Những Ngã Tư Và Những Cột Đèn (Trần Dần) – Một Khát Khao Định Vị

Sự lựa chọn trong thân phận con người luôn là một chủ đề lớn trong văn học. Viết, nghĩa là đặt nhân vật dưới ánh sáng thường trực của tình thế, là soi chiếu những bước ngoặt lựa chọn như một cách phản ứng với thực tại, một cách sống mà qua đó con người biểu hiện thân phận của chính mình. Hầu hết, chúng ta là những thân phận bất khả tri, dù không hay có nhiều chọn lựa. Từ đó dấy lên trong ta một khát khao định vị. Trần Dần đã tài tình vẽ nên bức bản đồ của mê lộ cuộc đời, trong đó con người xê dịch trên dòng thời gian, không ngừng định vị mình mỗi khi quyết định rẽ một ngã tư hay đo kích cỡ của mình bằng cái bóng dưới ánh sáng mờ nhạt của những cột đèn đường.

Sau khi có cơ hội tiếp xúc với những ngụy binh cũ thời Pháp thuộc, quyển tiểu thuyết này ra đời không chỉ để nói về một giai đoạn lịch sử mà hơn hết nó là một tình thế để Trần Dần nói về thân phận con người. Nhân vật chính là Dưỡng, kẻ đứng trên hai chiến tuyến, kẻ lên xuống giữa hai chế độ phải ngày ngày chạy trốn. Chạy trốn cái tội lỗi mà anh đã biết cho đến tìm kiếm tội lỗi mà mình không biết. Bằng sự kiện phát súng nổ ra năm 1955 ngay trong sân nhà Dưỡng, các nhân vật bị xoay vần trong một âm mưu chính trị, trò chơi của tình bạn, tình yêu trong đời. Quyển tiểu thuyết trinh thám này không chỉ hấp dẫn ở việc truy tìm thủ phạm mà qua đó con người truy tìm thân phận mình trong một thế giới nhiều bất trắc, xa lạ, bất khả thấu hiểu. Những người bạn đồng ấu của Dưỡng lộ diện là những kẻ hèn nhát, dối trá, mưu mô. Có một ngày chúng dẫn tay nhau vào tận cùng ngõ hẹp của tuổi thơ, vứt lại thơ ngây mình ở đó, mãi mãi, để lớn lên và bước ra ngoài mê lộ cuộc đời, mỗi đứa chọn một ngả rẽ và trở thành kẻ khác. Nhưng không phải ngả nào cũng là một lựa chọn, đó có thể chỉ là sự đưa đẩy vô tình bởi một thành phố láo nháo. Láo nháo gió, láo nháo người, láo nháo cả những bước chân lầm lạc. Có những đêm tím hay đêm trắng, Dưỡng lang thang qua những ngã tư tối căm, không đèn. Nếu có đèn, Dưỡng sẽ đo chiếc bóng của mình để thấy mình sao mà xa lạ, sao mà bú dù, sao mà hủi. Cũng có những ngày, Dưỡng thấy cuộc đời mình bị theo dõi, giam hãm bởi ánh mắt dò xét của kẻ lạ xa cách mình chính xác một khoảng những cột đèn đường trong một lịch trình chính xác những tờ giấy lịch. Ngã tư và những cột đèn là các dấu mốc để con người lựa chọn, định vị mình hay để con người định vị nhau. Khi tìm thấy nhau con người sẽ làm gì ? Có thể tranh thủ giết nhau khi định vị con mồi trong một ngả rẽ không đèn? Còn chính bản thân một người định vị chính mình để làm gì, nếu không phải là nỗi âu lo về tính bấp bênh trong thân phận mình. Ta vừa có, vừa không, hiện ra mờ ảo như tia ánh bạc lấp lóa trên đầu con sóng.

Điểm tài tình của Trần Dần là biểu hiện những điều đó trong một hình thức cấu trúc độc đáo. Cuộc đời mê lộ được biểu hiện bằng cấu trúc mê lộ: như dụng ý của Trần Dần ghi chú đầu bản in, “Coi như cuốn sách gồm từng ô, như ô ruộng đầy chữ. Giữa các ô có những vệt trắng, 1 dòng, 3 dòng, 5 dòng như bờ vùng, bờ thửa. Những vệt trắng này, xin để trắng, đừng đánh sao” Ta hình dung mỗi ô vuông là khoảng đường đi được ngăn cách nhau bằng những khoảng trắng của ngã tư, khoảng trắng của thời gian, khoảng trắng của lời kể khi chuyển tiếp lời kể của nhân vật hay của người trần thuật. Ở những trang đầu tiên, trong cuộc chạy trốn của mình, Dưỡng kể về việc mình đi qua những con đường xen kẽ những đồng không. Có thể Trần Dần dụng ý rằng con người đã lấp đầy cái đồng ruộng xơ xác, hoang vu của đời mình bằng câu chữ. Tiếp nữa, quyển sách này kết cấu như ô vuông nhỏ chứa trong ô vuông to, là nhật kí của người kể viết về bản nhật kí của Dưỡng, là quyển sách viết về một quyển sách. Hay hình ảnh ô vuông tím, ô vuông xanh như cách con người tìm đời mình trong khung nhìn hạn hẹp hay một biểu đạt hạn hẹp. Trần Dần sử dụng một trường biểu tượng như ngã tư, cột đèn, bản đồ, cửa,… Đặc biệt, hình ảnh đường tuyến tính thời gian liên tục được lặp lại như một suy nghiệm về thời gian. Các con số ngày, tháng, nhiệt độ được ghi chính xác với dụng ý định vị. Đọc quyển sách này cũng chính là lọt vào trò chơi ngôn từ của Trần Dần. Sự tháo ghép, đảo trộn cho thấy sự bất lực, mò mẫm ý nghĩa cuộc đời trong thực tại ngôn ngữ. Chẳng hạn như “những cột điện không đèn”“những cột đèn không điện” hay “6 giờ 20, không có gì quan trọng xảy ra. Nhưng có một cái gì không quan trọng nữa, đang xảy đến. 6 giờ 21, Thời gian không trôi, vì thời gian có trôi, thì cũng không còn ý nghĩa”.

Dưỡng hay lặp lại “I như trong thánh kinh…” trước các câu nói của mình. Như để khẳng định cho mình một chân lí, như để xoa dịu nỗi lo sợ, như để chắc chắn thêm rằng cuộc đời này là có thật “I như trong thánh kinh” với tất cả những điều khó tin nhất. Rồi một ngày, Dưỡng thốt lên: “Trời ơi, I như trong thánh kinh, tôi nói tôi sẽ chết”. Tôi sẽ chết ở đâu đó trong một ngôi nhà, có cửa sổ nhìn ra mê lộ cuộc đời, hay chết giữa cuộc đời, giữa những ngã tư và những cột đèn. Chúng định vị sự sống và cái chết của tôi.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.