Anne Tyler – Nhà Văn Của Những Lát Cắt Cuộc Đời

Cuốn sách đầu tiên tôi đọc của Anne Tyler là “Du khách bất đắc dĩ”, cách đây cũng đã 7 năm, khi ấy tôi vẫn chưa biết bà là ai và bà viết về điều gì, tôi chọn đọc cuốn sách đơn giản vì cái tên gợi cho tôi nhiều tò mò. Sau khi đọc cuốn sách, tìm hiểu thêm về Anne Tyler tôi mới biết bà là một trong những nhà văn Mỹ nổi tiếng nhất hiện nay, nhưng sự xuất hiện của bà ở Việt Nam lại âm thầm, lặng lẽ và dễ dàng rơi vào lãng quên dù “Du khách bất đắc dĩ” chính là cuốn sách nổi tiếng nhất của bà. Những lời nhận xét về cuốn sách của bạn đọc Việt Nam khá ít ỏi và hầu hết đều tỏ rõ sự thất vọng vì sự nhàm chán thậm chí có phần nhạt nhẽo, không có cao trào của cuốn sách, tôi cũng không ngoại lệ, nhưng có gì đó trong cách viết của Anne Tyler khiến tôi cảm giác rung động dù tôi vẫn mong chờ một sự bùng nổ hơn ở cái cốt truyện dường như không có gì đặc biệt.

Ngay sau đó một năm, “Hôn Nhân Amatơ” được xuất bản tại Việt Nam, và tôi một lần nữa vì tò mò và muốn cho bản thân mình một cơ hội đọc thêm một cuốn sách của bà, để hiểu thêm lý do tại sao sách của bà luôn được đánh giá cao và đoạt nhiều giải thưởng. Cũng như “Du khách bất đắc dĩ”, “Hôn nhân Amatơ” không được chào đón nồng nhiệt ở Việt Nam và số người đọc nó cũng khá ít ỏi với lời nhận xét khá giống như cuốn đầu: nhàm chán và không có gì lôi cuốn. Thế nhưng đối với tôi “Hôn nhân Amatơ” lại là một cuốn sách vô cùng đặc biệt, bởi đây chính là cuốn sách khiến tôi yêu mến Anne Tyler với tư cách một nhà văn và hoàn toàn bị thuyết phục bởi lối viết tinh tế của bà, và với lối kể chuyện quá sức chậm rãi không có chút gì kịch tính sẽ rất dễ làm nản lòng những độc giả không kiên nhẫn thế nhưng đối với tôi chính cốt truyện như vậy mới làm nổi bật lên được chiều sâu và biến chuyển tâm lý trong những mối quan hệ bình thường nhưng cực kỳ phức tạp của bà.

Bẵng đi một thời gian, Anne Tyler gần như mất hút khỏi Việt Nam, tôi cũng quên mất bà cho đến khi “A Spool of Blue Thread”, cuốn sách mới nhất của bà, lọt vào vòng chung khảo giải Man Booker năm 2015, dù không giành chiến thắng nhưng tôi quyết định tìm đọc để một lần nữa bị ấn tượng với lối viết độc đáo của bà. Và “A Spool of Blue Thread” trở thành cuốn sách tôi yêu thích nhất của Anne Tyler đến thời điểm này (dù thật ra tôi mới chỉ đọc 6 trong số 20 cuốn tiểu thuyết của bà).

Thời buổi mà người ta yêu thích những câu chuyện giật gân, những tình tiết bất ngờ thì một nhà văn như Anne Tyler thật sự hiếm có khi bà vẫn trung thành với sự chậm rãi, giản dị của bà như mọi cuốn tiểu thuyết khác, bà không có chút nào vội vã hay ép buộc nhân vật của bà phải có những biến cố hay những phát minh vĩ đại, bà chỉ đơn giản kể chuyện về một gia đình bình thường với sự tinh tế, khéo léo và ngập tràn những tình tiết ấm áp dù đôi khi, cũng có nỗi buồn, nhưng bà khiến tôi tin rằng, dù nỗi buồn ấy có sâu đậm, lớn lao thế nào thì cũng sẽ vượt qua. Câu chuyện giản dị của bà như một cuộn chỉ, cứ từ từ tuôn ra, chạy dài ra một cách từ tốn, khiến người đọc dễ chịu và đặc biệt là khiến người đọc tin vào câu chuyện bà kể, bởi cách bà viết không hề có chút gì màu mè, giả tạo. Dĩ nhiên một câu chuyện gia đình thì phải có những lúc thăng trầm, nhưng bà không hề kể một cách dồn dập, bà thích mô tả nội tâm nhân vật nhiều hơn, với cách thay đổi góc nhìn liên tục, bà dễ làm nản lòng những người đọc không kiên nhẫn hoặc mong đợi một câu chuyện nhiều kịch tính. Bà gieo vào lòng tôi tình yêu, đặc biệt tình yêu đối với nơi được gọi là “nhà”, mà dù bất cứ chuyện gì xảy ra, ta cũng có thể quay về. Sách của bà đặc biệt hợp cho những đêm dài yên tĩnh, khi ta tận hưởng những khoảnh khắc nhỏ bé, ấm cúng mà bà bày biện ra cho người đọc. 

Khi bắt đầu đọc một cuốn tiểu thuyết của Anne Tyler, ta chẳng khó đoán được bối cảnh và những nhân vật trong cuốn sách: Một gia đình bình dị ở Baltimore, thế nhưng vẫn có những điều bất ngờ mà Anne Tyler chắc chắn sẽ mang lại bằng lối viết bình thản, tự nhiên đến kỳ lạ của bà. “Dinner at Homesick Restaurant” là một ví dụ như thế, bà kể về gia đình Tull với sự sáng suốt nhưng cũng rất đỗi dịu dàng, cứ mỗi một chương sách, ta lại được xem câu chuyện của gia đình Tull với góc nhìn của từng nhân vật, để có cái nhìn đa diện và toàn cảnh về họ, để thấu hiểu tại sao họ lại tìm cách đào hố sâu ngăn cách mình với những thành viên khác trong gia đình, một điều mà khiến tôi luôn thấy đau lòng và nuôi hy vọng bằng cách nào đó, Anne Tyler với khả năng đặc biệt của mình, sẽ hàn gắn họ.

Bà luôn xoáy sâu vào mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, một mắc xích không thể thiếu trong cuộc đời mỗi người, có thể là mối quan hệ giữa vợ chồng, giữa bố mẹ và con cái hay giữa các anh chị em trong gia đình, các nhân vật của bà đặc biệt sống động và chân thật, và chính bởi sự chân thật này của bà đã khiến các cuốn sách bà viết trở nên đặc biệt, những điều bình thường bà kể lại biến thành những thứ có sức nặng không ngờ. Bà miêu tả nỗi buồn, niềm vui, sự nuối tiếc của các nhân vật với sự thấu hiểu kỳ lạ, bà hiểu được những tình cảm và rối rắm ẩn bên trong sự êm đềm, bà hiểu được những nỗi thất vọng và những cơn sóng ngầm nằm dưới những mối quan hệ.

Source: https://robertarood.wordpress.com/2010/03/08/books-to-talk-about-a-personal-view/

Những cuốn sách của bà khiến tôi rung động nhưng đôi lúc cũng xé nát tim tôi, dù bà luôn là nhà văn hài hước và thông thái với những tình tiết bất ngờ, những lúc ta cứ ngỡ đoán được những gì bà viết thì bà lại dẫn ta đi theo một con đường khác, và phải cảm giác ngỡ ngàng vì ta đã nghĩ quá xa bởi bà vẫn trung thành với con đường của mình: miêu tả về những người bình thường với những mối quan hệ bình thường và những cuộc đấu tranh bình thường. Nếu những nhà văn khác luôn lựa chọn cho mình những đề tài vĩ mô, những câu chuyện đầy kịch tính thì Anne Tyler luôn quay lại với những gì bà tin tưởng, và chính điều đó khiến những cuốn sách của bà chiếm trọn trái tim tôi.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.