Ở Hàn Quốc, mùa thu được xem là mùa đẹp nhất trong năm, mùa của những vụ mùa đầy sung túc, no đủ, mùa của lễ hội vui tươi, nhộn nhịp, mùa của thời tiết dịu dàng, ấm áp, có lẽ chính vì thế mùa thu được chọn làm thời gian chính cho cuốn sách “Trăng có biết không”, một cuốn sách nhẹ nhàng, trong trẻo và tràn ngập những khoảnh khắc ấm cúng, ngọt ngào, dù đôi lúc, vẫn có những nỗi buồn tủi, cô đơn.
Nhân vật chính của cuốn sách là cô bé Song-hwa, không có bố lẫn mẹ, cô bé sống với người bà làm nghề thầy cúng – một nghề nghiệp kỳ dị và cũng trở thành mục tiêu trêu chọc, chế giễu của bạn bè đồng trang lứa nên cô bé phải lủi thủi một mình. Người bà của Song-hwa khá giống với những bà lão ở các vùng quê, luôn kiêng cử các vận rủi và tin vào sức mạnh của thần linh, và cũng như mọi người bà khác, bà của Song-hwa luôn tràn ngập tình yêu và sự dịu dàng cho đứa cháu gái duy nhất của mình và cả những người xung quanh.
Ngôi làng Ánh Sáng là một vùng quê nhỏ bé, thanh bình nơi người dân sống với nhau một cách chan hòa, Song-hwa và bà sống trong một căn nhà nhỏ đơn sơ ở tít ngọn đồi cách xa với mọi người xung quanh nên cô bé không khỏi cảm thấy cô đơn, và một dịp tình cờ may mắn cô nhặt được một chú chó và khám phá được câu chuyện của cô bạn Yeong-bun có một người bố say xỉn và thường xuyên đánh đập cô bé, từ đó hai cô bé trở thành những người bạn thân thiết. Từ đó hai cô bé đã ở bên cạnh nhau cùng vui chơi và chia sẻ những nỗi buồn khi cả hai cô bé đều thiếu vắng tình yêu của đấng sinh thành. Tình bạn của hai cô bé giản dị, đáng yêu và vô tư lự như độ tuổi 12 của họ:
“Ông trăng mọc ban ngày kia sẽ vừa là bố vừa là cậu.
Cậu nói vậy là sao?
Trăng mọc ban ngày thì không nhìn rõ được nhưng chắc chắn vẫn ở trên trời kia đúng không.
Vậy thì sao?
Dù cho tớ không thấy được cậu ở Seoul nhưng trong lòng tớ, cậu giống như trăng ban ngày vậy.
Song-hwa này, cậu cũng là trăng ban ngày của tớ”
Ta sẽ thấy được thiên nhiên xinh đẹp cũng như những truyền thống của vùng quê Hàn Quốc vào thu qua câu chuyện của Song-hwa, để thấy được rằng lễ hội trung thu quan trọng như là tết Nguyên Đán và chứng kiến lễ gut vô cùng đặc biệt của vùng Jindo. Nhân vật bà của Song-hwa như đại diện cho thế hệ người già của Hàn Quốc bấy giờ, chịu quá nhiều mất mát và nỗi đau, rời khỏi Triều Tiên để đến với vùng đất Hàn Quốc mà phải rời xa chồng và không biết bao giờ gặp lại, đứa con bị loạn lạc mất tích trong chiến tranh, tìm lại được rồi tiếp tục rời xa, bà vẫn luôn hi vọng một ngày Nam-Bắc Hàn thống nhất để bà được nhìn thấy lại mảnh đất quê hương, bà luôn bị chiến tranh ám ảnh bởi vì chính chiến tranh đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời bà, mà bước ngoặc lớn nhất chính là việc lựa chọn trở thành thầy cúng: “Nếu nói cuộc sống mệt mỏi chán chường của bà là số mệnh thì điểm bắt đầu số mệnh ấy chính là chiến tranh. Bà đã chứng kiến quá nhiều cảnh đau thương do chiến tranh gây ra đến mức rùng mình khi nghe đến tiếng Việt Nam.”
Mặt trăng trong câu chuyện luôn lơ lửng trên bầu trời cao thăm thẳm như là nhân chứng cho mọi điều, là nơi Song-hwa gửi gắm nỗi buồn và mong muốn được gặp bố trong những đêm trên đồng vắng, là ánh sáng soi rọi câu chuyện của bà Song-hwa khi bà ôm cháu vào lòng và kể câu chuyện đời mình, là bằng chứng cho tình bạn vững bền của Song-hwa và Yeong-bun, là dấu hiệu của một vụ mùa bội thu và một lễ hội rực rỡ ánh đèn…
Với giọng văn mộc mạc kèm những tranh minh họa rất đậm dấu ấn Hàn Quốc, “Trăng có biết không” như một câu chuyện nói về lịch sử, văn hóa và cả những vấn đề của đất nước Hàn Quốc đương đại qua lăng kính hồn nhiên của trẻ thơ dành cho những tâm hồn luôn yêu thích những câu chuyện đáng yêu, vừa vặn như một câu chuyện cổ tích hiện đại.

“Thiên đường thì buồn”