Mộ Phần Tuổi Trẻ (Huỳnh Trọng Khang) – Khi Lịch Sử Qua Cái Nhìn Người Trẻ

Mộ phần tuổi trẻ là tác phẩm đầu tay của Huỳnh Trọng Khang khi anh vừa hai mươi tuổi, trẻ đến đáng ngạc nhiên, không chỉ là trên văn đàn mà còn là quá trẻ để cho ra một quyển tiểu thuyết mà ở ngay chính đề tài nó chọn lựa đã là một thử thách khó nhằn. Sau khi đọc tác phẩm này, nó cứ ngân vang một xúc cảm rất lạ kì.

Do cách viết dòng ý thức, các tuyến thời gian chia cắt nhau như những đại lộ chằng chịt mà người đọc cảm thấy mình lạc lối trong chính câu chuyện, trong chính nỗi hoang mang của các nhân vật. Cảm thấy chính mình như bị ngập ngụa trong khói thuốc, trong men rượu để phiêu du cùng những suy tưởng bất tận của chàng thanh niên trẻ xưng “tôi” cũng chính là người trần thuật – chứng nhân của lịch sử.

Đề tài của anh là viết về một thời quá vãng của cha ông, một giai đoạn với quá nhiều biến cố rối ren, quá nhiều sự kiện. Dĩ nhiên tiểu thuyết là hư cấu nhưng đã là tiểu thuyết lịch sử thì phải hư cấu trong chính cái lịch sử không thể nào xê dịch, của cái đã rồi, cái người ta đã nhúng vào và không bao giờ có thể làm lại, nhất là chiến tranh, dẫu hệ quả của nó dài lâu. “tiểu thuyết không phải thằng hầu của sử gia” như Milan Kundera nói nhưng chắc rằng một tiểu thuyết gia phải có nhiều thứ hơn cả một sử gia. Bởi đó không chỉ là lịch sử của các sự kiện được tái hiện mà còn là cách nhìn khác của lịch sử. Nếu xê dịch cái nhìn của mình, dẫu chỉ là đôi chút thì đã thấy mọi sự hoàn toàn khác. Trải qua một biến cố, người trong cuộc vốn đã trăm nghìn cách nhìn, huống chi một người quá trẻ lại phải đặt mình để trải nghiệm, để sống một cuộc đời khác. Các đoạn đứt gãy giữa các dòng gây xáo trộn mà nếu người viết không tập trung dễ bị sai sót trong những chi tiết rất nhỏ, bởi lịch sử mà hư cấu, hư cấu mà lịch sử, phải đi qua lại giữa hai bờ hư thực. Nhìn lịch sử đã khó, tái hiện, mô tả nó, xây dựng những tình huống trong lòng lịch sử đó với những thiết chế đã đổi khác so với hôm nay thì một người trẻ phải rất bản lĩnh, có gan mới dám làm điều đó.

Trong việc viết của anh là cả một trường đọc hiểu rất rộng, có một bề dày về kiến thức không chỉ lịch sử mà còn văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên, phô kiến thức quá nhiều có thể gây cảm giác dội cho người đọc. Xuyên suốt tiểu thuyết, nhiều lúc nó như một quyển tham khảo, như có thể ngồi list ra từng trang để biết mình nên đọc về ai, chủ nghĩa nào và trong đầu lần lượt tái hiện những cuốn sách mình từng đọc bởi những mẩu biểu đạt quen thuộc như “tiếng cười trong bóng tối” hay đoạn miêu tả Neigh như Lolita rồi một dãy các tác giả. Việc anh để nhân vật nói cho tư tưởng của anh quá nhiều và kỹ thuật viết còn lộ nên có nhiều đoạn gây kistch.

Nếu khắt khe thì đây không phải là một tiểu thuyết tốt nhưng vẫn đáng đọc và đáng hoan nghênh vì nó đã cho thấy ý thức của người trẻ khi tiếp cận với lịch sử và dám thể nghiệm nó qua một cái nhìn mới. Và đây có lẽ cũng là một cây bút hứa hẹn cho nền văn học Việt.

One Reply to “Mộ Phần Tuổi Trẻ (Huỳnh Trọng Khang) – Khi Lịch Sử Qua Cái Nhìn Người Trẻ”

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.