Lửa Thương Yêu Lửa Ngục Tù (Erich Maria Remarque) – Sự Sống Run Rẩy Trên Vùng Đất Chết

Đến tận những trang cuối cùng, ta vẫn không thể biết được nhân dạng thực sự của người tù 509 – nhân vật trung tâm của cuốn sách “Lửa thương yêu lửa ngục tù”. Điều ta biết chỉ là một số hiệu đã đóng đinh vào số phận của anh ta như một định mệnh, bởi vì ở trong trại tập trung, nhân dạng con người không phải là một thứ đáng để lưu tâm, khi tất cả những điều ta cần chỉ là giữ gìn mạng sống dù lúc ấy cái chết lại mang một ý nghĩa giải thoát hơn là một gánh nặng.

Là nhà văn sống qua hai cuộc chiến tranh thế giới, Erich Maria Remarque nổi tiếng với những cuốn sách viết về chiến tranh với tấm lòng yêu thiết tha hòa bình và phản đối những cuộc chiến tranh phi nghĩa, với “Lửa thương yêu lửa ngục tù”, ông khai thác một góc nhìn bên ngoài tiền tuyến, đó là trại tập trung vào những năm cuối chiến tranh thế giới thứ II: nơi những con người thoi thóp bị tướt hết nhân tính để sống như những con vật và bị đối đãi như những con vật chờ đến ngày giết thịt: “Những cái bóng ở đây đã bị đồng bọn phía bên kia quên lãng từ lâu. Đó là sự còn lại của sự sống đang run rẩy trên vùng đất chết.”

509 cùng những người bạn tù của mình cố gắng níu lấy sự sống với hy vọng một ngày được thoát khỏi cái địa ngục trần gian, dù họ chỉ tồn tại như những bộ xương, đói ăn đói mặt, bị dồn ứ trong một căn phòng chật ních người, đến độ cái chết của một người lại là sự thanh thản cho những người còn lại, vì điều đó có nghĩa họ sẽ có thêm một khoảng trống, dù là nhỏ bé để khỏi phải co quắt và xếp chồng lên nhau. Họ tìm đủ mọi cách để kiếm lấy cái ăn, họ thông đồng với những người đầu bếp để được vài giọt súp loãng hay người giao thực phẩm để được một mẩu thịt đủ dính răng và thậm chí cả những cô gái điếm phục vụ cho sĩ quan Đức để được lén lút dúi cho một mẩu bánh quy. Cái chết treo lơ lửng trên đầu họ và có thể đổ xuống bất cứ lúc nào, cái chết diễn ra rất nhiều cách, mỉa mai thay, cái chết vì đói, vì rét, vì bệnh tật vẫn là cái chết nhẹ nhàng và thanh thản gấp nhiều lần so với việc bị tra tấn hành hạ bởi quân đội Đức: “Móc treo cổ trên tường chỉ cao vừa đủ để chân người hành hình không chạm đất. Chết theo cách này rõ ràng tốn nhiều thời gian hơn. Nếu dùng giá treo cổ thông thường, cổ sẽ gãy ngay khi thân buông thõng xuống. Nhưng “đế chế nghìn năm” đã đổi mới tư duy. Giá treo cổ được làm ra để gây cái chết nghẹt từ từ. Giết người không đơn giản là giết người nữa, mà phải giết sao cho thật chậm rãi và tàn khốc.”

Song song với trại tập trung là hình ảnh quân đội Đức đang vào thời kỳ khủng hoảng khi bắt đầu thất thế trên chiến trận, họ bắt đầu hoang mang và sợ hãi, niềm tin bị lung lay khi nghe tin đế chế hùng mạnh đang bị quân Đồng Minh lấn áp. Dần dần, quá khứ của họ cũng từ từ hé lộ, họ có thể là những kẻ cơ hội lợi dụng chiến tranh để trở thành sĩ quan, hoặc đơn thuần chỉ là những kẻ có niềm tin mãnh liệt vào Đức quốc xã… Dù sao đi nữa, phát xít Đức cũng huấn luyện họ một cách xuất sắc để khiến họ tin rằng những con người trong trại tập trung kia không cùng dòng dõi người với họ mà chỉ là những sinh vật hạ đẳng đáng để họ chà đạp và không đáng rủ chút tình thương nào.

Lạnh lùng và chi tiết, Erich Maria Remarque mô tả trại tập trung – một nơi mà ta không dám tin đã từng tồn tại trong lịch sử – khiến người đọc không khỏi rùng mình, ngay cả danh tính của trại tập trung cũng không được ông đề cập, phải chăng ông muốn nói rằng, đây là thảm cảnh đã diễn ra ở hơn 12.000 trại tập trung trải dài khắp châu Âu của Đức quốc xã, không nơi nào là ngoại lệ? Đến tận khi chiến tranh kết thúc, những người Do Thái đã ra khỏi trại tập trung, nhưng nỗi đau về tinh thần liệu có thể nguôi ngoai: “Bây giờ, sự thật đã hiện ra trước mắt, trên đó không hề có bóng dáng của khu vườn địa đàng với các phép màu, với những cuộc sum vầy, với những năm tháng đi ngược thời gian về cái thuở không thống khổ. Trên đó, họ chỉ thấy trải dài một tấm thảm cô đơn với những nỗi xót xa, với sự mất mát quá nhiều và phía trước đó là sa mạc hoang liêu có một ốc đảo mang tên hy vọng.”

Dù là một tác phẩm hư cấu nhưng “Lửa thương yêu lửa ngục tù” vẫn có sức mạnh như một bản cáo trạng, nhưng vượt lên trên tất cả, đó còn là bài ca về tình người trong một nơi nhân tính bị tướt đoạt, về tình yêu nảy mầm trên vùng đất chết, về những hy vọng tưởng chừng đã dập tắt từ lâu và về niềm tin về một cuộc sống hạnh phúc, bình yên khi chiến tranh đã lùi xa.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.