Tôi biết đến Lê Minh Nhựt qua cuộc thi văn học tuổi 20 lần thứ 5 với tập truyện ngắn “Gia Tộc Ăn Đất” và bị ấn tượng bởi lối viết chân chất, giản dị của anh, chỉ có người dân Nam Bộ mới có thể viết về mảnh đất, con người của quê hương mình với sự chân thật đến thế. Với “Gã Chăn Dê Ở Cù Lao Giá”, một lần nữa Lê Minh Nhựt quay lại với vùng đất quen thuộc ấy qua 16 truyện ngắn mộc mạc và thấm đẫm tình người.
Người dân Nam Bộ lúc nào cũng hiền hòa, hiếu khách: “Kiếm chỗ tá túc không khó ở cù lao Giá và cả xứ Kiến Vàng, vì tính hào phóng của người dân nơi đây. Kể cả khi không quen biết bất cứ ai ở đó thì khách lạ vẫn có thể được chủ nhà sắp xếp cho một chỗ ở khu nhà vá lưới hay trong một căn chòi ấm cúng; nếu may mắn hơn thì khách có thể được gia chủ mời hẳn vào nhà trên để biệt đãi, miễn tửu lượng khả dĩ cù cưa cù nhầy từ xế chiều đến quá nửa khuya.” Những phong tục tập quán đặc trưng của Nam Bộ được Lê Minh Nhựt tái hiện rất thú vị, cả những tính nết người dân hay thời tiết của vùng đất này cũng sẽ khiến người đọc xao xuyến, những ai chưa biết thì thấy sao lạ lùng, đáng yêu quá, những ai đã từng ghé Nam Bộ sẽ thấy sao chân thật, đáng nhớ quá.
Miền Tây sông nước với hệ thống kênh rạch chằn chịt, người ta sống trên sông nhiều hơn trên bờ, có lẽ đó cũng chính là lý do con người ở đây luôn đau đáu một nỗi buồn về sự trôi dạt, người ta luôn mong muốn một “tấc đất cắm dùi”, một bến bờ để neo đậu, để được yêu thương và hạnh phúc. Những nhân vật trong tập truyện ngắn hiện lên một cách sống động, ta có cảm tưởng chú Tư Tâm, anh Út Hoàng… là những người hàng xóm mà ta vẫn gặp gỡ hàng ngày mà ta không thể biết được những câu chuyện của họ, và Lê Minh Nhựt đã giúp ta hiểu thêm những tâm tư và nỗi buồn mà ai cũng mang nặng bên mình.
Nỗi buồn của những kiếp người trong cuốn sách không phải là nỗi buồn nặng trĩu, đau đớn mà là nỗi buồn man mác, cứ bám riết, dai dẳng tưởng chừng đã quên nhưng hóa ra nó vẫn ám ảnh họ. Nỗi buồn vì sự ngây thơ của người vợ bị chồng bỏ rơi, nỗi buồn vì sự nghi ngờ của một anh thanh niên lần đầu đi xe giường nằm, nỗi buồn vì phận nghèo của cô gái phải bán thân, nỗi buồn vì tủi nhục của chàng trai bị người yêu phụ bạc đi lấy chồng giàu… Lê Minh Nhựt đã đi sâu hơn trong việc diễn tả nội tâm phức tạp của con người với cái cách nhìn chân chất khiến độc giả khó tính cũng phải cười xòa khi cái sự so sánh của anh vẫn rặt chất Nam Bộ: “Mùa này tôm cá không dám đi vì nước trong xanh, nhìn tuốt luốt từ trên xuống dưới! – Mấy chủ đáy sông than thở khi đóng đáy giở lên toàn lá đước với trái mắm. Phải chi con người ta cũng nhìn thấu từ trong ra ngoài như nước mùa này thì hay quá! – Tư Lanh nói một câu băng quơ”. Dù những nỗi buồn vương vấn cuộc đời của các nhân vật nhưng không vì thế tập truyện trở nên ảm đạm, bi quan, vẫn đó những cuộc sống vui tươi và tình người ấm áp của người Nam Bộ vốn “thật thà như đếm”.
Tuy có những câu chuyện trong cuốn sách chưa thật sự hoàn chỉnh, giống một tản văn hơn là một truyện ngắn vì chỉ là một lát cắt nhỏ trong cuộc đời hay tâm sự không đầu không đuôi của nhân vật nào đó nhưng “Gã chăn dê ở cù lao Giá” về tổng thể vẫn là một tập truyện ngắn vừa vặn đã vẽ nên chân dung của miền Tây mà chỉ có người con của Nam Bộ với sự gắn bó máu thịt với mảnh đất nơi mình lớn lên mới có cái nhìn đầy nhân ái và sống động như thế.

“Thiên đường thì buồn”