Thông thường chúng ta đều thấy những tác phẩm trinh thám sẽ kể về một vụ án theo kiểu úp úp, mở mở để rồi dẫn dắt trí tưởng tượng của người đọc đi tìm sự thật. Khi những mảnh ghép đang bị xáo trộn được sắp xếp vào đúng vị trí của nó, bộ mặt hung thủ sẽ được phơi bày. Nhưng với “Phía Sau Nghi Can X” thì động cơ gây án rõ ràng và thủ phạm đã lộ diện ngay từ những trang đầu tiên. Ấy vậy mà, câu chuyện vẫn có sức lôi cuốn một cách lạ kỳ. Dường như, vụ án mà Higashino Keigo xây dựng nên chỉ là cái cớ cho tất cả những gì ẩn chứa đằng sau đó: “Tình yêu, tình bạn và có lẽ là rất nhiều thứ khác nữa”.
Điều gì đã làm Ishigami – một nhà toán học, một con người có lối sống vô cùng đơn giản, một con người mà suốt cả cuộc đời chẳng quan tâm đến bất cứ thứ gì khác ngoài logic và các con số lại chấp nhận hy sinh tất cả để che đậy tội ác cho hai mẹ con Hanaoka Yasuko? Bằng khối óc tinh tế và suy luận chặt chẽ, Ishigami tính toán mọi phương cách để hai mẹ con Yasuko có được bằng chứng ngoại phạm vững chắc trước sự tra hỏi từ phía điều tra viên. Trong suốt quá trình che đậy tội lỗi, ông đã chẳng đòi hỏi bất cứ điều gì ngoại trừ việc: “hãy tin tôi”.
Và sự tinh tế, nhạy bén mà các tình tiết mang đến cho độc giả còn nằm ở mối duyên hội ngộ của Ishigami với người bạn cũ Yugawa Manabu – một nhà vật lý. Ông cũng là người bạn tâm giao của điều tra viên Kusanagi – chịu trách nhiệm vụ án. Đã nhiều lần nhờ những lập luận của Yugawa mà Kusanagi gỡ được một vài ca khó trong quá trình phá án của mình. Dĩ nhiên trường hợp lần này cũng không là ngoại lệ.
Gặp lại người bạn thuở xưa, Yugawa chợt nhận ra tình yêu toán học không còn là nỗi trăn trở duy nhất trong tâm trí Ishigami.
“Trông cậu vẫn trẻ nhỉ. Khác hẳn với tôi. Đầu cậu vẫn còn bao nhiêu tóc”.
Ishigami đã từng cho rằng: “giá trị con người không đo bằng vẻ bề ngoài”. Yugawa dường như hiểu rất rõ anh bạn chí cốt của mình: “Anh ấy sẽ không chọn một cuộc đời cần đến những thứ như vậy. Và một khi rơi vào tình thế bắt buộc phải chú tâm đến ngoại hình, nghĩa là anh ấy đang yêu”.
Nhưng có lẽ, sau bao tháng ngày cô đơn cùng cực, Ishigami gần như phải tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Đã mấy mươi năm qua, mỗi khi màn đêm buông xuống, trong căn phòng thinh lặng, Ishigami chỉ biết khiêu vũ với các con số. Chứng minh và lý giải biết bao bài toán hóc búa nhưng chưa bao giờ ông tìm được đáp số chính xác cho bài toán của cuộc đời mình. Cả những trăn trở của Ishigami trước sự nhàm chán môn toán của các cô cậu học trò. Dù đây chỉ là tình tiết rất nhỏ nhưng cũng góp phần mô tả nội tâm nhân vật – một ông giáo yêu nghề. Thế rồi, Yasuko xuất hiện đem đến cho ông niềm vui sống mỗi ngày. Lần đầu tiên Ishigami biết đến tình yêu và cũng là lần cuối cùng ông được sống trong cảm giác yêu một ai đó.
Tình yêu của ông giáo dạy toán và cô hàng xóm đã trở thành điểm yếu và kẽ hở để Yugawa đi đến khẳng định mối liên kết sâu sắc giữa người bạn thuở xưa với vụ án mạng. Yasuko giết chồng cũ. Ishigami vì yêu vẻ đẹp của Yasuko mà quan tâm rồi dân thân và hy sinh. Cứ ngỡ rằng, vụ việc đã rất rõ ràng và tiếp theo chỉ là chờ đợi phía cảnh sát sẽ lập luận như thế nào để chứng minh hung thủ là hai mẹ con nhà Yasuko. Nhưng rồi, từng đoạn đối thoại mà Ishigami dành cho người bạn cũ mỗi khi gặp mặt lại là những miếng ghép vô hình để Yugawa thấu tỏ mọi việc và vỡ òa trong đau khổ.
Không gia đình, không vợ – không con, không vướng bận, Ishigami đã lựa chọn tự thú để vụ án được đóng sổ. Với sự kiên định và khối óc thiên tài của mình, Ishigami cho rằng ông chỉ cần bút chì và giấy. Tâm trí ông sẽ thỏa sức nhảy múa cùng các con số. Ngay cả khi ông bị trói tay, trói chân đi nữa, ông vẫn có thể làm phép tính trong đầu. Và dù cho ông không thể nghe thấy gì hay không thể nhìn thấy gì đi chăng nữa thì chẳng điều gì có thể giam cầm được bộ não của ông. Bất cứ nơi đâu, bất cứ trong hoàn cảnh nào, Ishigami vẫn luôn được tự do.
“Hãy quên mọi chuyện về tôi đi. Em không được cảm thấy mình có tội. Vì nếu em không hạnh phúc thì mọi việc tôi làm đều là vô nghĩa”.
Với những dòng thư cuối ông dành cho Yasuko, nên gọi đây là tình yêu mù quáng, tình yêu mãnh liệt hay là sự hy sinh vĩ đại?
“….trên đời này không có bánh xe nào à vô dụng, việc một chiếc bánh xe được sử dụng thế nào là do chính bánh xe đó quyết định”
Và có lẽ … suy cho cùng “sống như thế nào” vẫn là sự lựa chọn của mỗi người.!
