So với hai người chị em của mình trong gia đình Brontë, dường như Anne Brontë là nhà văn lép vế hơn về độ nổi tiếng và sự phổ biến trong lịch sử văn chương thế giới, có lẽ không ai không biết đến “Đồi gió hú” của Emily Brontë hay Jane Eyre của Charlotte Brontë nhưng “Agnes Grey” vẫn là một cái tựa sách khá xa lạ, đặc biệt đối với độc giả Việt Nam, thế nhưng không vì thế mà cuốn sách không có những giá trị đặc biệt của riêng mình và là một tiếng nói không thể thiếu trong nền văn chương khi Anne Brontë đã dũng cảm đề cập đến vấn đề có thể nói khá cấm kỵ lúc bấy giờ: nữ quyền.
Ra đời vào năm 1847, vào thời kỳ giới nữ vẫn còn khá lép vế so với nam giới và gần như thụ động trong mọi việc. Mục tiêu của những người phụ nữ dường như chỉ là để cưới một tấm chồng có sự nghiệp vững chắc và đủ sức chăm lo, bảo bọc họ trong suốt cuộc đời còn lại. Vì vậy ngay từ đầu cuốn sách, khi kể vể cuộc hôn nhân của cha mẹ mình, Agnes Grey đã khiến người đọc khá bất ngờ khi mẹ cô đã từ chối thừa kế một gia sản giàu có để cưới một người chồng mục sư nghèo, dù việc đó đã khiến bà phải ly khai cả gia đình. Một người phụ nữ can đảm từ bỏ gia đình để đi theo tiếng gọi của tình yêu dường như là một việc hết sức kỳ lạ vào thời này, mặc dù vậy bà vẫn không hối hận với quyết định của mình dù phải sống một cuộc đời giản dị, giật gấu vá vai bên chồng cùng hai đứa con gái.
Khi tình hình sức khỏe của bố sa sút, Agnes Grey quyết định mình sẽ chọn nghề gia sư để trang trải cuộc sống và phụ giúp gia đình, một quyết định hết sức táo bạo bởi vào những năm ấy, kiếm tiền dường như là đặc quyền của nam giới. Bằng sự đam mê và niềm tin vững chắc của mình, Agnes Grey đã thuyết phục được bố mẹ và đến với gia đình Bloomfields và sau đó là gia đình Murrays để làm gia sư, từ đây một cuốn sống mới đã mở ra với cô.
Hình ảnh Agnes Grey ắt hẳn rất thân thuộc với những người làm trong ngành giáo dục với những khó khăn, trở ngại cô gặp phải trong việc phải dạy dỗ những đứa trẻ nhà giàu hư hỏng, ngỗ ngược nhưng được bố mẹ bảo bọc một cách mù quáng và đổ mọi lỗi lầm cho người gia sư khi đã thất bại trong việc uốn nắn con cái họ vào nề nếp. Họ yêu cầu Agnes Grey phải dạy dỗ con cái họ có đức tính của một quý ông hay một tiểu thư nhưng lại thiếu sự tôn trọng cô, dẫn đến những đứa trẻ cũng chẳng xem lời nói của cô có giá trị, và mọi cố gắng nỗ lực của cô dường như chẳng mang lại một sự thay đổi nào. Một trong những vấn đề rất lớn mà Agnes Grey gặp phải đó là sự phân chia giai cấp, khi cô chỉ giống như một người làm công nhưng cũng chẳng phải là kẻ hầu trong nhà, cô bị mắc kẹt giữa hai tầng lớp nên dường như không có lấy một người bạn, phần lớn thời gian cô đều đọc sách hoặc lang thang một mình vì không ai muốn trò chuyện với cô – một người khác tầng lớp với họ.
Agnes Grey là một cô gái cực kỳ hiện đại, những suy nghĩ tiến bộ của cô đến tận bây giờ (hơn 150 năm kể từ lần đầu tiên cuốn sách xuất bản) vẫn không có chút dấu hiệu lỗi thời, cô đề cao tầm quan trọng của giáo dục và sự quan tâm của bố mẹ đối với con cái trong việc học hành của chúng, cô luôn đấu tranh để bảo vệ lẽ phải và tin tưởng rằng người phụ nữ nên chọn tình yêu và người bạn đời mình cho là xứng đáng thay vì bị động để bị ép vào một cuộc hôn nhân dàn xếp, cô cho rằng cần trau dồi trí tuệ thay vì lúc nào cũng quan tâm đến sắc đẹp (dù cô không phủ nhận nhan sắc có những giá trị và sức mạnh riêng của nó).
Có thể nói Anne Brontë là một nhà văn rất dũng cảm khi đã đề cập đến những vấn đề khá cấm kỵ vào thời đó, và cuốn sách của bà dường như dự báo trước được tương lai khi vai trò của giới nữ ngày càng trở nên quan trọng hơn trong cuộc sống hiện đại, không chỉ vậy, những quan điểm về giáo dục của bà được gửi gắm thông qua Agnes Grey đến tận bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Dường như với Agnes Grey, bà không chỉ kể câu chuyện của một người gia sư, mà bà muốn kể câu chuyện của một người phụ nữ.

“Thiên đường thì buồn”