Phố Academy (Mary Costelo) – Nỗi Hoài Nghi Mang Tên Cuộc Đời

Bắt đầu bằng một cái chết và kết thúc cũng bởi một cái chết, cuốn sách mỏng mảnh tinh tế này gói gọn cuộc đời của một con người với những bi kịch cố hữu của nó, không tô vẽ hay có chút gì màu mè giả tạo, “Phố Academy” khiến người đọc lay động với sự chân thực giản dị dù có lẽ cuốn sách sẽ khiến những ai mong chờ một câu chuyện giật gân hay đón đợi một cuộc đời với nhiều biến cố rợn ngợp phải thất vọng.

Bảy tuổi, cô bé Tess mất đi người mẹ của mình và từ đó người cha của cô rơi vào sự cộc cằn, xa cách, đặc biệt là khi cô bé bị mất giọng nói khi chứng kiến một đứa trẻ vô gia cư qua đời, cô bé trở nên sợ hãi cha mình và ngày càng tạo khoảng cách với cha dù đôi lúc cô bé vẫn cảm nhận được tình yêu mà ông dành cho bé. Mất mẹ, không được cha quan tâm nên dần dần Tess rơi vào trạng thái cô độc dù còn rất nhỏ, những nỗi nhớ, khao khát về mẹ chỉ có thể được em giữ kín trong lòng: “Vậy là ký ức và vết tích về mẹ quyết còn vương khắp nhà – trong phòng, sảnh, cầu thang. Vết lõm chân mẹ in trên thảm, Trên cái ly nước có dấu tay mẹ. Em thầm hỏi liệu trong những đêm ấm áp, lúc toàn bộ ngôi nhà say ngủ, người mẹ dịu dàng của em, hay các hồi ức về bà có trở lại, mang an ủi cùng hứa hẹn đến cho mọi thứ, bù đắp những nhẫn nại đợi chờ. Cả ngoài kia nữa, khoảng sân, chuồng vịt, có nhớ mẹ chăng?” Nỗi đau mất mẹ dần dà cũng nguôi ngoai thế nhưng vết tích về nó vẫn hằn sau trong cuộc đời của Tess dù rằng em vẫn được yêu thương bởi những người anh chị em trong gia đình.

Rời Ireland để di cư sang Mỹ và trở thành y tá trong một bệnh viện nhỏ, Tess bén rễ ở phố Academy và ngày càng lún sâu vào cuộc đời cô độc, buồn bã và không chắc chắn. Ta sẽ theo chân Tess từ khi là một cô gái với những nỗi nhớ khắc khoải về quê hương khi phải tự lập trên một mảnh đất xa lạ, những rung động khát khao của cô với chàng trai mình yêu thương, những nỗi đau đớn khi tình yêu không được đáp lại, niềm hạnh phúc khi được làm mẹ dù có những lúc cô bối rối vì nghĩ rằng một mình cô không thể nuôi được đứa con trai nên người, sự trưởng thành, sự tha thứ, những nỗi buồn và những giọt nước mắt. Mary Costelo khiến người đọc đồng cảm và sống cùng với cuộc đời của Tess, dõi theo từng bước chân của cô với sự rung động đôi lúc khiến trái tim đau nhói, ta cảm thấy một lúc nào đó trong cuộc đời, ta cũng sẽ hoang mang và cảm thấy cuộc sống thật vô định, khó khăn biết bao, đôi lúc ta không thể nào biết rõ ta đang sống hay đang tồn tại, những ngày trôi qua nặng nề như thể ta phải chịu đựng nó, thế nhưng rốt cuộc thì ta vẫn phải tiếp tục bước tiếp và nhìn quanh bên cạnh ta chẳng có ai, ta chỉ có thể một mình quyết định được điều gì sẽ xảy đến với chính bản thân mình.

Cuốn sách nói về cuộc đời một con người bình thường nhưng sao mà buồn thăm thẳm, thật ra cái ý nghĩa đích thực của việc sống trên đời này là gì? Một câu chuyện rất chân thực, không hề có những bất ngờ hay biến cố, nỗi buồn trong cuốn sách không lớn lao hay xa lạ, nó khiến ta nhận ra có những giây phút hoài nghi về cuộc đời của chính mình. Đến một lúc nào đó, cũng như Tess, ta sẽ cảm thấy mệt mỏi với việc đấu tranh với cuộc đời, và những ước ao, dự định, hoài bão ta từng ôm ấp thời trẻ đều không thể trở thành hiện thực. Cuộc đời trước mặt không có gì đáng để ta mong đợi những cũng chẳng thể làm ta sợ hãi, ta sẽ chấp nhận nó như đúng bản chất thật sự của nó với những niềm vui và nỗi buồn, nụ cười và nước mắt, hạnh phúc và đau khổ. Mary Costelo xoáy sâu vào sự bình thường trong cuộc đời của mỗi con người, không có phát minh vĩ đại hay bước nhảy vọt lớn lao, chỉ có nỗi buồn và sự cô đơn ngự trị.
Tình yêu gia đình và sự gắn bó với mảnh đất quê hương cũng là một điểm sáng trong “Phố Academy”, dù không luôn bên cạnh nhưng gia đình và vùng quê Ireland luôn có một vai trò đặc biệt trong cuộc đời của Tess, trong những lúc cô đơn nhất cô nhận ra vẫn có một thành viên trong gia đình ở đâu đó trên cùng đất nước này, và điều đó khiến cô và cả người đọc được ai ủi. Nỗi nhớ khắc khoải về quê hương khiến cô luôn ghi nhớ từng bậc thanh, từng bụi cỏ, nơi đó còn lưu giữ bao kỷ niệm ấu thơ để khiến cô không quên đi gốc rễ của mình và kết nối cô với những thành viên khác trong gia đình. Mary Costelo quả thật rất tinh tế trong việc miêu tả những nối kết ấy một cách đẹp đẽ, vững chắc và khó quên. Và đó có phải là khả năng đặc biệt của văn chương, không chỉ kết nối các nhân vật của mình với nhau và còn có thể kết nối bạn đọc với những nhân vật xa lạ ở những vùng đất xa lạ và nền văn hóa xa lạ.

Dù có thể, trong cuộc đời những phút giây hạnh phúc thật ít ỏi so với nỗi buồn nhưng đó là những điều mà ta luôn nhớ về, những ký ức sẽ sưởi ấm tim ta vào đêm giá lạnh như khi Tess đứng dưới đường nhìn lên căn hộ cũ của mình đang sáng đèn ở phố Academy và nhớ lại những kỷ niệm về đứa con trai, và đối với cô, cuộc đời chỉ cần như thế là đủ, và cô cảm thấy hạnh phúc.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.