Mở đầu cuốn sách “Chuyến Tàu Định Mệnh”, ta có cảm giác như thể mình đang được kể một câu chuyện về một gia đình bình thường, hai vợ chồng hạnh phúc cùng đứa con gái, họ sống khiêm nhường bằng công việc sửa chữa đài phát thanh và đang trong chờ một đứa con nữa chào đời. Cuộc sống của họ trong buổi sáng hôm ấy có vẻ thanh bình, phẳng lặng như mọi buổi sáng trước và sẽ cứ như thế vào mọi buổi sáng sau nữa cho đến khi đài phát thanh thông báo quân Đức đổ bộ vào Hà Lan. Tin tức này đến với Marcel Féron như một số mệnh, như thể anh đã trông chờ điều này từ rất lâu, một cú huýt đối với cuộc đời buồn chán chứa đựng những khúc mắc từ quá khứ mà anh cố chôn vùi nhưng một cách nào đó, nó vẫn luôn ám ảnh anh. Anh cùng người vợ đang mang thai và đứa con gái nhỏ của mình quyết định di tản khỏi Fumay, một thị trấn nhỏ ở Pháp đến một nơi an toàn hơn – nơi an toàn hơn ấy ở đâu, anh cũng không chắc – nhưng dường như đối với anh đích đến không quan trọng bằng việc được trốn chạy khỏi cuộc sống vẫn đang trói buộc anh.
Khi đến ga tàu, anh bị tách riêng ra khỏi vợ và con gái để ngồi toa dành cho những người khỏe mạnh. Dù vẫn ở chung một đoàn tàu nhưng anh gần như không biết được tin tức gì của vợ và con, điều đó lại trở thành một điều nhẹ nhõm và anh bắt đầu hồi tưởng lại quá khứ của mình, khi vào chiến tranh thế giới thứ nhất, bố anh là một người lính chiến đấu ngoài mặt trận, mẹ anh bị cưỡng hiếp và bỏ đi, để anh lại một mình cùng người chủ nhà trọ, khi chiến tranh kết thúc, bố anh trở về, không thể được chữa lành bởi những vết thương do chiến tranh để lại cùng với việc người vợ không còn, ông sa đà vào rượu chè và trở nên cay nghiệt, hằn học với đứa con trai của mình. Bất chấp mọi nỗ lực xây dựng một cuộc sống bình thường, nhưng ẩn chứa bên dưới sự êm đềm đó, Marcel vẫn bị quá khứ chi phối cuộc sống hiện tại, và trên con tàu này anh gặp Anna, người mà bằng cách nào đó, đã mang lại cho anh cảm giác đồng cảm giữa lúc chiến tranh loạn lạc.
Một tai nạn xảy ra khiến cho toa tàu của anh tách khỏi đoàn tàu và anh bị mất hoàn toàn liên lạc với vợ con, và từ đó anh bị cuốn vào cuộc tình chớp nhoáng với Anna: “Một sự nứt rạn đã xảy ra. Điều đó không có nghĩa là quá khứ không còn tồn tại, càng không có nghĩa là tôi đã chối bỏ gia đình tôi và thôi không còn yêu nó nữa. Nó chỉ có nghĩa là trong một quãng thời gian không hạn định nào đó, tôi đã sống trên một bình diện khác, ở đó những giá trị không hề có gì liên quan đến các giá trị cuộc sống xưa cũ của tôi.” Dường như trong chiến tranh, cái khao khát được yêu, được thấu hiểu lại trở nên mãnh liệt hơn, đặc biệt là đối với Marcel, bởi ở trên bờ vực của cái chết, anh nhận ra mình muốn rũ bỏ quá khứ biết dường nào.
Trên chuyến tàu ấy, họ đã đi qua bao thành phố, bao làng mạc, chứng kiến bao cuộc không kích của quân địch hay cái chết của những người bạn đồng hành, mọi thứ đối với họ trở nên mờ mịt, chỉ có cái giây phút hiện tại mới có ý nghĩa, họ sống không phải cho quá khứ hay tương lai và cho những khoảnh khắc ngắn ngủi của hiện tại: “Chúng tôi đang sống ở quãng tạm nghỉ giữa hai lớp tuồng, bên ngoài không gian, và tôi tham lam ngấu nghiến nuốt chửng những ngày và những đêm này”. Và những gì xảy ra giữa Marcel và Anna liệu đó có phải là tình yêu, hay chỉ là cảm giác choáng ngợt của một cuộc phiêu lưu, cảm giác tự do của việc được loại bỏ mọi xiềng xích quy chuẩn giữa một nơi gần như không có ai quen biết, cảm giác khao khát được sẻ chia khi cái chết gần kề, ngay cả Marcel cũng đã có lúc hoài nghi: “Đây là lần đầu tiên tôi nói ‘anh yêu em’ như vậy, thốt lên tự đáy lòng. Phải chăng có thể không phải tôi yêu nàng, mà tôi yêu cuộc đời?” Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, trên chuyến tàu ấy, Marcel và Anna đã thật sự hạnh phúc, dù hạnh phúc ấy thật ngắn ngủi mong manh và sẽ kết thúc bất kỳ lúc nào khi Marcel tìm lại được vợ con, dĩ nhiên, anh sẽ không bao giờ đủ cam đảm để rủ bỏ quá khứ của mình.
Được “gắn nhãn” là “nhà văn trinh thám” và khá thành công trong thể loại này, “Chuyến tàu định mệnh” dường như không phải là thế mạnh của Georges Simenon thế nhưng bằng lối kể chuyện tự nhiên và ít nhiều mang tính tự thuật, ông đã mở ra được những góc khuất trong cuộc đời của con người mà có lẽ chỉ có tình yêu và chiến tranh mới có thể xé toạc nó ra, phơi bày những phần sâu kín nhất.

“Thiên đường thì buồn”