Tù Nhân Của Thiên Đường (Carlos Ruiz Zafón) – Cuộc Phiêu Lưu Dang Dở

“Tù nhân của thiên đường” là cuốn sách thứ 3 trong bộ sách “Nghĩa trang những cuốn sách bị lãng quên” của nhà văn Tây Ban Nha Carlos Ruiz Zafón. Có lẽ bạn đọc nào cầm trên tay cuốn sách dù đã đọc hay chưa đọc tập đầu tiên của bộ sách (mang tên “Bóng hình của gió”) cũng có chút gì ái ngại mình sẽ không hiểu được câu chuyện khi bắt đầu từ cuốn sách thứ 3 như thế. Thấu hiểu điều này nên ngay từ mở đầu, Carlos Ruiz Zafón đã trấn an người đọc rằng mỗi tập sách trong bộ sách của ông đều có những câu chuyện riêng biệt và có thể đọc theo bất cứ thứ tự nào mình muốn, tất cả như một chìa khóa để giải mã cái bí ẩn cuối cùng mang tên: Nghĩa trang những cuốn sách bị lãng quên.

Thành phố Barcelona nổi tiếng bởi sự sôi động, xinh đẹp hiện lên trong “Tù nhân của thiên đường” với một hình ảnh hoàn toàn khác. Những ngày mùa đông lạnh lẽo, ảm đạm năm 1957, khi những ám ảnh về cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 vẫn còn in đậm lên tâm trí mọi người, ta lại bắt gặp nhà sách “Sempere và Con trai” nhỏ bé, yên bình với sự điều hành của Daniel Sempere nhưng việc kinh doanh có phần xuống dốc. Thế rồi một người đàn ông lạ mặt xuất hiện, ông đến hiệu sách với đôi chân khập khiễng và chọn mua ngay cuốn sách đắt tiền nhất: “Bá tước Monte Cristo”, nhưng ông không mua cuốn sách ấy cho mình mà muốn tặng nó cho một người bạn, kỳ lạ thay, người ông muốn tặng đó chính là Fermín, người giúp việc cho hiệu sách đồng thời cũng là bạn thân của Daniel Sempere. Với lời đề tặng bí ẩn cùng hành tung đáng ngờ, Daniel linh cảm người đàn ông ấy đang nắm giữ một bí mật nào đó về Fermín và quyết định theo dõi ông ta để tìm câu trả lời cho những câu hỏi mà cậu không thể gạt ra khỏi đầu và phải chăng Fermín không phải là người mà anh tưởng mình biết rõ: “Tôi không biết đã đọc ở đâu đó rằng trong sâu thẳm chúng ta không còn là con người như trước đây ta từng nghĩ mình là nữa, và chúng ta chỉ nhớ đến những điều chưa bao giờ xảy ra…”

Quá khứ của Fermín bắt đầu lật giở, ta sẽ quay trở lại những ngày tháng khi chiến tranh ác liệt nhất và Fermín là một tội phạm ở pháo đài Montjuïc, nơi anh bị đánh đập, hành hạ nhưng vẫn tràn trề nghị lực sống. Cũng chính nơi đây, Fermín đã trở thành bạn với nhà văn David Martín, người bạn tù ở nhà lao kế cận, và cũng chính là người được mệnh danh là “Tù nhân của thiên đường”. Câu chuyện của David Martín cũng hé lộ một chút về cuốn sách thứ hai trong bộ sách “Nghĩa trang những cuốn sách bị lãng quên” mang tên “Trò chơi của thiên sứ” khi chính David Martín là tác giả của cuốn sách ấy. “Trong thế giới chúng ta đang sống điều gì cũng có thể tha thứ, ngoại trừ việc nói ra sự thật” – Fermín đã thốt lên như thế khi kể về câu chuyện của mình và những bí mật anh đang nắm giữ mà không thể nói ra, đặc biệt là viện trưởng ngục Marico Valls, kẻ luôn tìm cách cướp đoạt những tác phẩm của David Martín mà sau chiến tranh mau chóng trở thành một nhà văn hóa lớn, được bao người tôn trọng tung hô. Daniel Sempre khi theo gót người đàn ông lạ mặt đã không ngờ rằng cậu đang đùa giỡn với quá khứ, xới tung nó lên và sẽ bị những câu chuyện của quá khứ chột lấy, nuốt chửng và ám ảnh cậu mãi mãi, bởi vì những gì Fermín nắm giữ, còn có sự thật về cái chết của mẹ cậu.

Những ai đã đọc “Bóng hình của gió” ắt hẳn sẽ bắt gặp những chất liệu quen thuộc: người đàn ông lạ mặt, và những cuốn sách là manh mối cho chuyến phiêu lưu. “Tù nhân của thiên đường” một lần nữa khiến tôi tin rằng mỗi cuốn sách đều chứa đựng một thế giới riêng mà nếu ta dũng cảm khám phá thì sẽ thấy bao điều thú vị, kỳ lạ thậm chí có thể chứa đựng sự nguy hiểm đón đợi và khi đọc một cuốn sách cũng có nghĩa bạn đang dấn thân vào một cuộc phiêu lưu đầy ắp những bất ngờ. Với lối viết hấp dẫn và đầy kịch tính, Carlos Ruiz Zafón luôn biết cách tạo ra những manh mối để người đọc lần theo, những nút thắt mở để người đọc hồi hộp theo dõi và những tình tiết khiến người đọc không thể đặt cuốn sách xuống được. Vẫn những câu văn mượt mà, mê hoặc và đầy bí ẩn, Carlos Ruiz Zafón dẫn dắt người đọc qua những con phố của thành phố Barcelona với sự quyến rũ của những bí mật không lời đáp.

Thế nhưng điều đáng tiếc là “Tù nhân của thiên đường” vẫn mang lại cảm giác đây là một cuốn sách nối dài ra thêm trong bộ sách thay vì là một tác phẩm độc lập, những bí mật đến cuối cuốn sách vẫn chưa được lật mở, những câu hỏi ám ảnh Daniel (và cả người đọc) vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Và điều duy nhất tôi có thể làm là chờ đợi đến khi đọc trọn vẹn bộ sách, hy vọng những mảnh ghép khác trong bộ xếp hình sẽ từ từ hiện ra, và tôi sẽ có một cái nhìn đầy đủ nhất về “Nghĩa trang những cuốn sách bị lãng quên”.

One Reply to “Tù Nhân Của Thiên Đường (Carlos Ruiz Zafón) – Cuộc Phiêu Lưu Dang Dở”

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.