Và Rồi Núi Vọng (Khaled Hosseini) – Khắc Khoải, Âm Vang và Ngọt Ngào

Ngay từ nhan đề của cuốn sách, ta đã có một linh cảm về những gì cuốn sách mang lại: một câu chuyện khắc khoải, âm vang mãi ngay cả khi ta đã đóng cuốn sách lại, những mảnh đời trong “Và Rồi Núi Vọng” sẽ tiếp tục bám lấy tâm trí ta với cái cảm giác mất mát, không trọn vẹn khó nói nên lời. Nhưng tất cả những gì đọng lại vẫn có chút gì đó ngọt ngào, như cái cảm giác an ủi mỗi khi ta đứng trên một ngọn núi mà phóng tầm mắt ra xa nhìn ngắm “những ngọn đồi mềm mại và bầu trời cao xanh, mặt trời lặn sau cối xay gió, và trùng trùng điệp điệp là những dãy núi mù sương cứ mờ dần, mờ dần nơi chân trời.”

Cũng như những dãy núi trùng điệp, những câu chuyện trong “Và Rồi Núi Vọng” chứa đựng bao nhiêu tầng cao típ tắp, cứ đều đặn xếp lên nhau, liên kết với nhau dù mỗi câu chuyện đều như một ngọn núi có thể đứng riêng một cách vững vàng mà vẫn hòa hợp với nhau để tạo thành một khung cảnh đầy choáng ngợp. Lựa chọn cách kể chuyện có phần khó nắm bắt, Khaled Hosseini đưa người đọc đến những vùng đất khác nhau với những mốc thời gian thay đổi liên tục, với mỗi chuyện ông lại thay đổi một người kể chuyện mới với một góc nhìn mới, như một bộ xếp hình khổng lồ, mỗi nhân vật như một mảnh ghép được ông giao phó những bí mật để tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh. Bằng cách nào đó, mỗi nhân vật đều có liên kết với nhau, dù đôi lúc sự liên kết đó chỉ như một sợi chỉ mỏng manh nhưng lại rất chắc chắn không dễ dàng gì đứt gãy, mối liên kết dù đôi lúc vô hình không thể nhận thấy nhưng đã góp phần thay đổi số phận của họ theo những cách khác nhau.

Chương mở đầu của cuốn sách đã báo hiệu với ta một cuộc chia ly, khi người bố kể cho hai đứa con yêu dấu một câu chuyện cổ về một con quái vật div chuyên bắt cóc những đứa trẻ nhỏ để ăn thịt. Trong câu chuyện ấy, người bố của năm đứa con đành phải chọn một người để dâng lên quái vật, phải chia cắt người con ấy với bố mẹ và anh chị em mà nó yêu quý. Abdullah và Pari đã nghe câu chuyện ấy với sự háo hức và hồn nhiên của tuổi nhỏ mà đâu thể biết rằng đó là những nỗi niềm Saboor muốn gửi gắm vào câu chuyện dành cho hai đứa con của mình vì ông đã đồng ý bán Pari cho một gia đình giàu có, phần vì túng thiếu, phần vì muốn cô con gái mình có được một cuộc sống tốt hơn.

Như một mối nối trong tấm thảm tinh xảo, khi bị đứt sẽ kéo theo những mũi thêu còn lại cũng bị tuột ra. Thỏa thuận giao Pari cho gia đình Wahdati cũng đã kéo theo hàng loạt những sự kiện khác mà có lẽ chiến tranh cũng là thứ đã góp vào nhiều nhất. Chiến tranh đã thúc đẩy những mất mát, những cuộc chia ly, những cuộc di cư và cả sự lãng quên. Khi chứng kiến cuộc đời các nhân vật biến động, thì cũng là lịch sử của đất nước Afghanistan rơi vào sự hỗn loạn và xung đột đỉnh điểm của các sắc tộc, tôn giáo và các đảng phái. Khi cuộc đời của các nhân vật được phơi bày cũng là mặt trái của chiến tranh, đồng tiền hé lộ: “Tôi ngộ ra rằng thế giới không nhìn thấu bên trong ta, rằng nó chẳng hề quan tâm đến hy vọng, ước mơ, và nỗi đau vốn được ẩn giấu dưới lớp da thịt. Nó đơn giản, ngu xuẩn và tàn nhẫn như thế đấy.” Ta sẽ căm phẫn cuộc chiến tranh vô nghĩa (mà cũng đâu có cuộc chiến tranh nào có ý nghĩa – như một nhân vật trong cuốn sách bẽ bàng nhận ra) đã chia cắt bao gia đình, đã cướp đi sinh mạnh bao người đặc biệt là những đứa trẻ vô tội.

Thế nhưng chớ lầm lẫn cuốn sách đầy rẫy những điều u ám, thậm chí ngược lại, “Và Rồi Núi Vọng” tràn ngập tình yêu, dù đôi lúc, các nhân vật của ông (cũng như bao người trong chúng ta) bối rối và không biết phải đối mặt với nó như thế nào: “tình yêu ông dành cho tôi cũng thật, bao la và vĩnh hằng như bầu trời kia, và rằng nó cũng luôn đè nặng xuống tôi. Đó là kiểu tình yêu mà sớm hay muộn cũng sẽ dồn ta vào một lựa chọn: thoát ra hay ở lại chịu đựng sự mãnh liêt của nó dẫu cho nó có siết chặt ta thành một thứ nhỏ bé hơn cả bản thân mình.” Cũng như hai cuốn sách trước của ông, Khaled Hosseini vẫn giữ được giọng văn hồn hậu, đậm chất thơ và cả những tình tiết giàu lòng nhân ái, ông khiến ta không ngăn được nước mắt trước những mất mát của các nhân vật nhưng đồng thời lại sưởi ấm trái tim ta bằng sự hàn gắn kỳ diệu trong các câu chuyện của mình: “Tôi cảm thấy chao nghiêng, một điều gì đó trở nên sáng rõ. Một thứ gì đó bị xé toạc bấy lâu giờ đã được hàn gắn lại. Và tôi cảm thấy một cơn xao động nhẹ nhàng trong lồng ngực mình, tiếng thịch đùng đục của một trái tim khác đập trở lại bên trái tim tôi.”

Điều gì đã khiến những cuốn sách của Khaled Hosseini được đọc, đón nhận và yêu thích trên khắp thế giới, phải chăng đó là khả năng kể chuyện hấp dẫn, độc đáo và ấm áp của ông, hay đó là sự tò mò của các độc giả về Afghanistan – đất nước mà ta luôn nghe trên các chương trình thời sự về bạo loạn, chiến tranh mà không thực sự hiểu rõ tâm tình của con người nơi đây, hay phải chăng bởi Khaled Hosseini luôn viết câu chuyện từ trái tim của ông, khi tấm lòng của ông luôn hướng về quê hương nhiều bất ổn, và những gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến được trái tim của người đọc.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.