Ra đời vào năm 1899, đã hơn 100 năm trôi qua nhưng “Giữa lòng tăm tối” vẫn là một cuốn tiểu thuyết gây rất nhiều tranh cãi, có những lời tung hô rằng đây là một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại nhưng có người lại cho rằng cuốn sách là một sỉ nhục vì có sự phân biệt chủng tộc quá nặng nề. Cuốn sách có số phận của một cuốn tiểu thuyết kinh điển này được xem như là trải nghiệm của chính tác giả khi vào năm 1890, Joseph Conrad theo chân một công ty của Bỉ trôi theo dòng sông Congo để khám phá Phi Châu, “Giữa lòng tăm tối” là chuyến phiêu lưu của Charles Marlow, và cả độc giả vào trái tim của lục địa đen – châu lục mà lúc bây giờ vẫn còn bao điều bí ẩn.
Chủ nghĩa thực dân vào những năm cuối thế kỷ XIX đang leo thang, những kẻ cai trị không ngừng khai phá những vùng đất mới và Châu Phi vẫn là một vùng đất hoang dại, nhiều nguy hiểm chực chờ, có những bộ lạc ăn thịt người hay những người dân man rợ, những người da trắng không thể hiểu nổi được những tập tục và thiên nhiên nơi đây: “Ngoài hàng rào, rừng rậm như bóng ma lừng lững dưới trăng, và qua tiếng xôn xao trầm đục, qua những âm thanh mơ hồ từ mảnh sân tang thương ấy, sự im lặng của xứ sở này xuyên thấu tận tâm can mỗi người – cái bí hiểm, cái vĩ đại, hiện thực choáng ngợp của sự sống ẩn trong lòng nó.” Thế nhưng bất chấp tất cả những mối đe dọa ấy, Châu Phi lúc bây giờ là mảnh đất màu mỡ của những khoáng vật, đặc biệt là ngà voi, bao công ty lao vào xâu xé châu lục sơ khai này và giành lấy phần của mình.
Và nổi lên trên đó là Kurtz: kẻ buôn ngà voi, chính trị gia, nhà soạn nhạc, tay hùng biện đại tài và là nỗi ám ảnh của Charles Marlow. Trong xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, ta cảm nhận được sự hiện diện của Kurtz qua những câu chuyện của các nhân vật và sự ngưỡng mộ của Marlow, dường như hắn là một huyền thoại, một thần tượng, một “thiên tài toàn năng” mà ai cũng muốn gặp mặt. Hắn đã trở thành vị vua của vùng đất man rợ này, những bộ lạc nơi đây tôn thờ hắn, những người da trắng ghen tị với hắn thế nhưng đến khi hắn xuất hiện bằng xương bằng thịt thì hắn dường như chỉ là một ảo ảnh và chỉ còn là cái bóng trong những câu chuyện của chính hắn. Hắn là tất cả nhưng không là gì cả. Kurtz chính là biểu tượng của việc truyền bá tư tưởng châu Âu đến vùng đất Châu Phi, của việc gieo rắc sự tăm tối của lòng tham vô tận lên một xứ sở ngây thơ, và kết quả của quá trình này chỉ mang lại sự điên rồ và hỗn mang, hắn chính là hình ảnh đặc trưng nhất cho tư tưởng phản-anh-hùng của Joseph Conrad.
Nghệ thuật kể chuyện trong “Giữa lòng tăm tối” khá phức tạp, song song với chuyến du hành dọc bờ sông Congo thời quá khứ qua lời kể của Charles Marlow là chuyến viễn du trên sông Thames ở thì hiện tại của nhân vật “tôi”, nhân vật “tôi” là người kể chuyện nhưng trên thực chất diễn biến chính của câu chuyện lại được thuật lại qua lời dẫn chuyện của Marlow – cũng xưng “tôi” trong lời kể mênh mang về quá khứ ở một vùng đất quá nhiều khác biệt. Dường như tất cả sự kiện được Joseph Conrad bao phủ bởi một màn sương mù, nơi cả quá khứ hay hiện tại, cả châu Phi hay nước Anh đều được làm mờ đi: “Các cậu có hiểu chuyện này không? Có hiểu gì không? Có vẻ tôi đang cố kể lại một giấc mơ – một nỗ lực vô vọng, vì không sự tường thuật nào tái hiện được cơn-phấn-khích-trong-mơ, sự pha trộn của quái lạ, kinh ngạc, hoang mang giữa cơn chấn động của sự vẫy vùng nổi loạn, được cái ý niệm bởi sự hoang đường vốn là bản chất của giấc mơ…” Những trải nghiệm của Marlow ở Châu Phi vẫn luôn ám ảnh anh, dù anh không chắc được những gì mình trải qua ở đây có phải là sự thật, bởi có quá nhiều sự kiện, quá nhiều bí ẩn, quá nhiều cú sốc đã ập đến với anh. Anh phiêu lưu vào giữa lòng tăm tối của châu Phi hay đi vào giữa lòng tăm tối của con người, của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc? Và đâu là ranh giới mỏng manh giữa cai trị và chiếm đoạt, giữa thu hoạch và cướp phá? Chuyến phiêu lưu của Charles Marlow còn là hành trình đánh mất sự ngây thơ, khi quay trở về nước Anh, anh đã nhìn mọi việc bằng một con mắt khác với nỗi hoài nghi trong tâm trí, phải chăng chính tác giả Joseph Conrad cũng đã có những cảm nhận tương tự để 9 năm sau khi quay về từ Châu Phi, ông đã viết nên cuốn tiểu thuyết này?
Bỏ qua những tranh cãi xoay quanh cuốn tiểu thuyết, “Giữa lòng tăm tối” khẳng định được tài năng của Joseph Conrad khi đã viết nên một câu chuyện huyền hoặc, ám ảnh, u tối và đậm chất thơ. Cuốn sách đã làm mê hoặc bao thế hệ người đọc suốt 100 năm qua, tờ báo Guardian của Anh cũng đã chọn “Giữa lòng tăm tối” vào top 100 cuốn sách viết bằng tiếng Anh hay nhất và ca ngợi cuốn tiểu thuyết như một dấu son mở đầu cho thời kỳ hoàng kim của Chủ nghĩa hiện đại vào thế kỷ XX.

“Thiên đường thì buồn”