vai một thằng hề chọc cười người khác trong văn phong, cũng như trong nội dung ông đang viết. Người đọc có thể cười, có thể rất thương, nhưng ông đã tạo khoảng cách với chính độc giả như cách ông đã tạo khoảng cách với “trần gian”. Hiểu được điều đó chính là đã hiểu được sự thất lạc, cái cảm giác tách rời với cuộc sống vô vị mà nhà văn đã cảm nhận suốt cuộc đời. Hình ảnh chú hề ở đây là sự kết hợp hài hòa của cái bi tuyệt với cái hài kịch từ đó che lấp đi cảm tính của người đọc. Khi cảm nhận đến đây, lòng tôi chợt thấy nhức nhối hình ảnh chú hề ấy. Khi thứ văn chương của Dazai Osamu đã ngấm vào như rượu, ta cảm thấy được cái hơi men của sự mất mát và lạc lõng. Cái bi thương của số phận ở câu chuyện càng trở nên đậm nét không phải vì câu chuyện mà vì cường độ của nó cùng với sự câm lặng của tác giả khi càng về cuối truyện vẻ khắc khổ càng giấu kín trong lời kể nhưng hiện rõ hơn qua hành động và lời nói. Như một thứ rượu không say, ta cứ uống và uống nữa nhưng không thể nào chạm tới được cái đáy tửu lượng để cất lên tiếng khóc oan sầu, còn nỗi nào buồn hơn nỗi đau không thể khóc thành tiếng, hơn rượu uống mà không say?
Và lúc đó, thực sự là tôi quyết ý muốn chết.
Trở lại vào khoảng giữa truyện, khi nỗ lực cho cái chết đầu tiên của Yozo chuẩn bị được thực hiện, có lẽ nhiều người đã bỏ qua chi tiết này khi cái chết được đặt mong manh trên sợi chỉ. Chỉ Yozo nhìn cái chết một cách như thế, như một cách sống, như một cách để chịu đựng sự đau khổ không ngơi nghỉ của kiếp người trần thế. Song cái chết ấy không được mãn nguyện, khi cuộc sống đến sự bế tắc, người ta không có quyền được chết, Yozo phải sống để chịu đựng sự đau khổ ông phải gánh chịu.
Dường như còn nhiều điều phải nói hơn nữa khi nhắc đến Thất lạc cõi người, ở đó ta nhìn thấy một góc nhìn đời thú vị của tác giả như chuyện “tiền hết thì tình cũng phai”, thế nhưng điều không thể phủ nhận là văn chương Dazai Osamu không phải là văn chương để chiêm ngưỡng hay thưởng thức, không phải là một thú vui giải trí mà độc giả có thể cảm nhận nếu muốn, văn chương của ông đòi hỏi sự đồng cảm đến xé lòng.
